Làm gì khi thuế nhập khẩu ô tô từ Asean về 0%

Tạo ra những mô hình tốt, có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước, trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Asean sẽ giảm về 0% từ đầu năm 2018

Chuyện ô tô, chính xác ô tô nhập khẩu đang nóng lên theo thời gian. Hiện ô tô nhập khẩu từ các nước Asean đang chịu mức thuế nhập khẩu 30%; nhưng còn đúng 9 tháng nữa, đến 1/1/2018 mức thuế này giảm về 0%.

Tính nghiêm trọng của vấn đề không chỉ nằm ở mức giảm sốc thuế nhập khẩu, mà ở chỗ khi doanh nghiệp Asean xuất khẩu xe nguyên chiếc với thuế suất 0%, thì không dại gì họ xuất khẩu linh phụ kiện thuế suất 0% vào Việt Nam nữa, bởi họ không muốn trao “công cụ” linh phụ kiện 0% cho các nhà lắp ráp xe trong nước cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc của họ.

Nguy cơ các nhà lắp ráp xe trong nước vừa phải cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc 0%; vừa bị mất nguồn nhập khẩu linh kiện thuế suất 0% từ Asean là khá cao. Vấn đề đặt ra là ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ta sẽ như thế nào trước viễn cảnh tự do hóa thương mại với các nước Asean đang cận kề?

Trong bối cảnh đó, vừa qua Tổ công tác liên bộ do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm Tổ trưởng, cùng các thành viên gồm đại diện các bộ Công Thương, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch - Đầu tư đã có buổi làm việc tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng - Tổ trưởng Tổ công tác Đỗ Thắng Hải cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động củaTổ công tác liên bộ theo sự chỉ đạo của Chính phủ, những  làm việc trực tiếp của Đoàn tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô nhằm đánh giá tiềm năng thực tế, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước.


Trên cơ sở ghi nhận những những khó khăn, tồn tại và đề xuất, kiến nghị của cơ sở, Tổ công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 01/5/2017.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) – Tổ phó Tổ công tác bổ sung, để thay đổi tư duy và phát triển ngành ô tô, cần duy trì sản xuất trong nước, có chính sách mới để tạo điều kiện phát triển bền vững ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Nhìn trên tổng thể, các chính sách phát triển công nghiệp ô tô thời gian tới tập trung vào 3 mục tiêu: (i).Tiếp tục duy trì sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp ô tô trong cả nước; (ii). Phát triển công nghiệp hỗ trợ; (iii). Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.


Khác với những hàng hóa thông thường, các sản phẩm ô tô, xe máy, hay điện tử… được sản xuất theo chuỗi. Tất cả các cơ chế, chính sách dù cởi mở đến đâu, mà doanh nghiệp không đủ năng lực đi vào chuỗi sản xuất thì gần như sẽ bị vô hiệu hóa.

Một thí dụ thuộc hàng kinh điển là, cuối tháng 11 năm trước, ông Donald Trump khi ấy mới là Tổng thống đắc cử đã “lỡ lời” lệnh cho Apple, hãng sản xuất smartphone số 1 thế giới đưa dây chuyền sản xuất Iphone về nước, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.

Tính cách “nói là làm” của vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng không “dọa” được Apple, bởi đơn giản smartphone sản xuất theo chuỗi. Apple chỉ là nhà thiết kế, còn tổ chức sản xuất lại là Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc).


 Hiện ,Thaco, Thành Công và một số doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước hiện đã tham gia vào một số khâu trong chuỗi sản xuất của Mazda, Kia, Peugeot, Hyundai, Toyota…

Bí quyết vào chuỗi của các doanh nghiệp này là tổ chức sản xuất. Nhà cung cấp phụ tùng sản xuất cái ghế ô tô hết 10 đồng, nhưng doanh nghiệp trong nước nào tổ chức sản xuất chỉ hết 7 đồng thì nhà cung cấp sẽ đàm phán chuyển nhượng lại. Vậy họ được cái gì? Doanh nghiệp trong nước phải mua công nghệ, thiết kế của họ, và phần lãi 3 đồng đó chia cho nhau tùy theo tỷ lệ đàm phán.

Liên doanh với các thương hiệu ô tô nước ngoài, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước thể hiện được tốt hơn năng lực của mình, từ tổ chức sản xuất đến xây dựng hệ thống phân phối. 

Cái gì cũng có được và mất, doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tiền hơn để làm chủ thiết kế và nhận chuyển giao công nghệ, bù lại, họ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung cấp linh kiện toàn cầu. Đây chính là con đường ngắn để doanh nghiệp trong nước gia tăng giá trị trên sản phẩm của mình.


Với cách đi đó, những năm qua một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đã từng bước trưởng thành. Thaco đã nắm giữ vị trí thứ nhất trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo Bảng xếp hạng VNR 500. Trong 3 năm gần đây, Thaco liên tiếp dẫn đầu thị trường ô tô trong nước và từ năm 2014, Mazda vươn lên trở thành ô tô thương hiệu Nhật Bản đứng thứ hai tại Việt Nam về doanh số, chỉ sau Toyota.

Với liên doanhHyundai-Thành Công, cơ cấu sản phẩm xe Hyundai tại Việt Nam sẽ chuyển dịch từ tỉ trọng từ 20% xe lắp ráp CKD hiện tại (2 mẫu xe du lịch lắp ráp là Hyundai SantaFe, Hyundai Elantra) lên khoảng 70-80% CKD trong năm 2017 này và tiếp tục tăng lên trên 90% CKD trong năm 2018.

Nhưng điều quan trọng hơn, và đã trở thành nền tảng của giá trị thương hiệu là Thaco-Trường Hải, Hyundai-Thành Công, và một số doanh nghiệp khác đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Linh kiện phụ tùng của một số doanh nghiệp trong nước đã có mặt tại nhiều nước như Hàn Quốc, Malaysia, LB Nga, Kazakhtan, Columbia…

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã kiến nghị với Tổ công tác liên bộ về một gói chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô, và gói chính sách này cần tính đến những đề xuất từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cần có những chính sách giúp cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển là  tạo ra những mô hình tốt về tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước.


Thúy Hà