Phát biểu tại lễ công bố ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương – Chủ tịch Hội đồng biên tập ấn phẩm cho biết, Báo cáo xuất khẩu Việt Nam năm 2016, được xây dựng từ nguồn thông tin chính thức, trung thực về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm ngành hàng, từng thị trường, đánh giá tổng quan về những vấn đề cơ bản của hoạt động xuất nhập khẩu cùng với những phân tích và dự báo sâu sắc.
Báo cáo Xuất nhập khẩu sẽ là ấn phẩm thường niên do Bộ Công Thương xuất bảnHội đồng biên tập hi vọng cuốn sách sẽ là tài liệu quan trọng cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác, với cái nhìn tổng quan, có hệ thống về xuất nhập khẩu tới các Cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp qua đó góp phần cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững.
Báo cáo đã cho thấy nhiều điểm sáng trong công tác xuất nhập khẩu của nước ta năm 2016. Cụ thể trong bối thị trường thế giới có nhiều bất ổn năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 349,16 tỷ USD, xuất siêu khoảng 2,52 tỷ USD, đã đảo ngược cán cân thương mại từ thâm hụt năm 2015 sang thặng dư năm 2016.
Thông tin từ báo cáo chỉ ra, khi kim ngạch xuất khẩu nhiều nước tại khu vực như:Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…năm 2016 giảm so vơi năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng cao ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng gần 9% (so với năm 2015) ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong đó 25 mặt hàng đã có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (năm 2015 là 23 mặt hàng). Theo Báo cáo, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa cũng dịch chuyển theo hướng tích cực: Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (80,3%), tiếp đó là nông, thủy sản(12,6%) với nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng dương. Năm 2016 các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã khai thác tốt các lợi thế cam kết từ cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA góp phần tạo ra sự tăng trưởng xuất khẩu cao…
Nông, thủy sản là điểm sáng trong xuất khẩu của Việt Nam năm 2016.Một điểm sáng nữa về xuất khẩu trong năm qua cũng được nêu trong Báo cáo, là Việt Nam vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu cao sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cụ thể, Thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng 27,4%; Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỷ USD, giảm 4,7%.
Bên cạnh những điểm sáng báo cáo cũng cho thấy; Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến bắt đầu gia tăng, nhưng vẫn còn tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô ở nhóm hàng khoáng sản và một số mặt hàng nông sản, hoặc xuất khẩu theo hình thức gia công và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (như đối với dệt may); Lượng sản phẩm xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản còn chưa đồng đều, chủng loại còn đơn điệu; Năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện nhiều, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao,...
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu năm 2016 được đưa ra trong Báo cáo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, mức tăng trưởng xuất khẩu gần 9% trong năm 2016 có thể chưa làm hài lòng tất cả, nhưng đánh giá trong bối cảnh năm qua với những biến động về thị trường, thiên tai, hạn hán khắc nghiệt…thì đó là sự tăng trưởng rất đáng kể. Thành công này đến từ nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp, hiệu quả của các cơ chế chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từ các chương trình biện pháp thúc đẩy xuất khẩu từ Bộ Công Thương trong triển khai Chiến lược xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.