Lâm Thao là huyện trọng điểm sản xuất công nghiệp với mật độ dân số đông, bình quân 1.044 người/m2, cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi tăng nhanh dẫn đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực nông thôn còn tập quán thả rông gia súc; làm chuồng gia súc liền kề với nhà ở; nhà tiêu không đúng quy cách và đảm bảo vệ sinh. Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ở dọc khu vực các chợ, kênh Diên Hồng còn khá phổ biến; môi trường nước, không khí ở một số địa bàn đang bị ô nhiễm bụi như ở các xã: Thạch Sơn, Xuân Lũng, Sơn Vi, thị trấn Hùng Sơn… Hơn nữa, ở một số nơi do hoạt động nước thải, chất thải từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề gây ra dẫn đến tình trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng; việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật cùng với nước thải chăn nuôi đã tác động tiêu cực tới môi trường.
Tổ thu gom rác ở khu dân cưNgoài 199 khu dân cư sống tập trung chủ yếu ở 2 thị trấn và các thị tứ dọc theo các tuyến trục quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, huyện Lâm Thao còn có 1.299 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các hộ kinh doanh, trong đó có 19 công ty cổ phần, 13 công ty TNHH, 1 doanh nghiệp tư nhân, 2 HTX, 33 trang trại, 39 lò gạch kiểu đứng liên hoàn, 4 lò gạch tuynel, 12 chợ… Trong số này, có một số nhà máy công nghiệp hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, do công nghệ lạc hậu nên không tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú nằm trên địa bàn xã Thạch Sơn là có nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao nhất.
Trước tình hình đó, năm 2011 HĐND huyện Lâm Thao đã ban hành Nghị quyết số 89 về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn trong giai đoạn 2011 - 2016 với các tiêu chí “xanh-sạch-đẹp-bình yên”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 89, tại các khu vực nông thôn, công tác quy hoạch phân vùng sản xuất và khu dân cư được quản lý chặt chẽ; công tác thu gom xử lý rác thải được xử lý kịp thời, không còn tồn đọng rác thải sinh hoạt; tình trạng ô nhiễm chất thải rắn được quan tâm xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 93,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đạt 90%; 100% dự án đầu tư mới được bố trí phù hợp với quy hoạch; 90% người dân được dùng nước hợp vệ sinh… Đặc biệt, môi trường không khí trên địa bàn huyện cũng đã được cải thiện đáng kể, các khu vực có nguy cơ cao về khí thải đã được xử lý. Trước đây, trên địa bàn huyện có nhiều nơi là bãi thải, nhiễm hóa chất như ở thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Lâm Thao, xã Thạch Sơn thì hiện tại những nơi này huyện đã phối hợp cùng với các địa phương bị ô nhiễm cải tạo khu bãi thải, vùng đất nhiễm hóa chất, trồng cây xanh, để cải thiện cảnh quan môi trường, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm.
Ông Ngô Duy Khang - Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho biết: “Nhằm tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Lâm Thao đã và đang triển khai và thực hiện 7 nhiệm vụ quy định trong Luật BVMT đối với cấp huyện, 5 nhiệm vụ đối với cấp xã; chỉ đạo hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, mỗi xã, thị trấn bố trí từ 1 đến 2 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời có diện tích từ 1.000 - 2.000m2, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với các tiêu chí cụ thể về môi trường. Nhờ đó, tính đến hết năm 2013, huyện đã có 7/12 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cho nhân dân về BVMT được chú trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT, đề án thu gom xử lý rác thải; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện môi trường; chỉ đạo các khu dân cư xây dựng các quy ước gắn với BVMT. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, HTX tư vấn và hỗ trợ phát triển Hạ Hòa tổ chức 3 lớp tập huấn cho 75 cán bộ cấp xã bồi dưỡng kiến thức cơ bản về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu và cách phân loại rác tại nguồn, qua đó giúp cho mỗi cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi đối với công tác BVMT trên địa bàn huyện”. Theo ông Khang, có được kết quả trên là do Lâm Thao đã biết vận dụng, gắn kết người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc thực hiện công tác BVMT. Cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng môi trường trong lành từ người dân
Qua thực tế, trên địa bàn 14 xã và thị trấn trong huyện, Nghị quyết 89 đã thực sự đi vào cuộc sống đối với từng gia đình, từng người dân từ già đến trẻ ở địa phương. Như xã Thạch Sơn (xã mang biệt danh “làng ung thư”), hiện nay mọi đường làng, ngõ xóm đều có rãnh thoát nước, mặt đường được bê tông; ngoài ruộng không còn bóng dáng túi ni lon, rác rưởi và các bình chứa, bao gói thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như xưa nữa. Đặc biệt, 89 lò gạch thủ công nằm xen kẽ trong các khu dân cư của Thạch Sơn, ngày đêm phun khói độc hại, hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống đã đi vào dĩ vãng. Thay vào đó là 28 lò gạch liên hoàn áp dụng công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được di dời và quy hoạch cách biệt hẳn với xóm làng.
Ngoài nguồn vốn nhà nước hỗ trợ 30 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước và hệ thống cung cấp nước sạch đến từng hộ gia đình, người dân ở Thạch Sơn còn tự nguyện đóng góp xây dựng khép kín hệ thống thoát nước thải tập trung. Các khu dân cư mỗi tháng 2 lần tham gia vệ sinh môi trường và đều có tổ thu gom rác, được đưa về Khu chế biến xử lý chất thải tại TP. Việt Trì.
Thứ hai, doanh nghiệp cùng nhập cuộc
Điều khác biệt của huyện Lâm Thao là tại đây có một số nhà máy công nghiệp hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, do công nghệ lạc hậu nên không tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Song, trước áp lực của dự luận xã hội và sự tồn tại phát triển bền vững của chính mình, từ năm 2008 trở lại đây, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện đã chú trọng đầu tư công nghệ mới, góp phần giảm thiểu rõ rệt tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Phó Tổng Giám đốc Văn Khắc Minh cho biết: Trong năm 2008, Công ty đã đầu tư 47 tỷ đồng thi công dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý nước thải 1.900m3/giờ, gồm 3 hạng mục là trạm xử lý nước thải sinh hoạt; trạm xử lý giải nhiệt cưỡng bức nước làm mát axit và trạm xử lý nước thải sản xuất supe phốt phát. Hiện 2/3 trạm đã đi vào vận hành đạt quy chuẩn môi trường cho phép (QCVN 40:2011/BTNMT).
Về xử lý khí thải, đối với 3 dây chuyền sản xuất axit số 1, số 2 và số 3 là hệ thống xử lý khí thải chứa SO2 và SO3, gắn liền với công nghệ sản xuất tiên tiến tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần. Còn dây chuyền sản xuất supe số 1, số 2 xử lý khí thải chứa flo bằng hệ thống thiết bị bể hấp thụ và tháp hấp thụ.
Riêng xỉ pyrit khá độc hại sinh ra do công nghệ sản xuất
sunphuric từ quặng pyrit theo công nghệ của Liên Xô cũ trước đây để lại. Từ năm
1998 Công ty đã chuyển đổi dây chuyền axit 1, đến năm 2003 chuyển đổi nốt dây
chuyền axit 2 công nghệ sản xuất axit sunphuarit từ đốt quặng pyrit sang đốt
lưu huỳnh nguyên tố hóa lỏng, nên không còn phát sinh ra xỉ pyrit nữa. Đồng
thời, Công ty cũng đã ký hợp đồng vận chuyển, xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại
với các đơn vị có chức năng chuyên trách lĩnh vực này.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác BVMT ở các cơ sở sản xuất Ngoài làm tốt công tác thanh, kiểm tra, huyện Lâm Thao còn kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trong tỉnh Phú Thọ kiên quyết đình chỉ hoạt động những cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Và Lâm Thao chỉ chấp thuận những dự án đầu tư thân thiện với môi trường, có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.