Làm quản lý thời hội nhập không dễ

Làm quản lý thời hội nhập, ngoài tầm nhìn chiến lược, đòi hỏi người quản lý phải thông thạo nhiều lĩnh vực, do đó, làm “sếp” thời hội nhập là cả một nghệ thuật.

Quản lý rủi ro kinh doanh

Khi bắt đầu nghiên cứu và phát triển một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới, doanh nghiệp nào cũng phải đương đầu với các rủi ro về tài chính, thị trường hoặc về chất lượng, mẫu mã sản phẩm... Tuy nhiên, David Apgar, giám đốc quản lý tại Corporate Executive Board, tin rằng những rủi ro đó - chẳng hạn như nguy cơ khiến khách hàng xa lánh các nhãn hiệu của công ty - vẫn có thể được quản lý một cách hiệu quả doanh nghiệp có thể tránh được thất bại đắt giá.

Khi nghĩ về các rủi ro, chúng ta thường liên tưởng ngay tới vấn đề tài chính. Trên thực tế, bạn cần chú ý tới cả những rủi ro phi tài chính - loại rủi ro vốn không thể định giá bằng các chương trình quản lý rủi ro dựa trên các con số hiện hữu. Ví dụ như thời tiết chẳng hạn. Trước kia, chúng ta không có đủ kiến thức và sự hiểu biết để nói một cách chính xác thời tiết sẽ như thế nào. Song những dự đoán của chúng ta ngày càng đạt được mức độ chính xác cao hơn. Các nhà khoa học khí tượng thủy văn đang tiến hành các chương trình tính toán phức tạp, cũng như xây dựng các dự án đào tạo, nghiên cứu chuyên gia trong lĩnh vực này. Giờ đây, chúng ta không còn nghĩ về thời tiết như một yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên nữa.

Hãy tự nhủ rằng khi kinh doanh bạn luôn phải đương đầu với các rủi ro dẫn đến thất bại. Vì thế, bạn cần tìm hiểu và vạch ra được một kế hoạch hành động hợp lý nhằm quản lý rủi ro kinh doanh hiệu quả hơn trước khi rủi ro chuyển thành thất bại.

Giả sử bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực IT, có thể bạn nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem các nhân viên R&D trong công ty có gặp phải vấn đề khó khăn gì với các công nghệ mới hay không. Hay điểm yếu của bạn có thể nằm ở việc đánh giá tính phức tạp của các sáng kiến, hoặc mức độ khách hàng cần đến công nghệ mới…

Sau đó, cần xác định những rủi ro nào bạn có thể xử lý một cách nhanh nhất. Bạn sẽ phải thu thập bao nhiêu thông tin cho vấn đề này?. Hãy giải quyết rủi ro đó trước tiên. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh giải quyết rủi ro đó như thế nào, và đánh giá xem liệu bạn nên tiếp tục duy trì hoặc thay đổi phương án hành động, trong trường hợp đối thủ cạnh tranh của bạn đang tỏ ra có ưu thế hơn. Trên cơ sở này, bạn sẽ thiết lập những gì được gọi là “đường dẫn của các rủi ro”, nghĩa là một danh sách các nhiệm vụ kế tiếp nhau cần thực hiện…

Đánh giá năng lực của bộ phận nhân sự

Quản lý nhân sự (Human Resources - HR) không chỉ là một công việc thường nhật, mà đó là một nghệ thuật đòi hỏi ở nhà quản lý rất nhiều kỹ năng và sự khéo léo. Phần quan trọng nhất trong các chức năng của HR bao gồm cả làm việc với các nhà quản lý cấp cao để xây dựng chính sách, kế hoạch hành động và triết lý kinh doanh của công ty nhằm hướng tới việc xây dựng một đội ngũ nhân viên thực sự gắn kết và có động cơ làm việc cao. Không tính đến chức năng tiếp thị và chức năng nhân sự, bộ phận nhân sự còn có một tầm ảnh hưởng và trách nhiệm to lớn liên quan tới nhãn hiệu. Ví dụ, mỗi năm công ty đều tuyển dụng nhân viên. Mỗi một lần như thế, ứng viên lại có cơ hội để tìm hiểu về công ty. Đó là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá nhãn hiệu. Nếu doanh nghiệp phỏng vấn các ứng viên, dù sau đó không tuyển dụng họ, doanh nghiệp ấy vẫn luôn tạo cho họ một cảm giác rằng họ thật sự muốn làm việc cũng như giao dịch với doanh nghiệp ấy.  

Một công ty thành công trên thương trường luôn cần đến một bộ phận HR hiệu quả. Muốn xây dựng một bộ phận HR như vậy, các công ty phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng, nhất là phải biết cách “nhìn người”, bởi ngoài trình độ và khả năng chuyên môn, thì nhân tố không thể thiếu đối với nhân viên HR giỏi là “phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp”.

Tất cả những điều này là cần thiết khi thời gian mà Việt Nam ra “biển lớn” WTO chỉ còn tính từng ngày…

Sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh viên

Không ít công ty đã để mắt đến các tài năng ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Nhiều lời chào mời khác nhau được đưa ra và đôi khi là cả những công việc bán thời gian. Những lợi ích có được từ các sinh viên đại học tài năng là không giới hạn.

Để sử dụng hiệu quả nguồn lực này, doanh nghiệp cần thử sức bằng cách tạo ra thách thức cho sinh viên đương đầu với những vấn đề thật sự khó khăn như giúp đỡ công ty thiết kế một chiến lược hiệu quả, làm việc cùng các nhà quản trị cấp cao… Từ đó họ vừa học hỏi kinh nghiệm và hiểu thêm sự phức tạp của kinh doanh.

Cởi mở với những ý tưởng mới của sinh viên, bởi vì biết đâu nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát hiện ra rằng mình nên sử dụng thêm một số màu sắc sinh động trong các quảng cáo nhằm lôi cuốn được các khách hàng trẻ tuổi. Bên cạnh đó, hoạt động giao tiếp thân thiện và tích cực trong công ty cũng là chìa khoá để các sinh viên cảm thấy hài lòng và thỏa mãn. Hãy nói rõ là công ty mong đợi gì ở họ, đồng thời để cho các sinh viên thấy những câu hỏi, khúc mắc, mong muốn học hỏi của họ đều được lắng nghe và quan tâm chu đáo.

Các sinh viên thường mang lại một nguồn sinh khí mới và cả sự phấn khích đến cho các dự án vốn rất khô khan, phức tạp. Động cơ làm việc của sinh viên không chỉ đơn thuần vì tiền bạc. Đôi khi họ có mặt ở đó chỉ đơn giản là để giúp công ty giải quyết vấn đề nhằm đổi lấy những kinh nghiệm quý báu cho bản thân.

Có rất nhiều sinh viên tốt ở ngoài kia. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn, động viên và áp dụng các ý tưởng để thu hút sức đóng góp của họ một cách hiệu quả nhất. Như vậy lời khuyên khôn ngoan nhất ở đây là hãy tập trung vào việc lên kế hoạch những việc cần nhờ đến sự trợ giúp của các sinh viên, đồng thời đảm bảo rằng các ý tưởng sáng tạo cũng như nỗ lực của họ sẽ được công nhận và bảo vệ khi chuyển vào các dự án, chương trình hay sản phẩm cụ thể.

  • Tags: