Dự án Goby (tên tiếng Việt là cá Bống) lấy bối cảnh phong trào bảo vệ môi trường qua giảm thiểu rác thải và sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên đang nhân rộng ở Châu Á, đặc biệt là Đà Nẵng, bao bì bằng lá chuối đã xuất hiện thay thế túi nilon và ống hút tre đang ngày càng thịnh hành.
Thông qua việc xây dựng hình ảnh con cá bằng nghệ thuật sắp đặt với các loại vật liệu khác nhau chủ yếu là tre nứa đặt trên bãi biển, Bống nhằm thu hút và khuyến khích người đi biển bỏ rác thải vào thùng rác, đặc biệt là rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Bản Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, Việt Nam có đường bờ biển dải trải đất nước nhưng thực tế hiện nay rác thải nhựa là vấn nạn đối với môi trường đại dương. Cùng mong muốn làm điều gì đó cho môi trường biển tốt hơn nên khi gặp cô Sarah Field - một người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng đề xuất thực hiện dự án Bống với slogan “Feed Bống Plastic And Not Ocean!” (Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương)”, đơn vị đã ủng hộ và hỗ trợ triển khai.
Với sự chủ trì của Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, từ ngày 22/4, nhóm “Bống” do cô giáo Sarah Field làm Trưởng nhóm cùng với cộng sự và các bạn sinh viên đã bắt tay vào thực hiện dự án này.
“Dự án Bống là tâm huyết của các giáo viên người nước ngoài tại Đà Nẵng kết hợp với các tình nguyện viên sinh viên nhiệt huyết mong muốn đóng góp và thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường biển do các hoạt động du lịch gây ra. Đồng thời, lan truyền thông điệp bảo vệ đại dương, môi trường biển đối cộng đồng địa phương và du khách quốc tế và nhất là trẻ em”, ông Nguyễn Đức Vũ chia sẻ.
Tại lễ ra mắt, đông đảo người dân và du khách vô cùng thích thú tham gia nhặt rác và các sản phẩm nhựa để bỏ vào “Bống”.
Anh Hoàng Phúc Lâm, Cố vấn trực tiếp cho dự án chia sẻ: Tinh thần của dự án là cộng đồng chung tay cùng thực hiện. Do đó, bên cạnh các ý nghĩa về mặt môi trường và bảo vệ thiên nhiên, dự án còn là cơ hội để người dân, du khách cùng tham gia tương tác và cộng tác với nhau vì cộng đồng và môi trường sống.
“Nếu Bống thành công sẽ mang lại hiệu ứng chia sẻ xã hội hết sức to lớn không chỉ ở Đà Nẵng mà các du khách quốc tế cũng sẽ đến chụp hình tại sản phẩm, chia sẻ trên mạng xã hội quốc tế. Tiếp theo Bống, chúng tôi sẽ triển khai thêm các hoạt động gây quỹ để thực hiện các dự án khác tương tự như rùa biển và các loài khác trên bãi biển Đà Nẵng” .
Dịp này, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng tổ chức triển lãm các bức ảnh về thảm họa rác thải nhựa đối với với môi trường đại dương và các thông tin số liệu giáo dục liên quan, trưng bày các sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường làm từ tre, gỗ, bột mía… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần.