Kinh tế tháng 1 mang nhiều gam màu sáng

Trong tháng đầu tiên của năm 2018, nhờ những động lực tăng trưởng được thiết lập từ năm 2017, kinh tế cả nước đã có những kết quả tích cực.

Số thu ngân sách nhà nước của Tổng cục Hải quan trong tháng 1-2018 ước đạt hơn 23.000 tỷ đồng, bằng 8% dự toán, tăng 9,65% so với cùng kỳ năm 2017 (20.520 tỷ đồng). Bên cạnh đó, xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực khi kim ngạch gia tăng mạnh, đạt 20,22 tỷ USD, xuất siêu 181 triệu USD.

Kết quả trên đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng đầu tiên của năm đạt hơn 40,26 tỷ USD, tăng 46,2%, tương ứng tăng 12,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy tín hiệu tích cực từ nền kinh tế ngay từ những ngày đầu năm.

Năm bản lề của hội nhập

Những ngày cuối tháng 1, có một con số đáng chú ý từ khu vực doanh nghiệp (DN) theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, đó là số lượng DN thành lập mới. Theo đó, trong tháng 1-2018, cả nước có tới gần 11.000 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 98.300 tỷ đồng. Nếu so với con số gần 9.000 DN mới ra đời của cùng kỳ năm 2017 thì lượng DN thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm 2018 tăng 20,6% và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017.

Năm 2018 là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế

Nếu tính cả 218.100 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1-2018 là 316.400 tỷ đồng. Điều này đã phần nào chứng tỏ niềm tin của người dân và cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang ngày càng tăng lên. Năm 2018, dự báo DN mới cũng sẽ vượt kỷ lục của 2017.

Đặc biệt, trong tháng 1-2018, nền kinh tế cũng ghi nhận vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 16.175 tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với vốn đầu tư từ khu vực DN ngoài nhà nước cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài, kỳ vọng các nguồn vốn này được sử dụng có hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Bên cạnh đó, trong tháng 1-2018 có gần 1,25 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, con số này chỉ bằng 75,9% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, trái ngược với vốn đăng ký, giải ngân FDI lại đạt 1,05 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm ngoái. Hàn Quốc, Singapore tiếp tục là những nước có vốn đổ vào Việt Nam nhiều nhất.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhiều khả năng sẽ được cải thiện. Năm 2018 sẽ là năm DN Việt Nam có khả năng mở rộng thâm nhập vào thị trường thế giới, đồng thời cổ phần hóa DN và phát triển khu vực tư nhân sẽ là động lực giúp tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn từ ngày 1-1-2018, tiến trình minh bạch hóa thông tin đang dần trở nên rõ nét và các DN sẽ tập trung phát triển các chiến lược quản trị tiên tiến phù hợp với bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, XNK 2018 có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, do những cải thiện trong quan hệ hợp tác của Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam bước vào năm 2018 với ít nhiều hứng khởi. Kết quả kinh tế - xã hội tương đối ấn tượng trong năm 2017 đã giúp củng cố niềm tin vào cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

Tuy nhiên, về tăng trưởng kinh tế 2018, đại diện CIEM cho biết, kết quả dự báo của cơ quan này cho thấy, năm 2018 tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,58%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%, thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2018 so với bình quân năm 2017) là khoảng 3,74%.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bất lợi như: Quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định, vấn đề tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn, vấn đề trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhiều DN vẫn cho biết, chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế. Năm 2018 là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam, trong đó thử thách lớn là phải cải cách được những điểm nghẽn mà lâu nay chúng ta đã làm nhưng chưa làm được.

Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững trong năm 2018, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực DN. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực DN đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.



Lưu Hiệp - CAND