Tăng trưởng không đồng đều
Theo mô hình phục hồi kinh tế chữ K, sự giảm tốc của các nền kinh tế diễn ra theo chiều thẳng đứng, giống như những gì thị trường chứng kiến trong tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, và nối tiếp sau đó là hai mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực và một bên suy giảm mạnh.
Đối với các ngành lớn, hoạt động sản xuất công nghiệp như sản xuất ô tô và chất bán dẫn đang phục hồi nhanh chóng, nhưng các ngành dịch vụ như du lịch và nhà hàng vẫn đang vật lộn trước các tác động của đại dịch.
Cụ thể, Renesas Electronics - công ty bán dẫn hàng đầu ở Nhật Bản, đã thông báo phải kéo dài thời gian giao hàng lên 12 tuần, gấp đôi thời gian thông thường do tình trạng thiếu chip xử lý. Nguyên nhân là do nhu cầu về chất bán dẫn cho các trung tâm dữ liệu đã tăng lên khi ngày càng nhiều người làm việc trực tuyến từ nhà.
Nhu cầu về chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô cũng đã phục hồi nhanh chóng kể từ mùa thu năm ngoái. Doanh thu của các công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan đã tăng vọt trong giai đoạn tháng 10 – tháng 12/2020.
Doanh số bán xe tại Trung Quốc của các hãng cao cấp như Mercedes-Benz, BMW và Audi đã chạm mức cao kỷ lục trong năm 2020. Mặc dù sản lượng xe tại đây đã giảm mạnh vào mùa xuân năm ngoái do đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng nhu cầu mua xe đã phục hồi kể từ mùa thu và các nhà sản xuất ô tô đang nhanh chóng tăng sản lượng.
Tuy nhiên, sự phục hồi của một số ngành sản xuất công nghiệp chỉ phản ánh một khía cạnh của nền kinh tế toàn cầu khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ở phía bên kia của bức tranh, các ngành dịch vụ đang phải oằn mình gắng gượng.
Tại Hoa Kỳ, doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại trong tháng 12/2020 – cao điểm mua sắm trong năm đã giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy hơn 110.000 nhà hàng tại đây đã đóng cửa vĩnh viễn hoặc đóng cửa trong thời gian dài tính đến tháng 12/2020.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit đo lường cho thấy niềm tin kinh doanh trong khối sản xuất tại Hoa Kỳ tiếp tục ở mức cao so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh ở khu vực dịch vụ hầu như ở dưới mức ổn định.
Đánh giá triển vọng các nền kinh tế lớn cho thấy tăng trưởng GDP thực của khu vực Châu Âu trong quý 4/2020 sẽ ở mức âm. Dự báo nền kinh tế Nhật Bản trong quý 1/2021 cũng sẽ rơi vào tăng trưởng âm.
Thị trường chứng khoán quá nóng
Sự tăng trưởng mạnh của các thị trường chứng khoán chủ yếu do các chính sách nới lỏng tiền tệ và không phản ánh tình trạng thực sự của các nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thực đang đối mặt nhiều rủi ro suy thoái cao do các hạn chế về di chuyển, thị trường chứng khoán toàn cầu đang ở mức cao trong lịch sử.
Vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu lần đầu tiên đạt mức 100 nghìn tỷ USD vào tháng 12/2020. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về GDP danh nghĩa toàn cầu vào năm 2021 là 91 nghìn tỷ USD, đánh dấu một kỷ nguyên bất thường khi vốn hóa thị trường cao vượt quá mức GDP toàn cầu.
Thời báo tài chính Nikkei Asia Review (Nhật Bản) dẫn lời ông Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng của Okasan Securities, cho biết “Nền kinh tế càng tồi tệ, giá cổ phiếu càng tăng do các nhà đầu tư kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế”. Số tiền các biện pháp kích thích mà các chính phủ trên thế giới thực hiện đã lên tới khoảng 12,5 nghìn tỷ USD.
Những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch phần lớn là công nhân bán thời gian hoặc những người trẻ tuổi làm việc trong ngành thực phẩm và du lịch. Các chính sách kinh tế ở quy mô chưa từng có là điều cần thiết để hỗ trợ những người lao động dễ bị tổn thương trong lĩnh vực này, nhưng mức độ chi tiêu tài khóa lớn và chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương hiện đang khiến thị trường tài chính trở nên quá nóng.
Các chính sách tài khóa và tiền tệ này sẽ càng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp. Mặt khác, nếu rủi ro lạm phát gia tăng do giá tài sản tăng cao và bùng nổ lĩnh vực sản xuất, thị trường tài chính sẽ có nhiều khả năng chứng kiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách, dẫn đến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Mặc dù lạm phát của Nhật Bản tăng trưởng âm, nhưng giá thiết bị gia dụng như máy tính để bàn và lò vi sóng đang tăng do nhiều người làm việc tại nhà hơn. Tại Hoa Kỳ, lạm phát đã ổn định trên 1% kể từ mùa hè năm 2020 và giá nhà ở tháng 12/2020 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã dần nhận thức về lạm phát, theo đó, lợi tức kho bạc kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ đang dần tăng lên. Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước sẽ gặp càng nhiều khó khăn trong điều hành chính sách.