![](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/tcct-media/23/10/13/ky-vong-vao-mot-cong-ty-thuc-hien-chien-luoc-thay-the-hang-nhap-khau_6528bb37ba04e.gif)
Đến nay, Ban lãnh đạo Công ty Xăng dầu B12 vẫn nhớ như in cái cảm giác hết sức trăn trở vào một ngày hè năm 2008, Chủ tịch Petrolimex lúc đó Vũ Ngọc Hải tâm sự: “Công ty xăng dầu B12 lớn như thế, điều kiện thuận lợi như thế tại sao kinh doanh không có lợi nhuận!”.
Trong Ban lãnh đạo Công ty ai cũng nghĩ đó không chỉ là câu hỏi, mà là cả một lời hiệu triệu, một kỳ vọng đặt lên vai một công ty đầu mối phía Bắc của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Quả thực, chỉ riêng về địa lý thôi, B12 đã nhận được khá nhiều ưu đãi rồi. Địa bàn kinh doanh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực duyên hải, bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, cũng là những tỉnh có công nghiệp, có cảng biển, du lịch, dịch vụ đều phát triển.
Những câu hỏi trên cứ trở đi, trở lại trong tâm những người lãnh đạo, đi vào giấc ngủ, nằm trên bàn các hội nghị, giao ban, theo chân xuống từng đơn vị, bộ phận của Công ty trải dài qua 4 tỉnh… Và, với sự giúp sức của các bộ phận chuyên môn, Ban lãnh đạo Công ty đã tìm ra những “nút thắt”.
Thứ nhất, điểm hòa vốn của tuyến đường ống là phải vận chuyển trong khoảng 2,6 - 2,7 triệu m3, trên mức đó bắt đầu có lãi; nhưng thực tế mỗi năm thường chỉ trên dưới 2 triệu m3 xăng dầu chảy qua tuyến ống.
Thứ hai, theo tính toán của Tập đoàn, vận tải tuyến ống mang tính chất đáp ứng nhu cầu xăng dầu, giảm chi phí tạo nguồn cho các đơn vị tuyến sau tạo ra giá cạnh tranh hơn, cho nên cũng chưa đặt lợi nhuận đối với tuyến ống B12 trong khi bao con người đang cần mẫn vận hành.
Thứ ba công tác quản lý còn lỏng lẻo, hàng hóa trên tuyến ống không quản lý được dẫn đến chi phí vận hành cao.
Thứ tư điều kiện thuận lợi nhưng công tác kinh doanh chưa quan tâm mở rộng để nâng cao sản lượng doanh thu, tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu hiệu quả phải quan tâm lĩnh vực đầu tư. Thời kỳ đó, đầu tư cơ sở hạ tầng xăng dầu phụ thuộc khá lớn vào nguồn hàng nước ngoài. Đây là điều khó vì B12 không có nhiều ngoại tệ, và nếu có thì hàng nhập ngoại cũng đắt, đầu tư khó hiệu quả. Đúng lúc đó, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát được ban hành. Trong đó, giao Bộ Công Thương:
- Phối hợp với các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh về công nghệ và các nguồn lực trong từng lĩnh vực, địa bàn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh đà phục hồi và đạt mục tiêu tăng trưởng.
- Tăng cường các hoạt động thương mại để khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước.
Trên cơ sở đó, từ 2010, hàng năm Bộ Công Thương đều ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Quyết định ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được đầu tiên mà Bộ Công Thương ban hành là Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28 tháng 05 năm 2010, trong đó nêu danh mục là căn cứ để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn sử dụng trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước theo tinh thần Chỉ thị 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 4 năm 2010.
Đây là sự kiện thuận lợi để B12 triển khai hàng loạt các dự án với chi phí tiết kiệm, hợp lý: Xây mới 4 bể xăng dầu tại Kho K130 sức chứa 72.000m3; mở rộng sức chứa Kho K131 lên 40.000m3 và xây dựng Kho xăng dầu Hải Dương mới 40.000m3; thay mới tuyến ống nhập tầu với đường kính 406mm, đầu tư tuyến ống mới từ Quảng Ninh đi Hải Phòng và từ Hải Phòng đi Hải Dương có đường kính 323 mm, đầu tư trạm bơm chính mới cùng hệ thống phụ trợ tại K130, K131 và K132 đưa vào khai thác sử dụng đã nâng công suất lên gấp 3 lần, Cho phép nhập tầu 40.000 tấn chỉ trong 24 giờ, năng lực bơm tuyến ống B12 đã vượt ngưỡng 3,2 triệu m3 xăng dầu /năm. Đến nay, năng lực tiếp nhận xăng dầu qua Cảng lên đến 6,5 triệu m3/năm; thời gian hàng tại Cảng giảm, tàu 40.000m3 được giải phóng chỉ trong 24h; vận chuyển xăng dầu qua tuyến ống đạt trên 3 triệu m3/năm. Những khó khăn để hoàn thành các dự án này là rất nhiều không thể kể hết được. Chỉ vui nhất đó là buổi tổng kết hoàn thiện nâng cấp dự án kho tuyến bể ở B12 ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Để nâng cao hiệu quả tuyến ống B12 còn phải kể đến lĩnh vực quản lý hàng hóa. Làm được điều này không phải dễ, Công ty đã phải đề xuất Tập đoàn giao cho quản lý đồng hồ lưu lượng kế tuyến ống mà bao năm không thể giao nhận bằng phương tiện tiên tiến này. Có thể nói, có được “cái cân” tốt là rất quý nhưng làm thế nào người mua tin tưởng lại phụ thuộc vào phương pháp triển khai. Và rồi vượt qua mọi khó khăn và thời gian giao nhận bằng lưu lượng kế tuyến ống là phương thức giao nhận tiên tiến và hiệu quả kinh tế nhất. Đồng thời với giao nhận bằng đồng hồ lưu lượng kế việc thuyết phục đầu tư hệ thống đo mức tự động, thay đổi cách suy nghĩ và tác phong của người công nhân là một quá trình lâu dài và áp dụng khoa học vào quản lý và sản xuất là xu thế thời đại nhất định sẽ thành công. Và bây giờ trên tuyến ống B12 đã được kiểm soát từng giây từng dòng dầu vào ra tại mỗi địa điểm đều được theo dõi và lưu trữ tại trung tâm điều độ Công ty.
Để thấy được công sức của gần 1.000 lao động ngày đêm trên tuyến ống xăng dầu, Lãnh đạo Công ty đã báo cáo với Tập đoàn về chi phí thực tế của vận tải đường ống đề xuất các giải pháp theo hướng hài hòa lợi ích giữa đơn vị quản lý, vận hành tuyến ống với các đơn vị tuyến sau, và căn cứ vào mục tiêu từng giai đoạn Tập đoàn đã ban hành các quyết định phù hợp nhất.
Cùng với việc đầu tư mở rộng mạng lưới kinh doanh, thực hiện mô hình quản lý khoa học, mở rộng mối quan hệ với khách hàng, thực hiện văn minh thương mại đã tạo uy tín và thương hiệu của Công ty xăng dầu B12 đối với khách hàng gần xa. Hiệu quả kinh doanh của Công ty ngày càng tăng trưởng rõ rệt.
Giải quyết được những điểm mấu chốt của bài toán đã đưa đến thành công, từ năm 2008 đến nay B12 liên tục có có lãi.
Cùng với hệ thống tuyến ống kho bể đang từng bước xây dựng theo hướng hiện đại, Công ty tiếp tục tăng cường áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, theo tinh thần phát huy tinh thần nội sinh của Công ty thay thế hàng nhập khẩu.
Về công nghệ thông tin, Công ty đã hoàn thành xây dựng mạng lưới truyền thông từ văn phòng Công ty tới 7 đơn vị trực thuộc và hơn 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (CHBLXD) trên toàn tuyến. Kết nối văn phòng Công ty và văn phòng các đơn vị mạng diện rộng WAN với tốc độ cao, đảm bảo truyền, nhận dữ liệu nhanh chóng, kịp thời. Nâng cấp đường truyền LeaseLine tại văn phòng Công ty nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin từ CHBLXD về trung tâm dữ liệu Công ty, đồng thời, cho phép truy cập từ xa hệ thống Edocman-quản lý công văn hiệu quả. Đầu tư phát triển ứng dụng quản lý cửa hàng bán lẻ - POSM tại 108 CHBLXD toàn Công ty...
Để nâng cao năng lực quản lý cũng như tính kịp thời trong xử lý văn bản, giảm thời gian lưu chuyển giữa các khâu trung gian, kiểm soát việc thực hiện, Công ty đầu tư hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại văn phòng và Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130, Xí nghiệp Xăng dầu Quảng Ninh; Hệ thống quản trị kinh doanh – kế toán PBM; Hệ thống nhân sự tiền lương – PMP; Hệ thống quản lý kho bể,…
Nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho công tác quản lý hàng hóa, tình trạng thông số kỹ thuật trang thiết bị, hỗ trợ cho việc vận hành an toàn trang thiết bị, tuyến ống, kho bể và việc đo tính, giám sát hàng hóa nhanh chóng và giảm được sự tiếp xúc trực tiếp của người lao động với xăng dầu, Công ty đã chú trọng đầu tư hệ thống tự động hóa bến xuất đường bộ, bến xuất thủy; tự động hóa đo mức; tự động hóa điều khiển trạm bơm chính; tự động hóa đo tính xuất hàng trên tuyến ống (hệ thống Micromotion) và tự động hóa cửa hàng bán lẻ (đo bể cửa hàng và tích hợp cột bơm). Các hệ thống tự động hóa này đã phục vụ tốt trong công tác giao nhận hàng hóa, đảm bảo tính văn minh thương mại, đồng thời, giảm được số lượng công nhân vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu độc hại cho người lao động cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các khoản đầu tư này, đều sử dụng hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, Công ty còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên ngành, các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, áp dụng những công nghệ mới, từng bước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, đầu tư cầu cảng cứng thay thế cảng phao tại Cảng dầu B12; Hệ thống van điện thay thế cho các van cơ; Lắp đặt hệ thống Camera quan sát; Thay thế chất tạo bọt PO1 bằng bọt Form Protein; Lắp đặt hệ thống monitor điều khiển từ xa…
Vì vậy, trong những năm qua, tại các vị trí sản xuất kinh doanh trong đơn vị đã không xảy ra cháy, nổ, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc của người lao động ngày càng được cải thiện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị đầu mối tiếp nhận, bơm chuyển tạo nguồn cho các đơn vị trong ngành và trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên một số địa bàn các tỉnh, thành phố, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, chú trọng đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hệ thống tuyến ống phục vụ mạng lưới xăng dầu khu vực phía Bắc, đưa công suất bơm chuyển từ cầu cảng tăng lên gấp 3 lần (từ 700m3 lên 2.000m3) và tuyến ống tăng gấp 1,5 lần có đoạn tuyến tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty không chỉ nâng cao năng suất lao động, tác phong giao tiếp văn minh công bằng chính xác trong giao nhận, cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao độ an toàn trong PCCC… mà còn nâng cao ý thức tự lực tự cường của mỗi cán bộ, người lao động Công ty trong sản xuất và sử dụng hàng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.