Làng gốm Biên Hòa tập trung tại các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, hai xã Tân Thạnh và Hóa An. Với hơn 100 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, chỉ có Công ty Gốm Việt Thành là doanh nghiệp nhà nước, số còn lại là của tư nhân. Công ty Gốm Đồng Thành, Hợp tác xã Gốm Sông Tiền, Thái Dương và các cơ sở nhỏ vừa chuyên gia công vừa làm cơ sở vệ tinh chuyên cung cấp sản phẩm, bán sản phẩm cho các cơ sở lớn. Tuy làng gốm Biên Hòa đã hình thành cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng phát triển nhất là kể từ khi Nhà nước có chính sách đổi mới, có chủ trương phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm mỹ nghệ Biên Hòa đều để xuất khẩu sang các nước Đông Nam á và châu Âu.
Nguyên liệu chính để sản xuất ra gốm là đất sét trắng có nhiều ở Bình Phước (Sông Bé) được đem làm nhão hay hóa lỏng, sau đó được in lên khuôn (đất nhão) hay rót vào khuôn (đất lỏng). Khuôn làm bằng thạch cao, do có tính hút nước tốt nên sau khi in hay đổ khuôn, đem phơi nắng mẫu gốm sẽ nắn trở lại, khi tháo khuôn ra sẽ có bán thành phẩm. Bán thành phẩm này được tiếp tục đem phơi nắng cho đến khi khô ráo mới đem tiện bỏ hết các phần thừa, sau đó đem trau chuốt lại láng mà theo cách gọi trong làng nghề là “SU”. Tiếp theo, các nghệ nhân họa, khắc các hoa văn, hình ảnh lên bán thành phẩm rồi đem chấm men trước khi đem nung.
Chấm men cũng là khâu quan trọng, phải cho quen và đều, nếu không, khi nung sản phẩm sẽ bị méo mó, biến dạng. Chất liệu men cũng quan trọng chẳng kém. Gặp phải men xấu sẽ bị ảnh hưởng đến tính mỹ thuật của sản phẩm. Men gốm là một hợp chất gồm các oxyt kim loại (để tạo màu sắc) trộn với cát được xay nhuyễn, mịn và bột đá trắng, đá vôi, đất sét, nước keo. Kỹ thuật pha chế men gần như một “bí mật công nghiệp” vì chính khâu này sẽ quyết định màu sắc trên sản phẩm. Các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ hơn thua nhau không những về mẫu mã mà còn về nước men nữa. Chính vì vậy mà mỗi cơ sở đều giữ bí mật của riêng mình về kỹ thuật pha chế men gốm.
Đến khi nung cũng là khâu quan trọng vì nó quyết định sự thành bại của cơ sở. Hiện tại, các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa đều nung gốm dưới dạng thủ công, nhiên liệu chính là củi. Thợ nung phải là người dạn dày kinh nghiệm, tuy họ chỉ xác định nhiệt độ bằng mắt nhưng rất chính xác, biết điều tiết nhiệt độ một cách thích hợp.
Cách đây khoảng 15 năm, một số người còn e ngại, chỉ dám bỏ vốn ra đầu tư cơ sở làm gốm với quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng cho Công ty Gốm Đồng Nai (Donaco), Xí nghiệp Gốm Dona và Công ty Bilimex. Sau đó dần dần thấy nghề “sống được”, và “ổn định”, nhiều người mới mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển cơ sở, thành lập các tổ hợp, hợp tác xã, để từ đó khơi dậy nghề gốm truyền thống, thu hút trên 2.000 công nhân, trong đó có nhiều nghệ nhân gốm đã một thời chịu sống “ẩn dật”. Và thế là làng gốm Biên Hòa đã cho ra đời nhiều chủng loại và mẫu mã để ngày càng đáp ứng thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy mà làng gốm Biên Hòa được hình thành và phát triển lớn mạnh như ngày nay.
Hiện tại, làng gốm Biên Hòa có 70% cơ sở gốm mang tính gia đình, có thuê công nhân sản xuất thành phẩm, gia công và làm vệ sinh cho các cơ sở lớn. Trong quá trình hoạt động, làng gốm Biên Hòa đã có một đội ngũ nghệ nhân xuất thân từ trường lớp ra (đa số ở trường Mỹ thuật Biên Hòa).
Ngoài ra còn có sự tham gia của các thợ lò, thợ in, thợ chấm men, góp phần làm phát triển nghề gốm Đồng Nai. Nhờ ở gần thành phố lớn, thị trường tiêu thụ mạnh, chuyên chở thuận tiện với giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và phong phú, hy vọng làng gốm Biên Hòa còn tiến xa hơn nữa, đủ sức cạnh tranh với các làng gốm nổi tiếng trong nước./.