Tối 11/5/2019, hàng ngàn người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Quận 1 để tham dự Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2019 và Lễ Chào mừng 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương.
Chương trình được thực hiện theo Kế hoạch số 653/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động về Tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đánh giá kết quả triển khai Cuộc vận động; kết quả triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020.
Tới tham dự Chương trình có lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Chương trình, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp đã thực hiện Nghi thức nhấn nút khởi động các hoạt động Chào mừng 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Năm 2019 cũng là năm đánh dấu 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương tổ chức các hoạt động chào mừng 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu cho chuỗi sự kiện ra trong tháng 5 trên khắp cả nước.
Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, Chương trình hành động hàng năm của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động được tổ chức rộng khắp trên 4 lĩnh vực, gồm Thông tin tuyên truyền; Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất; Xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Cải cách thủ tục hành chính và quản lý thị trường.
Thay mặt Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao sự sáng tạo của Bộ Công Thương trong xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức Cuộc vận động.
Các hoạt động này đã truyền tải đến người tiêu dùng những thông tin đầy đủ, chính xác hơn về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, từ đó thay đổi tâm lý, hành vi tiêu dùng theo hướng lành mạnh hơn.
Đặc biệt, “những hoạt động của ngành Công Thương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm việc làm cho người Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn, hạn chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”, bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động và có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện vì vậy đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể:
- Một là, đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức năm 2014 cho thấy: có 92% người tiêu dùng được hỏi “Rất quan tâm” và “Quan tâm” đến Cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng “Tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 54% người tiêu dùng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”.
- Hai là, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.
- Ba là, phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm,…).
Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 chỉ số CPI lần lượt ở các mức 3,54%, 3,53%, 2,66%).
Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để tiếp bước thành công của chặng đường 10 năm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động hàng năm của Bộ.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu; theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho biết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường… nhằm lan tỏa, khích lệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng mạnh mẽ hơn.
Không khí càng trở lên tưng bừng hơn vơi Chương trình giao lưu Nhận diện hàng Việt Nam của các nghệ sĩ và khán giả với những món quà đều là sản phẩm chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Thông điệp Tự hào hàng Việt Nam; Mỗi người Việt là một đại sứ hàng Việt một lần nữa lại được hàng ngàn người dân thành phố quyết tâm biến thành hành động.
Ngay sau đó, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia Chương trình như ca sĩ Noo Phước Thịnh, ca sĩ Khả Linh, MC. Trương Quốc Bảo và khán giả đã cùng nhau giao lưu, tìm hiểu về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
CHUỖI SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA CHƯƠNG TRÌNH NHẬN DIỆN HÀNG VIỆT NAM - TỰ HÀO HÀNG VIỆT NAM 2019 VÀ LỄ CHÀO MỪNG 10 NĂM THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
• Chương trình được tổ chức trên quy mô thoàn quốc, từ 01/01/2019 đến 22/5/2019.
• Lễ phát động Chương trình: Ngày 11/5/2019 tại tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, với Chương trình nghệ thuật đặc sắc, có sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu: Noo Phước Thịnh, ca sĩ Khả Linh. MC. Trương Quốc Bảo; các nghệ sĩ và khán giả cùng nhau giao lưu, tìm hiểu về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
• Lễ báo công dâng Bác: Ngày 21/5/2019, Đoàn đại biểu đại diện cho các đơn vị tiêu biểu của ngành Công Thương, các cá nhân tiêu biểu toàn quốc đã có những thành tích, đóng góp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động thực hiện nghi thức Báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
• Tiếp kiến báo cáo lãnh đạo Đảng Nhà nước: Ngày 21/5/2019, Đoàn đại biểu đại diện cho các đơn vị tiêu biểu của ngành Công Thương, các cá nhân tiêu biểu toàn quốc đã có những thành tích, đóng góp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động diện kiến và báo cáo với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về kết quả 10 năm thực hiện Cuộc Vận động.
• Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương.
- Ngày 21 đến 22/5/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.
- Các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua triển lãm;
- Trò chơi nhận diện hàng Việt Nam với sự tương tác cao giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng;
- Các CEO, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.
• Chương trình Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Ngày 21 đến 22/5/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.
- Chương trình có sự tham gia của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng ngàn đại biểu cùng đông đảo giới truyền thông;
- Tôn vinh các điển hình tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm thành công trong thực hiện Cuộc Vận động;
- Chương trình nghệ thuật sâu lắng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Tân Nhàn, ca sĩ Tạ Quang Thắng; MC Hữu Bằng và Hồng Nhung.
• Các hoạt động liên quan:
- Nhiều hoạt động kết nối cung cầu, giảm giá diễn ra trên toàn quốc;
- Treo cờ phướn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong suốt thời gian diễn ra Chương trình;
- Các nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone, Viettel nhắn tin đến hàng triệu thuê bao cả nước tải nhạc chờ bài hát “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
• Hình thức truyền thông:
- Các hoạt động nổi bật của Chương trình được phát sóng trên VTV; các báo đài Trung ương, địa phương và các truyền thông khác;
- Livestream trên Fanpage “Tự hào hàng Việt”, các trang Fanpage đang nổi trên mạng xã hội hiện nay, các trang, nhóm của các Trường Đại học, Cao đẳng, tiếp cận tới hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước.