Làng Quậy sống cùng ô nhiễm

Với cái tên Quậy, làng Quậy, thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh hiện đang là nơi ô nhiễm môi trường gần như lớn nhất Hà Nội. Từ khi đất nước đổi mới kinh tế, người dân nơi đây phát đạt là nhờ một nghề m

Bộ mặt làng Quậy giờ đây thay đồi từng ngày, từng giờ, người nông dân không còn thích thú gì sản xuất nông nghiệp mà đua nhau làm giàu bằng nghề mới. Ông Chủ tịch xã Dương Vân Kế không ngừng kể ra những thông tin mới của xã và đời sống của từng gia đình đang phất lên như diều gặp gió.

Làng Quậy thật sầm uất, chỉ cách trụ sở UBND xã một cánh đồng mà mùi sơn, mùi gỗ và các hoá chất đã nồng nặc. Nghề chạm khảm xưa kia giờ không còn nữa, thay vào đó là nghề sản xuất đồ gỗ phun sơn. Nhà nhà, người người đua nhau học và làm nghề mới, không khí lao động thật sôi nổi khẩn trương. Từ năm 1994 đến nay, số hộ theo nghề này đã tăng từ 1 lên đến 1000 hộ. Hiện nay, xã Liên Hà đã có tới 30% số hộ giàu, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Văn Đang mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng và có tài sản lên đến cả tỷ đồng, là một trong những hộ giàu có của làng.

 

Không chỉ thu hút toàn bộ lực lượng tại chỗ mà nghề này còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động ở các tỉnh Thanh Hoá, Thái Bình, Hưng Yên… Sản phẩm của làng Quậy có mặt ở nhiều nơi trong cả nước. Làng Quậy có 70% hộ xây dựng nhà cao tầng, 80% có máy điện thoại và nhà nào cũng có 2-3 chiếc xe máy. Xe ôtô cũng lên tới hơn 100. Đời sống người dân nơi đây không thua kém gì một quận của thành phố. Chỉ có điều, họ không hề biết hay cố tình không biết, là ngày ngày đang phải sống cùng với nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Càng vào sâu trong làng, tình trạng ô nhiễm càng nặng nề. Người dân nơi đây sẵn sàng hy sinh cả chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ học hành của con cái họ để đổi lấy cái xưởng to, xưởng rộng, mong kiếm nhiều tiền để đổi đời, thoát nghèo. Xưởng đặt ngay trong nhà và nhà lẫn với xưởng, chỗ sinh hoạt và làm việc không rõ ràng. Gọi là làng quê nhưng hầu như không có nhà nào còn mảnh sân trước nhà, mà đều chật chội như nhà trong phố vậy. Tôi hỏi chị Vũ Thị N. khi thấy đứa con của chị đang ho sặc sụa là, cháu bị bệnh gì sao chị không cho cháu đi bệnh viện. Chị trả lời: Chỉ viêm họng nhẹ thôi, chẳng sao đâu, mấy hôm là khỏi thôi chị ạ. Chúng tôi bận làm ăn, chẳng có thời gian đi đâu cả. Thật đúng là kinh tế thị trường có sức hút ghê gớm, người ta bận rộn tới mức không có thời gian làm gì ngoài việc kiếm tiền.

 Về làng Quậy vào buổi trưa những ngày nắng nóng mới thấy không khí ô nhiễm đến khiếp sợ. Mùi sơn, mùi gỗ, mùi chất thải công nghiệp lẫn vào nhau, tạo nên một thứ mùi hỗn hợp ngột ngạt, khó thở. Có lẽ vì thế nên con người nơi đây phần lớn mắc phải chứng bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi… Nhân dân trong làng còn cho biết thêm, từ khi công nghiệp hoá nghề chạm khắc đồ gỗ, súc vật, gia cầm trong làng không sinh sản được, cây cối thì lụi tàn. Các nhà khoa học lấy mẫu nước về nghiên cứu thì cho kết quả là các chất độc hại gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Được biết, năm 1998, Thành phố đã có dự án xây dựng khu sản xuất cho làng Quậy. Hai năm sau đã có 42 hộ được đưa ra khu Đồng Bên trên diện tích 8000 m2. Nhưng rồi, do tập quán lâu đời và tính chất lao động thủ công của người dân nơi đây, nên chẳng bao lâu, họ lại sống và sinh hoạt ngay tại nơi sản xuất. Vì thế ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

 Rời làng Quậy khi trời vừa chập tối, nhìn những cánh đồng hoang không người chăm bón, cỏ mọc um tùm mới thấy xót xa, người dân không còn thiết tha với ruộng nương từ bao đời đã nuôi nấng họ. Chỉ thương những đứa trẻ mới lọt lòng đã phải sống trong môi trường bị ô nhiễm mà cha mẹ chúng đang tạo nên. Mong rằng, Thành phố sớm có dự án khu công nghiệp cho làng Quậy để ngăn chặn sự huỷ hoại môi trường, huỷ hoại sức khoẻ con người nghiêm trọng như hiện nay. Nhưng trước mắt, vẫn phải trông chờ vào sự kiên quyết xử lý triệt để của chính quyền địa phương và ý thức tự giác của mỗi người dân. Không nên đổ rác công nghiệp bừa bãi để hạn chế phần nào ô nhiễm môi trường./.

 

  • Tags: