Chiều 24/8, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2021 với tựa đề “Việt Nam số hóa - con đường đến tương lai”.
Trong báo cáo, World Bank nhận định, trong bối cảnh bất định trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, nhưng hiện tại, đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, nhất là từ đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021.
Theo dự báo của World Bank, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam cho biết: “Khi nào nhìn vào viễn cảnh năm 2021, chúng tôi xem xét đến thực tế kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi ước đoán tăng trưởng kinh tế khoảng 4,8% năm 2021, thấp hơn 2 điểm % so với dự báo cuối tháng 12/2020. Do còn nhiều bất định về những gì diễn ra trên toàn cầu, về dịch Covid 19 nên con số dự báo đó vẫn có nguy cơ suy giảm”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank Dorsati Madani cũng chỉ ra rằng, kể từ đầu tháng 5/2021, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ của Việt Nam đã bị "bó buộc" bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.
Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng hơn, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sau đó là Hà Nội đã phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt (theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ) gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất, gia tăng thị phần cung ứng do một số lĩnh vực, ngành hàng của Việt Nam bị đứt gãy sản xuất và còn yếu vì tác động của dịch Covid-19 từ năm ngoái.
Ngoài ra, báo cáo của World Bank cũng cho biết, trong tháng 7/2021, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020, trong khi chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể. Về kinh tế đối ngoại, vài tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng phần nào thể hiện sự thận trọng.
Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy, hoặc đình hoãn sản xuất.
Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia, World Bank tại Việt Nam đặt vấn đề, nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch hiện nay. Đồng thời, cũng tùy thuộc vào hiệu quả triển khai vaccine và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng cũng như các kích thích sự phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5-7% từ năm 2022 trở đi.
Báo cáo khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả do dịch Covid-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và các chương trình an sinh xã hội. Cùng đó, cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là vấn đề nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa và các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.
Bên cạnh phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế, ẩn phẩm kỳ này, dưới tiêu đề "Việt Nam số hóa - con đường đi đến tương lai" cũng tập trung vào những nội dung, những vấn đề mà Việt Nam cần thực hiện để trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam Jacques Morisset cho rằng, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc về số hóa của thế giới.
Do đó, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.
“Yếu tố quan trọng là phải có hạ tầng tốt, cần được bảo trì, nâng cấp liên tục, Việt Nam cần đảm bảo được hạ tầng viễn thông. Việt Nam cần nâng cấp về kỹ năng, Việt Nam đang đi sau các nước khác về kỹ năng số. Khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên chuyển đổi số” - ông Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.