Đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực đạt nhiều kết quả tích cực
Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-9-2021 của Tỉnh ủy Kon Tum về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, môi trường đầu tư được cải thiện; cải cách hành chính được triển khai quyết liệt. Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đời sống Nhân dân tại các vùng kinh tế động lực được nâng lên. Đô thị thành phố Kon Tum được đầu tư, chỉnh trang, phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh; vùng du lịch sinh thái Măng Đen được quy hoạch, hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, dịch vụ và sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hình ảnh Măng Đen ngày càng được nhiều người biết đến, dần khẳng định vai trò trọng điểm du lịch của tỉnh và vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, theo Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh Kon Tum, công tác lập các quy hoạch còn chậm, quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai, quản lý đô thị tại hai vùng kinh tế động lực chưa chặt chẽ. Thu hút đầu tư có mặt chưa hiệu quả, nhất là thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân chính của hạn chế, khuyết điểm trên là do: Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý các sai phạm có lúc chưa thường xuyên, kịp thời. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư tại các vùng kinh tế động lực. Chất lượng một số quy hoạch chưa cao. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược để đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh tại các vùng kinh tế động lực.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum
Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm; phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém; quyết liệt, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các quy hoạch, đẩy nhanh việc lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại các vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Ngoài ra, tập trung huy động các nguồn lực theo quy định của pháp luật để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như: Tuyến cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi; Cảng hàng không Măng Đen; Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (Kon Tum); Tuyến cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) - Pleiku (Gia Lai)… Hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới để mở rộng không gian đô thị các vùng kinh tế động lực.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 phù hợp với nguồn lực và yêu cầu phát triển, trong đó, ưu tiên phân bổ vốn để hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho hàng hóa nông sản.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi gắn với giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các vùng kinh tế động lực nhằm thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch bền vững, thân thiện, gắn với thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo an ninh du lịch. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, trọng điểm tại vùng du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông và các địa phương của tỉnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ các dự án trọng điểm và nhu cầu phát triển kinh tếxã hội của các vùng kinh tế động lực và của tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức để cung ứng, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thu nhập ổn định.