Theo quy định của Hiệp định về thương mại hàng hóa, các mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được cắt giảm và loại bỏ thuế theo 2 lộ trình chính là Lộ trình thông thường (NT) và Lộ trình nhạy cảm (ST). Theo NT, thuế suất hàng hóa sẽ được đưa xuống 0% vào năm 2010; theo ST, thuế suất không phải giảm theo lộ trình, mà chỉ phải đáp ứng về mức thuế suất cuối cùng vào thời điểm nhất định. Các nước CLMV (Cămpuchia, Lào, Myanma, Việt Nam) được linh hoạt hơn về lộ trình và thời hạn giảm thuế. Cụ thể, theo lộ trình thì ASEAN 6 và Hàn Quốc phải loại bỏ thuế hầu hết các mặt hàng thuộc NT vào năm 2010, các nước CLMV cắt giảm chậm hơn 8 năm cho cả 2 lộ trình NT và ST. Đối với Việt Nam, thời hạn thực hiện NT chậm hơn 6 năm và thực hiện ST chậm hơn 5 năm so với ASEAN 6. Ngoài ra, Hàn Quốc còn cam kết dành cho ASEAN quota thuế quan, trong đó có tôm đông lạnh 5.000 tấn miễn thuế, tôm tươi 3.000 tấn miễn thuế, mực nang 2.000 tấn miễn thuế, sắn 25.000 tấn thuế suất 20%, tinh bột sắn 9.600 tấn thuế suất 9%. Việc tận dụng những mức thuế quan ưu đãi này sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và các nước ASEAN vào thị trường Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia thương mại những cam kết trong AKFTA không tạo ra những thách thức mới cho xuất khẩu của Việt Nam,vì một số lý do: hiện nay 96% dòng thuế suất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đã xuống 0 - 5% và các nước ASEAN đang thỏa thuận đẩy nhanh tiến trình AKFTA; Việt Nam được linh hoạt về lộ trình 6 năm so với ASEAN 6 và Hàn Quốc, với thời gian dài nên việc thực hiện cắt giảm từng bước không gây biến động lớn. Trước mắt, chúng ta có thể khai thác quota thuế quan đối với thủy sản, là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hàng đầu vào Hàn Quốc. Việc được hưởng thuế suất 0% trong quota (so với mức thuế trung bình 15% ngoài quota) là lợi thế cho các doanh nghiệp ASEAN khi xuất khẩu sang Hàn Quốc trong môi trường cạnh tranh với các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Chi Lê...
Hiện tại và sắp tới, các mặt hàng mà thị trường Hàn Quốc có nhu cầu lớn lại chính là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nên đây cũng là một thuận lợi. Thủy sản: Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới vào Hàn Quốc (sau Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc), năm 2007 đạt 275 triệu USD, chiếm 22% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Hàn Quốc. Những sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm này là chả cá đông lạnh, tôm và bạch tuộc đông lạnh, mực khô, cá trích khô... Giày dép: xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc liên tục tăng cả về số lượng và chủng loại, năm 2007 đạt 50 triệu USD, 4 tháng đầu năm 2008 đạt hơn 22 triệu USD. Các chủng loại sản phẩm đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc như giày thể thao mũ da, dép, giày đế cao su... Bít tất: đang có nhu cầu tiêu thụ rất cao tại Hàn Quốc, gần đây giá bán lại có xu hướng tăng, nên có triển vọng xuất khẩu lớn. Gỗ và các sản phẩm gỗ: nhu cầu ngày càng tăng. Các chủng loại sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh là đồ nội thất phòng khách, nội thất nhà bếp và phòng ngủ, gỗ nguyên liệu, các sản phẩm làm từ gỗ gáo dừa. Ngoài ra, các mặt hàng khác như: cao su, dầu thô, cà phê, thủ công mỹ nghệ, thiết bị âm thanh... cũng đang có nhu cầu lớn. Một số mặt hàng của Việt Nam chưa hoặc ít vào được Hàn Quốc như chè các loại, quế, tỏi, gừng, hoa hồi, hoa quả tươi... Những sản phẩm này Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc vì có giá cả cạnh tranh và chất lượng cao hơn của ta, lượng hàng cung cấp lại ổn định. Mặt khác, chỉ những nước đã ký với Hàn Quốc Hiệp định kiểm dịch thực vật mới được xuất khẩu vào Hàn Quốc.
Cho đến nay xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc mới chỉ chiếm 0,3% tổng nhập khẩu của nước này. Năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nhìn chung còn yếu, nên để xuất khẩu được vào Hàn Quốc, các doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệu từ nhiều đối tác trên thị trường. Trong thời gian tới, việc hướng tới những phương thức buôn bán linh hoạt và rất cần thiết. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét phương thức sử dụng đại lý bán hàng là các công ty Hàn Quốc thuộc Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, bởi có tới 90% các hoạt động nhập khẩu là do Hiệp hội này đảm nhiệm. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã kinh doanh thành công ở Hàn Quốc, sử dụng đại lý sở tại có lợi nhiều hơn so với phương thức mua đứt bán đoạn mà lâu nay chúng ta vẫn quen làm. Có một đặc điểm nổi bật là, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc là DNNVV, họ thường mua những lô hàng nhỏ, chính đặc điểm này lại phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới đặc điểm tiêu dùng của thị trường, nhất là nhóm hàng thực phẩm, cần quan tâm đến khẩu vị của người tiêu dùng. Ví dụ: cá và mực khô, mì ăn liền phải tẩm gia vị cay hơn thông thường sẽ hấp dẫn người mua hơn. Khâu quảng cáo, tiếp thị cũng rất quan trọng, nếu doanh nghiệp nghiên cứu kỹ và làm tốt, sẽ hỗ trợ đáng kể trong khâu bán hàng.
Hiện nay, ở Hàn Quốc vẫn duy trì những quy định khá chặt chẽ về kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm (thậm chí có thể yêu cầu nhà xuất khẩu nước ngoài báo cáo quá trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, có khi còn tiến hành kiểm tra tại chỗ ở nơi sản xuất). Về tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ, Hàn Quốc sử dụng hệ thống ISO 9000 (hay còn gọi là KSA 9000) làm hệ thống đánh giá tiêu chuẩn chính thức. Bất cứ hàng hóa nào nhập khẩu vào Hàn Quốc cũng phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Về nhãn mác, hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có nhãn mác ghi rõ nước xuất xứ. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cung cấp danh sách các nước cần áp dụng quy định về nhãn mác xuất xứ theo mã HS. Hàn Quốc cũng áp dụng các quy định riêng về ký mã hiệu và nhãn mác đối với một số sản phẩm đặc biệt như thực phẩm, dược phẩm. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về nhãn mác tiếng Hàn Quốc đối với các thực phẩm. Bộ Nông - Lâm (MAF) đưa ra những tiêu chuẩn riêng về việc ghi ký mã hiệu của nhãn mác xuất xứ đối với các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Hàn Quốc còn phải quan tâm đến những quy định chi tiết theo từng nhóm hàng. Đối với nhóm hàng dệt may, theo Điều luật quản lý chất lượng hàng công nghiệp do Bộ Thương mại - Công nghiệp - Năng lượng Hàn Quốc ban hành, thì nhãn mác hàng dệt may phải bao gồm những thông tin: tên nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, tên nước xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu thương mại, thành phần nguyên liệu, kích cỡ, địa chỉ nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Đối với nhóm hàng thực phẩm phải bao gồm những thông tin: tên sản phẩm (ghi tên nhãn mác phải giống với tên đã đăng ký với cơ quan cấp phép); tên và địa chỉ nhà nhập khẩu và địa chỉ nơi hàng hóa có thể được gửi trả hoặc đổi lại khi phát hiện có lỗi hoặc hư hỏng; ngày sản xuất và thời hạn sử dụng; thành phần nguyên liệu và tỷ lệ phần trăm của các nguyên liệu; chất dinh dưỡng và tỷ lệ phần trăm của các chất dinh dưỡng... Những thông tin này phải ghi bằng tiếng Hàn và dưới dạng chữ in hoa rõ ràng.