"Kỷ luật và đồng tâm” - Di sản tinh thần vô giá của thợ mỏ

Cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 mãi mãi đi vào lịch sử của lớp lớp thợ mỏ Việt Nam như một biểu tượng thành công về tập hợp lực lượng, về tính kỷ luật, về tinh thần tương thân, tương ái, về tính ti

Khi Pháp xâm lược Việt Nam, chúng nhanh chóng tiến hành khai thác thuộc địa, đặc biệt là than đá vùng Quảng Ninh. Năm 1888, Công ty Than Bắc Kỳ được thành lập và Vùng Mỏ Quảng Ninh khi đó đã trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Đội ngũ công nhân mỏ than cũng từ đây được hình thành và dần dần trở thành lực lượng công nhân công nghiệp trong giai cấp công nhân Việt Nam. Hay nói cách khác, Vùng Mỏ chính là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.

Công việc khai thác mỏ lúc này hoàn toàn là thủ công hết sức nặng nhọc vất vả. Mỗi ngày thợ phải làm từ 10 đến 12 giờ, tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập bớt xén. Điều kiện ăn ở sinh sống rất lầm than. Người công nhân - khi đó gọi là phu mỏ, không có con đường nào khác là phải đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh mới dừng lại ở phong trào tự phát, manh mún. Cuộc tổng bãi công vang dội của hơn 3 vạn thợ mỏ từ ngày 12/11/1936 chính là đỉnh cao, đánh dấu bước ngoặt của phong trào đấu tranh của công nhân mỏ từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, có tập hợp, có kỷ luật, mang tính hệ thống.

Cuộc tổng bãi công được mở đầu tại vùng Cẩm Phả - trung tâm khai thác lớn của Công ty Than Bắc Kỳ, nơi tập trung đông công nhân nhất và cũng là nơi diễn ra nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa người thợ và bọn chủ mỏ lúc bấy giờ. Cuộc tổng bãi công nổ ra tại đây có tác động mạnh mẽ toàn khu mỏ và lan rộng như một đám cháy lớn. Sau gần 10 ngày đấu tranh quyết liệt, bất chấp mọi thủ đoạn lừa bịp và đàn áp dã man của địch, cuộc bãi công đã thắng lợi vào 3 giờ chiều ngày 20/11/1936. Bọn chủ mỏ và cả bọn thống trị Pháp ra thông báo chấp nhận tất cả mọi yêu sách của cuộc bãi công.

Cuộc đình công này thành công đã không chỉ tác động trong phạm vi địa bàn Quảng Ninh, mà còn mở rộng ảnh hưởng, thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước và toàn xứ Đông Dương. Ngày 12/11/1936 không chỉ được ghi vào trang sử vàng của Vùng Mỏ mà còn để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam. Sau này, khi giải phóng vùng mỏ, Đặc khu ủy Hồng Quảng quyết định chọn ngày 12/11/1936 là Ngày miền mỏ bất khuất, nay gọi là Ngày truyền thống công nhân mỏ. Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định lấy đây là Ngày truyền thống ngành Than. Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm” từ năm 1936 đã trở thành tài sản vô giá, theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

Lan tỏa cả về không gian và thời gian

81 năm đã trôi qua, trải qua không ít những biến cố thăng trầm nhưng không năm nào thợ mỏ và nhân dân Vùng Mỏ lãng quên ngày truyền thống của mình. Không chỉ tự hào về truyền thống vẻ vang đó; không chỉ tổ chức những lễ mít tinh kỷ niệm long trọng nhằm tri ân các thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà sâu sắc và thiết thực hơn là bằng những hành động cụ thể trong các phong trào thi đua, những người thợ mỏ đã và đang tô thắm thêm truyền thống vẻ vang đó.

Với hành trang “Kỷ luật và Đồng tâm”, kể từ khi tiếp quản vùng mỏ Quảng Ninh từ tay Thực dân Pháp (25/4/1955) đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và phát triển đất nước của thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập (10/10/1994). Tiếp đến, năm 2005, Chính phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn Than Việt Nam rồi thành Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hiện nay; các thế hệ thợ mỏ Việt Nam đã hăng say lao động sản xuất. Các phong trào thi đua diễn ra liên tục, nối tiếp, lan tỏa rộng khắp các vùng miền, nơi những người thợ mỏ - chiến sĩ - đang ngày đêm tìm kiếm nơi lòng đất, khai thác thật nhiều than, khoáng sản để làm giầu cho Tổ quốc. Nhờ đó, chỉ trong hai thập kỷ, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã đạt mức tăng trưởng rất cao. Sản lượng than khai thác năm 1994 mới chỉ đạt hơn 7 triệu tấn, sau 20 năm đã tăng lên trên 40 triệu tấn/năm; cứ 5 năm tổng doanh thu toàn Tập đoàn lại tăng gấp đôi.

Hiệu quả sản xuất - kinh doanh tăng, thu nhập và đời sống của thợ mỏ được đảm bảo và cải thiện đáng kể, nhất là thợ lò - lực lượng lao động chủ lực tới đây khi Tập đoàn chuyển đổi sang khai thác hầm lò, luôn được ưu tiên cao nhất. Công tác an sinh xã hội trên địa bàn, nơi các đơn vị của Tập đoàn đứng chân, được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý tài nguyên, chăm lo gìn giữ và cải thiện môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản được đặc biệt chú trọng và đạt những kết quả quan trọng. Vị thế và thương hiệu VINACOMIN được đánh giá cao trong nền kinh tế nước nhà cũng như trong con mắt bạn hàng quốc tế. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, phong tặng cho Tập đoàn những danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chiến sỹ thi đua toàn quốc; tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Tập đoàn đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

... Là niềm tin, là ý chí, là sức mạnh của lớp lớp thợ mỏ Việt Nam

Có thể khẳng định, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã tạo cho thợ mỏ nguồn sức mạnh vô cùng to lớn. Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị; nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - người đã từng gắn bó với ngành Than, chia sẻ: "Chỉ những ai gắn bó máu thịt với hòn than mới hiểu hết giá trị thiêng liêng của 5 chữ "Kỷ luật và Đồng tâm" bởi nó được xây dựng, được hun đúc từ máu xương, từ mồ hôi, nước mắt, từ sự hy sinh của bao thế hệ thợ mỏ Việt Nam". Quả thực, "Kỷ luật và Đồng tâm" là di sản vô giá của thợ mỏ Việt Nam.


Trong giai đoạn hiện tại, nền kinh tế nước nhà nói chung, sản xuất - kinh của Tập đoàn nói riêng đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ của sự suy thoái kinh tế thế giới, nhịp độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Ngoài những yếu tố khách quan đó, còn có nguyên nhân từ thực tế hoạt động sản xuất - kinh của Tập đoàn như điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, các chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều tăng lên; suất đầu tư cao, nhu cầu về vốn rất lớn, nhất là đầu tư chuyển đổi công nghệ khai thác hầm lò hiện đại theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa... Tất cả những yếu tố đó đã và đang đòi hỏi Tập đoàn của những người thợ mỏ giàu truyền thống cần có sự bứt phá mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, đặc biệt là vấn đề nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là đòi hỏi cấp bách việc đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn đất nước bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những thách thức của ngành Than - Khoáng sản hôm nay là dịp để chúng ta nhìn lại và chấn chỉnh tổ chức, đội ngũ cũng như mọi mặt hoạt động, từ đó có sự chủ động trong chuẩn bị sức lực để bước tiếp những bước đi vững vàng hơn. Hơn lúc nào hết, đội ngũ thợ mỏ hãy chung sức, đồng lòng, chung một ý chí, phát huy sức mạnh "Kỷ luật & đồng tâm". Nếu như 81 năm trước, người thợ mỏ giương cao khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!” thì ngày hôm nay, Tập đoàn đã nâng cấp nó lên. Trong chiến lược phát triển của TKV hôm nay, “Trí tuệ, Trung thành, Kỷ luật, Đồng tâm” là khẩu hiệu, là phương châm hành động, Tập đoàn của những người thợ giàu truyền thống đã và đang thực hiện trí thức hoá đội ngũ công nhân, tăng cường sự phấn đấu, trung thành với nghề, với Ngành. Có tính kỷ luật và sự đoàn kết ắt sẽ đảm bảo thành công, thắng lợi.

“Kỷ luật và đồng tâm”, truyền thống đó, khẩu hiệu đó đã, đang và sẽ khẳng định ý chí quyết tâm của thợ mỏ, hăng hái thi đua xây dựng VINACOMIN phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.