Trong các chương trình của Chính phủ, nhiều phiên họp trực tiếp chỉ đạo, nghiên cứu, đưa ra biện pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông, hướng tới việc cắt giảm chi phí logistics; đồng thời tạo thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu, trong đó có dịch vụ vận tải cảng biển, vận tải biển cũng như hoạt động cảng biển.
(Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh)
Sứ mệnh cao cả
Trong khu vực, khó nước nào có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics như Việt Nam. Theo nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT, tăng trưởng bình quân của ngành trong giai đoạn 1992 - 2014 đạt mức 20,3%/năm. Với bất cứ một loại hình dịch vụ nào, tăng trưởng trên 10%/năm trong 10-15 năm đã là một thành tích ấn tượng, đây lại là trên 20%/năm và kéo dài trên 20 năm.
Chưa hết, đến năm 2020, tăng trưởng logistics ở Việt Nam được dự báo tiếp tục duy trì trong khoảng 24-25%/năm; sau đó giữ ở mức dưới 20% trong giai đoạn đến 2030.
Vì sao dịch vụ logistics ở nước ta có lực tăng trưởng nhanh và kéo dài liên tục suốt mấy chục năm như vậy? Đó là có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hoạt động ngoại thương với điểm nhấn kim ngạch xuất khẩu tăng từ trên 10% đến trên 30% trong 30 năm qua.
Ở chiều ngược lại, logistics đã tham gia tích cực vào toàn bộ quá trình hoạt động ngoại thương. Với chức năng chính là quản lý và điều chỉnh quá trình chu chuyển luồng hàng từ nhà "sản xuất gốc" đến "người tiêu dùng cuối cùng", bao gồm các dịch vụ: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng...
Logistics thực sự trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa trong nước, cũng như xuất nhập khẩu.
Với đặc thù Việt Nam, có 3 mảng tạo chuỗi giá trị của
logistics, gồm (i) giao nhận hàng hóa qua khai thác cảng (biển và hàng không);
vận tải (nội địa và quốc tế); (ii) quản
lý chuỗi cung ứng và (iii) kho bãi. Trong đó, mảng thứ nhất có nhiều cơ hội hơn
cả, bởi 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vào Việt Nam vận chuyển qua đường biển, tức
khoảng 268/298 tỷ USD hàng hóa qua cảng biển nước ta năm 2014.

Mặc dù vậy, dịch vụ logistics nước ta chưa thực sự hiệu quả. Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam, với chủ đề “Giải pháp cải thiện hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ Logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 16/10 mới đây, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, chi phí hoạt động logistics của Việt Nam chiếm đến 20 - 25% GDP là còn cao và do đó, sứ mạng của Diễn đàn lần này nhằm tìm cách giảm chi phí logistics, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập.
Trước đó, ngày 03/7/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển trung tâm logistics đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cũng nhấn mạnh mục tiêu đến 2020 giảm thiểu chi phí logistics xuống còn 20% GDP và đến năm 2030 xuống còn 15%.
Bức tranh thị phần
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, ở nước ta hiện nay có khoảng 1.300 doanh nghiệp logistics. Trong đó, số doanh nghiệp nước ngoài chưa đến 30, nhưng chiếm tới 80% thị phần; trên 1.200 doanh nghiệp trong nước chia nhau 20% thị phần còn lại.
Nhìn vào con số thống kê trên có thể gây thất vọng và sốt ruột cho một số người. Tuy nhiên, giới phân tích có đủ độ “lạnh” hơn khi bình tĩnh nhận định rằng, bức tranh thị phần nhìn chung đã phản ánh trung thực và cân đối. Nói nôm na là, cái mà anh thu về (thị phần) đã xứng hợp với cái anh bỏ ra (nguồn lực và trí lực).
Quả thực, logistics còn rất mới mẻ với doanh nghiệp Việt. Thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam cho thấy, tuổi đời trung bình của doanh nghiệp Việt mới có 5 năm, trong khi những doanh nghiệp nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam hàng chục năm, như: DHL Supply Chain, Kuehne + Nagel, Damco, FedEx, APL hay Maersk... Nếu tính “tuổi” từ hãng mẹ thì có đến trăm năm.
Tính về thực lực, trong số trên 1.200 doanh nghiệp logistics thuần Việt, có 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô vốn từ 4-6 tỷ đồng, trong khi chỉ một thương vụ đầu tư của DHL Supply Chain cho trung tâm phân phối thứ hai tại tỉnh Bắc Ninh đã lên đến gần 300 tỷ đồng.
Về phạm vi hoạt động, dịch vụ logistics của doanh nghiệp Việt chủ yếu là kết nối, điều tiết đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ, lãnh hải nước ta; nỗ lực cao nhất mới chỉ tham gia vào các tuyến ngắn đến các nước lân cận như Lào, Cam pu chia. Không thể so được với chi nhánh APL hay Maersk hiện diện tại nước ta, với sự trợ giúp từ hãng mẹ có thể kết nối đưa hàng hóa tới gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Tương - Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội “tổng kết”: doanh nghiệp
logistics Việt Nam nhiều nhưng tiền thân đi lên từ dịch vụ giao nhận vận tải, năng lực hạn chế, quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ cán bộ hạn chế, công nghệ thông tin lạc hậu …
Chú trọng đến hạ tầng
Nhân lực của doanh nghiệp Việt hạn chế, đúng! Trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, đúng! Quy mô vốn quá nhỏ, đúng! Nhưng đó không phải là điểm “gút” khiến chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.
Thậm chí, đứng ở góc độ lợi thế so sánh, doanh nghiệp Việt còn có lợi thế trong vận tải (khu vực chiếm hơn một nửa trị giá trong các loại hình dịch vụ logistics) do có khả năng triển khai gói hợp đồng vận tải đa phương thức gồm chọn lựa hãng tàu vận tải nội địa thủy bộ, đưa hàng đến cảng, sau đó lựa chọn hãng tàu, hãng hàng không vận tải quốc tế với mức cước rất cạnh tranh.
Mấu chốt nằm ở chỗ, ngành dịch vụ này phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng kinh tế và kỹ thuật. Ai cũng biết, cầu đường, bến cảng phải phát triển thì tần suất lưu thông hàng hóa mới gia tăng; trong xuất khẩu hàng hóa qua cảng biển, quan trọng là phải xây dựng được các cảng thông quan nội địa (ICD), là nơi tập kết hàng hóa xuất từ các chủ hàng, đóng thành container rồi sau đó chuyển ra cảng; trong dịch vụ kho bãi, cần phải xây dựng “trung tâm phân phối (DC)”, bởi khách hàng lớn là các tập đoàn như Unilever, P&G, hay Vinamilk đều có nhu cầu truy xuất thông tin hàng hóa nhanh và chính xác thông qua DC v.v...
Chính vì thế, chúng ta đã xây dựng quy hoạch logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo và quy hoạch các trung tâm logistics phục vụ phát triển thương mại trên toàn quốc do Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng và được Chính phủ ban hành năm 2015.
Cùng với đó, tháng 7/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Ban soạn thảo này do Thứ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng ban, thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan và một số hiệp hội, viện nghiên cứu.
Tổ soạn thảo dựa trên thực tế và nhu cầu của các doanh nghiệp, đang xây dựng dự thảo về chương trình hành động phát triển logistics và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ, có kế thừa tiếp thu những quan điểm, chiến lược dài hạn đã được thể hiện trong 2 quy hoạch về logistics trong Giao thông Vận tải và logistics trong giao lưu thương mại.
Dự thảo này nêu lên những mục tiêu, yêu cầu mang tính dài hạn và cả chương trình cụ thể, có những giải pháp cụ thể thể hiện cam kết hội nhập nghiêm túc, đầy đủ, đồng thời khai thác các cơ hội từ hội nhập kinh tế xã hội chung.
Trong đó, việc xây dựng hạ tầng vận tải nội địa phục vụ cho phát triển logistics là một nội dung rất quan trọng trong Chương trình hành động phát triển logistics.
Khi Chương trình hành động phát triển logistics Việt Nam đi vào thực tiễn, chúng ta sẽ có các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, với vai trò là trung tâm gốc. Từ đây, phát triển theo hình rẻ quạt là các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế; bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu của các vùng, tiểu vùng và trên các hành lang kinh tế; kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung, v.v...
Chương trình hành động phát triển logistics Việt Nam được kỳ vọng tạo ra một bước đột phá về chính sách trong phát triển hạ tầng, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics phát huy sức mạnh, tiết giảm tối đa chi phí dịch vụ, qua đó, giảm bớt chi phi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.