Hiệu quả kinh tế, sự bền vững về môi trường, hệ sinh thái cho Sạc Ly
Có thể khẳng định cây thông ba lá thích hợp với đất đai và khí hậu tỉnh Kon Tum nói chung và khu vực thuộc dãy Sạc Ly nói riêng. Số liệu điều tra năm 2015 của Công ty NLG Miền Nam ở tuổi 13 rừng trồng có trữ lượng là 143,7 m3/ha; ở độ tuổi thứ 14 có trữ lượng 179,3 m3/ha; ở độ tuổi thứ 15 có trữ lượng 218,8 m3/ha.
Sự trù phú, ấm no hiện hữu trên từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh khu vực, vết thương từ chiến tranh dường như đã lùi vào quên lãng. Ảnh: InternetTrên thị trường, gỗ thông hiện nay đang là sự lựa chọn của nhiều nhà máy chế biến thiết bị nội thất (sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất). Nhìn chung về tổng quan thị trường trong nước và trên thế giới thì nhu cầu về sản phẩm gỗ nói chung và gỗ thông nói riêng là rất lớn, tăng trưởng ổn định cả về số lượng và giá cả. Đặc biệt, Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các sản phẩm gỗ có xuất xứ nguyên liệu gỗ rõ ràng, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững như rừng thông ba lá của Công ty NLG miền Nam.
Ngoài giá trị kinh tế, rừng thông ba lá thuộc Dự án NLG Kon Tum còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái mới được tái sinh ở nơi này, góp phần tạo nguồn sinh thủy và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của lũ lụt đối với Kon Tum và một số tỉnh tiếp giáp ở miền xuôi.
Cần cơ chế vay đặc thù
Rừng trồng của dự án NLG Kon Tum chu kỳ 15 năm hiện nay đã đến thời hạn trả nợ cho Ngân hàng Phát triển. Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty nguyên liệu giấy miền Nam đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Nếu khai thác trắng để bán ở các tỉnh khác sẽ tốn kém thêm chi phí vận chuyển, trong khi cây 15 tuổi nhìn chung còn tương đối bé so với kích thước của gỗ thông hàng hóa thông dụng nên có giá trị kinh tế thấp, do chỉ chủ yếu được bán để làm dăm mảnh xuất khẩu hoặc sản xuất MDF, ngoài ra việc khai thác trắng còn đặt ra vấn đề tái đầu tư trồng rừng thế nào? nguồn vốn từ đâu, v.v. Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Vinapaco đã nghiên cứu, xây dựng phương án chuyển đổi mục tiêu kinh doanh rừng thông nguyên liệu giấy chu kỳ 15 năm sang kinh doanh gỗ lớn chu kỳ 25 năm, trình các Bộ, ngành và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 1937/TTg-KTN ngày 28/10/2015. Ngày 09/9/2016, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Kế hoạch &Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho ý kiến về cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án.
Trên thị trường hiện nay gỗ thông rất được ưa chuộng trong sản xuất sản phẩm nội thất. Ảnh: Internet.Tính toán của đơn vị tư vấn (Viện quy hoạch rừng Đông Bắc Bộ) cho thấy nếu tiếp tục được vay vốn theo phương thức Vinapaco đề xuất thì Dự án vùng nguyên liệu giấy Kon Tum sẽ đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế và môi trường (góp phần bảo vệ được hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học cho vùng đất mới được hồi sinh Sạc Ly). Về kinh tế, với tổng diện tích: 8.681,10 ha đầu tư theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn, sau 25 năm, khi khối lượng trung bình mỗi cây thông đạt khoảng 1m3/cây (có thể dùng làm đồ nội thất) thì mỗi m3 gỗ thông ba lá có thể bán được với giá trên 2,5 triệu đồng (Hiện nay giá gỗ thông ba lá bán làm nguyên liệu tại Nhà máy MDF Gia Lai khoảng 1 triệu đồng/tấn). Lợi nhuận của dự án sau 25 năm có thể đạt tới con số vài trăm tỷ đồng.
Dự án còn đồng thời giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm cho người dân địa phương, (Theo Vinapaco, dự án tạo việc làm cho khoảng 400 - 450 lao động).
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng PTVN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ bản đồng ý về cơ chế vay vốn do Vinapaco đề xuất. Với hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tương đối rõ ràng, đặc biệt là sự phù hợp với chính sách phát triển rừng gỗ lớn của Chính phủ, hy vọng việc tháo gỡ khó khăn, kéo dài thời gian vay vốn lên 25 năm cho dự án rừng nguyên liệu giấy của Công ty nguyên liệu giấy miền Nam sẽ sớm được triển khai.