Tuy nhiên, lại có một nghịch lý khác. Các NHTM lớn, nhất là các NHTM Nhà nước lại đang có một nguồn vốn dư thừa (tốc độ tăng trưởng vốn huy động 34% so với cùng kỳ, nhưng tốc độ cho vay chỉ tăng 16%), nhưng các NH này không những không giảm lãi suất mà trước đó còn tăng lãi suất vì sợ khách hàng “chạy” sang các NHTM cổ phần.
Quả bóng lãi suất bùng nổ
6 tháng đầu năm nay, FED đã 4 lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD, từ mức 4,25% lên 5,25%. Lãi suất quốc tế tăng, khiến lãi suất huy động USD tăng, nên VND không thể đứng yên. Chỉ hơn một tuần ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 5% lên 5,25%, nhiều NH trong nước không thể “kìm” được áp lực, đã tăng lãi suất huy động. Eximbank điều chỉnh lãi suất huy động USD, với mức tăng 0,2-0,6%/năm, tuỳ theo các kỳ hạn. Đây là lần thứ hai, kể từ đầu năm nay, Eximbank tăng lãi suất huy động ngoại tệ. Riêng đối với VND, từ đầu tháng 6/2006, Eximbank đã có sự điều chỉnh.
ACB cũng tăng lãi suất tiền gửi VND cho tất cả các kỳ hạn. So với biểu lãi suất cũ, mức tăng tùy theo các kỳ hạn có biên độ từ 0,24% đến 0,60%/năm. Ngoài ra, ACB còn cộng thêm lãi suất thưởng 0,0185%/tháng hoặc 0,162%/năm cho các thẻ tiết kiệm có số dư từ 1 tỉ đồng hoặc 60.000 USD trở lên.
Trung tuần tháng 7/2006, Sở Giao dịch II, NH Công thương Việt Nam (ICB) cũng chính thức điều chỉnh biểu lãi suất huy động USD. Theo đó, lãi suất USD tăng 0,15-1%/năm tùy theo các kỳ hạn. Tương tự, VP Bank cũng tăng lãi suất USD và VND ở tất cả các kỳ hạn, mức tăng được điều chỉnh giao động từ 0,12% đến 0,36%/năm đối với VND và 0,20-0,30%/năm đối với USD.
Hiện nay, lãi suất cho vay trung bình khá cao: 13%/năm (1,15%/tháng); lãi suất cho vay ngắn hạn 10-13,8%/năm; lãi suất trung hạn cho vay từ 11-16%/năm. Việc điều chỉnh tăng lãi suất cho vay chưa biết sẽ kiềm chế được lạm phát hay không, nhưng trước mắt, động thái này sẽ làm tăng rủi ro cho cả NHTM và DN. Với các DN, một số dự án đang thực hiện dở dang vẫn phải vay vốn NH với mức lãi cao hơn trước. Như vậy, coi như khả năng trả nợ của DN ấy sẽ bị ảnh hưởng, do lợi nhuận giảm.
Lãi suất ngân hàng cao, cổ phiếu kém hấp dẫn?
Những nhà kinh doanh tiền tệ nhìn nhận việc lãi suất huy động tăng là gánh nặng cho NH, bởi phải trả lãi cao. Trong khi đó, vốn huy động NH không thể đem cho vay toàn bộ (dư nợ cho vay chỉ chiếm 60% tổng vốn huy động), đó là chưa kể lãi suất tăng sẽ mang lại nhiều rủi ro cho chính NH. Mặt khác, khi lãi suất đầu vào tăng, NH buộc phải điều chỉnh đầu ra, kéo theo dư nợ tín dụng giảm. Từ đó, lợi nhuận thu về của các NH sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu NH không thực hiện quy luật trên sẽ khó thu hút được khách hàng gửi tiết kiệm.
Lãi suất tín dụng cao sẽ khiến các DN phải cân đối lại bài toán đầu tư và điều ấy dễ làm chùn tay những ai muốn dùng kênh vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, khuếch trương kinh doanh thương mại.
Nếu điều đó rơi vào những công ty cổ phần có niêm yết trên thị trường chứng khoán thì dễ nhận ra rằng, trong tương lai gần, cổ phiếu của DN đó sẽ trở nên kém hấp dẫn. “Việc tăng lãi suất NH có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán do một bộ phận không hề nhỏ các nhà đầu tư chứng khoán phải vay vốn của NH. Việc họ phải bán bớt cổ phiếu để giảm thiểu tiền lãi phải trả NH là không thể tránh khỏi!”. Một chuyên gia tài chính cảnh báo như vậy