Phát triển nền kinh tế nhân bản, nhân văn
Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo nhấn mạnh mối quan hệ giữa luân lý và kinh tế là mối quan hệ bên trong, không thể tách rời. Luân lý và hoạt động kinh tế có quan hệ mật thiết với nhau đồng thời chúng còn tương tác lên nhau một cách hết sức quan trọng. Theo Giáo hội Công giáo, trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, người ta phải tôn trọng và phát huy phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, cũng như sự an sinh của toàn xã hội, vì con người là nguồn cội, là trung tâm và là mục tiêu của toàn bộ đời sống kinh tế xã hội.
Cụ thể, Chương 7 – Đời sống kinh tế, Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo nêu rõ “Phải đặt hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất phục vụ con người và xã hội. Nếu người ta xả thân làm các việc ấy với lòng tin, cậy, mến của các môn đệ Đức Kitô, thì ngay cả kinh tế và tiến bộ cũng có thể biến thành những địa điểm cứu độ và thánh hoá. Vì trong các lĩnh vực này, người ta cũng có thể bày tỏ một tình yêu và một sự liên mang tính nhân bản hơn, và đồng thời có thể góp phần làm tăng trưởng một nhân loại mới, báo trước thế giới tương lai. Đức Giêsu tóm tắt tất cả những mạc khải trên đây bằng cách kêu gọi người tín hữu hãy trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 12,21). Kinh tế cũng giúp ích cho mục tiêu này, khi người ta không phản bội chức năng của kinh tế là làm công cụ giúp phát triển toàn diện con người và xã hội, cũng như phát triển toàn diện phẩm chất nhân bản của đời sống.”
Chương 3 – Đời sống kinh tế xã hội, Phần 2, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium Et Spes) của Công đồng Vatican II cũng nhắc việc phát triển kinh tế là để phục vụ con người, phát triển kinh tế dưới sự kiểm soát của con người, hướng đến phát triển một nền kinh tế nhân bản, nhân văn.
Một nền kinh tế nhân bản, nhân văn được hiểu là nơi mà người sản xuất phải có trách nhiệm đến cùng những sản phẩm, dịch vụ mà mình làm ra, cung cấp cho người tiêu dùng. Với sản xuất công nghiệp là đúng quy chuẩn, bảo đảm chất lượng; với sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm nông sản sạch, lành; với kinh doanh thương mại là trung thực, minh bạch. Công giáo hướng con người trong mọi hoạt động của mình - kể cả hoạt động kinh tế phải làm với trách nhiệm lương tâm, với đạo đức của người tín đồ nhằm hướng tới hạnh phúc của bản thân cũng như của đồng loại.
Các giáo lý Kitô giáo góp phần tạo cho người tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh có được một chuẩn mực trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hoá và dịch vụ, đồng thời có thái độ với của cải làm ra. Tín đồ sẽ phải nỗ lực vươn lên tạo ra được một nền kinh tế nhân bản, nhân văn, mở rộng thị phần thông qua việc liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Người làm kinh doanh thấm nhuần các giáo lý khi tạo ra sản phẩm kém chất lượng hay sản phẩm độc hại sẽ bị day dứt vì tội lừa đảo, tội gây tổn hại sức khoẻ tín hữu nói riêng, người tiêu dùng nói chung.
Trong các thông điệp của mình gửi đến tất cả những người có thiện chí, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh nếu hoạt động kinh tế phải có tính luân lý, thì hoạt động ấy phải hướng tới mọi người và mọi dân tộc. Mọi người đều có quyền tham gia vào đời sống kinh tế và đều có nghĩa vụ tuỳ theo khả năng của mình mà đóng góp vào sự tiến bộ của quê hương mình và của toàn thể gia đình nhân loại. Nếu mọi người đều có trách nhiệm về người khác tới một mức độ nào đó, thì mọi người cũng có nghĩa vụ dấn thân vào công cuộc phát triển kinh tế của hết mọi người. Khi được thi hành theo đúng luân lý, hoạt động kinh tế trở thành sự phục vụ lẫn nhau giữa con người, được biểu hiện qua việc sản xuất hàng hoá và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự phát triển của mỗi người; đồng thời nó sẽ trở thành cơ hội cho mỗi người thể hiện tình liên đới và sống lời mời gọi “hiệp thông với người khác mà Thiên Chúa đã nhắm tới khi tạo dựng con người”. Nỗ lực sáng tạo và thực hiện các dự án kinh tế và xã hội có thể thúc đẩy một xã hội công bằng hơn và một thế giới nhân bản hơn. Đây quả là một thách thức khó khăn, nhưng đó cũng là một nghĩa vụ rất đáng tự hào cho tất cả những ai đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế và đang có liên hệ với các hoạt động kinh tế.
Hướng tới sự hài hoà, bền vững, thân thiện với môi trường
Người làm ra sản phẩm, cung cấp dịch vụ tất nhiên được hưởng lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, giáo lý Kitô giáo đề cao sự chia sẻ trong phát triển kinh tế. Chương 7 – Đời sống kinh tế, Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo dành ra một phần nội dung với tựa đề “Của cải có là để được chia sẻ”. Theo đó, sự cứu độ trong Kitô giáo là sự giải thoát toàn diện con người, tức là được giải thoát không những khỏi mọi nhu cầu mà còn khỏi mọi sở hữu. Các Giáo phụ còn kêu gọi kêu gọi những ai tham gia kinh doanh và có được của cải “hãy xem mình chỉ là người quản lý những tài sản Thiên Chúa đã giao.”
Quan điểm của Giáo hội là “Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội”. Thánh Clementê thành Alexandria tự hỏi: “Chúng ta làm sao có thể làm điều tốt cho người lân cận khi chẳng ai trong chúng ta có chút của cải?”
Còn theo quan điểm của Thánh Gioan Kim Khẩu, của cải thuộc về một số người để những người này lập được công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Của cải là một điều tốt xuất phát từ Thiên Chúa và phải được người sở hữu nó sử dụng và lưu thông thế nào cho cả người túng thiếu cũng được hưởng. Sự xấu xa lộ ra khi người ta tha thiết quá độ với của cải và tham lam tích trữ. Thánh Basiliô Cả kêu gọi người giàu hãy mở cửa nhà kho của mình và ngài khuyên họ: “Dòng nước lũ lớn chảy qua hàng ngàn kênh rạch để tràn ngập hết đất đai màu mỡ. Cũng thế, bằng hàng ngàn nẻo đường khác nhau, quý vị hãy làm sao cho của cải nhà mình đến được nhà những người nghèo túng.”
Như vậy, người làm kinh doanh không chỉ theo đuổi lợi nhuận một cách đúng đắn mà còn phải dấn thân phục vụ xã hội, tích cực đóng góp công sức, nhiệt tình chia sẻ vật chất để giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn, từ đó thúc đẩy toàn xã hội đi lên, phát triền hài hoà.
Sự phát triển hài hoà của các hoạt động kinh tế còn được giáo lý Kitô giáo đề cập dưới góc độ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các tài nguyên thiên nhiên, một cách hết sức hợp lý, theo nguyên tắc tiết kiệm. Với Kitô giáo, thiên nhiên - môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này được thể hiện trong sách Sáng Thế khi đề cập đến Thiên Chúa tạo dựng ra vũ trụ - thiên nhiên trong 5 ngày, ngày thứ 6 Thiên Chúa sáng tạo ra con người. Thiên Chúa giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo (những gì do Thiên Chúa tạo ra) và bắt họ chăm lo sao cho thụ tạo được hài hòa và phát triển (Sáng thế 1: 26-30).
Huấn quyền của Giáo hội yêu cầu con người không được “sử dụng Trái Đất một cách tùy tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách vô hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một mục tiêu mà Thiên Chúa đã ban cho từ trước”. Đồng thời, Huấn quyền nhấn mạnh mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người.
Có thể thấy, Kitô giáo hướng tới phát triển một nền kinh tế bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Con người được Thiên Chúa đặt trong mối tương quan chặt chẽ với thiên nhiên – môi trường và được Thiên Chúa đặt trên đỉnh chóp của thiên nhiên – môi trường. Con người phải có trách nhiệm trước Thiên Chúa bảo vệ thiên nhiên - môi trường. Huấn quyền Kitô giáo quan niệm thiên nhiên - môi trường là một thể thống nhất, là một chuỗi mắt xích đã được sắp đặt, chúng có quan hệ hữu cơ, quan hệ nội tại. Một mắt xích bị đứt kéo theo thay đổi một trật tự - đã được Thiên Chúa sắp đặt sẵn.