Cần “cách mạng công nghệ” loại bỏ rác thải nhựa
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, dự báo trong vòng 50 năm tới dân số thế giới sẽ khoảng 10 tỷ người. Cùng với sự gia tăng dân số, lượng thức ăn, nước uống, năng lượng cũng phải tăng lên và kéo theo rác thải gia tăng. Trong đó, chất thải nhựa vốn khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường là mối nguy hại lớn, gây ra “ô nhiễm trắng” khó khắc phục.
GS.TS Đặng Kim Chi đề xuất, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể, từ hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nylon) đến áp dụng các biện pháp công nghệ cao, kĩ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa. Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…
Đồng quan điểm về chính sách kinh tế trong quản lý rác thải nhựa, bà Trần Thị Phương Nhung, Phó Trưởng phòng Chính sách thuế tài sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài chính cho biết, mức thuế hiện hành đối với túi nylon là 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon của Việt Nam là thấp nên chưa tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nylon nên cần tăng thuế đối với sản phẩm này.
Bà Trần Thị Phương Nhung nêu ví dụ: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon. Cụ thể như: Anh: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Ireland: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Hong Kong: 0,05 USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi… Với mức thuế như vậy, cũng hạn chế việc sử dụng túi nylon là sản phẩm từ nhựa, giúp bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, có một thực tế cũng được bà Trần Thị Phương Nhung chỉ ra là hiện nay việc theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi nylon rất khó khăn do cơ sở sản xuất túi nylon phần lớn (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ nộp thuế khoán, nên trên thực tế số thu thuế bảo vệ môi trường từ túi nilon những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm túi nylon vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.
Khẳng định cần có cuộc cách mạng về công nghệ, chính sách để loại bỏ chất thải nhựa, ông Nguyễn Thành Yên, Vụ phó Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở nước ta chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải nên chưa có được các giải pháp thực sự hiệu quả. Theo ông Nguyễn Thành Yên, vấn đề tái chế vẫn chỉ phương án tạm thời, không thể loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa. Theo ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nylon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỷ túi nylon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.
Lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo
Để động viên lan tỏa phong trào “Chống rác thải nhựa”, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi: Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op); các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội để biểu dương các doanh nghiệp này chủ động đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, cụ thể, giảm thiểu tác hại của túi nilon.
Vào tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp tục gửi thư biểu dương Thừa Thiên-Huế đã chủ động, sáng tạo, hành động mạnh mẽ để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn. Thủ tướng tin tưởng rằng những mô hình hay, sáng tạo từ tỉnh Thừa Thiên-Huế như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”… sẽ được nhân rộng tới các địa phương khác, mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân chúng ta.
Một số ngành kinh tế mũi nhọn cũng vào cuộc mạnh mẽ trong phong trào chống rác thải nhựa.
Ngành du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa và 15 triệu khách nước ngoài. Với khách đi tour, các đơn vị lữ hành thông thường sẽ phát từ 1 đến 2 chai nước mỗi ngày. Như vậy, hàng trăm triệu chai nhựa cần phải xử lý. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng thải ra môi trường nhiều rác nhựa như ống hút, túi nylon với số lượng lớn, khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhận thức về thực trạng ô nhiễm đang diễn ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã triển khai chương trình hành động "Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa" trong ba ngày 14 – 17/7 với sự tham gia của các hiệp hội và gần 100 doanh nghiệp lữ hành trong nước.
Chương trình hành động "Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa" đang ở giai đoạn ban đầu. Dự kiến, hơn 5.000 hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ cam kết triển khai chương trình này và báo cáo định kỳ mỗi 6 tháng.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước, dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre...
Thực tế, ngoài chính sách và hỗ trợ của Nhà nước, để giảm thiểu “ô nhiễm trắng” phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Tại một số địa phương đã giảm thiểu sử dụng túi nylon hiệu quả nhờ những mô hình, phong trào cụ thể. Ví dụ, từ năm 2009 lãnh đạo TP. Hội An và người dân trên đảo Cù lao Chàm đã bắt đầu thực hiện chương trình “Nói không với túi nylon”. Mỗi hộ dân được phát 2 giỏ nhựa và hướng đến thói quen sử dụng “túi sinh thái”. Các chương trình truyền thông cũng được tổ chức với những câu slogan độc đáo như: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ"; “Không túi nylon, bảo vệ môi trường” được treo trên đường làng, ở cầu cảng đón khách du lịch.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, TP. Hội An Phạm Thị Mỹ Hương, chương trình đã đạt được hiệu quả tốt nhờ sự triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và sự chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, địa bàn triển khai cũng phân theo từng khu cụm nhỏ để dễ quản lý, vận động.