Theo quốc lộ 72, cách thị xã Hà Đông 6km, con đường bê tông rộng chừng 14 - 15m chạy thẳng vào làng La Phù, chúng tôi khó mà hình dung mình đang đứng ở giữa một làng nông nghiệp vùng lúa, dấu ấn làng quê có chăng chỉ là những chiếc công nông, những cây đa mọc lách giữa các ngôi nhà cao tầng đủ kiểu cố vươn ra mặt đường. Nhìn khung cảnh hoạt động nơi đây thật là rộn rã, tiếng lạch cạch phát ra từ những chiếc máy khâu, tiếng lẹt xẹt của máy dệt len... tiếng xa quay sợi và tiếng thoi đua lách cách rộn rã, tạo ra những âm hưởng sống động một làng nghề. Ngay gần trụ sở Uỷ ban xã, có cơ sở sản xuất mũ len. Khi biết chúng tôi hỏi nhà Chủ tịch xã, chị chủ cơ sở tên là Hồng niềm nở mời chúng tôi vào nhà uống nước và nói:
- Hôm nay anh Sinh đưa hàng về sớm, có lẽ đang ở trụ sở đấy.
- Chị có vẻ quí cán bộ Uỷ ban?
- Các anh chị nghĩ xem, cán bộ biết giúp dân làm giàu thì dân nào chả quý.
- Còn cán bộ thì nghèo sao?
- Nghèo sao được! Các ông cán bộ ở La Phù bây giờ ông nào cũng làm kinh tế giỏi cả. Ngay như anh Sinh - Chủ tịch xã, nhà có một xưởng 15 máy dệt len, vợ yếu, con lớn bận đi học, sáng nào anh ấy chả chở hàng giao trên Hà Nội rồi vòng về mà vẫn kịp họp Uỷ ban, đi cơ sở...
Lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng đủ kiểu, trụ sở UBND xã tỷ phú lại đơn sơ đến mức bất ngờ. Trên khoảng đất rộng trên 500m2 là ngôi nhà 2 tầng xây vuông góc với một nhà mái bằng. Nhìn kiểu dáng, tường vôi, gạch lát nền có thể thấy dễ đến hơn chục năm nay, cơ ngơi Uỷ ban xã vẫn vậy. Chủ tịch Nguyễn Duy Sinh - 41 tuổi, phân bua: “Xã chúng tôi làm hàng xuất khẩu... chúng tôi phải tập chung lo cho dân trước đã, tất cả vì nhân dân”.
Những năm 90 thế kỷ trước với bình quân chỉ có 0,8 sào một đầu người cộng với sức ép về dân số và việc làm đã làm cho La Phù rơi vào cảnh nghèo khó. Trước đấy, nghề dệt the lụa không còn thị trường tiêu thụ, La Phù đành phải nhường cho Vạn Phúc rồi vừa sản xuất vừa làm đủ thứ nghề để sống như: làm miến, nấu nha, nấu kẹo, cắt rượu... Vài năm nay, sau khi kiện toàn lại tổ chức, một lớp cán bộ mới trẻ khoẻ, năng động xuất hiện, đưa La Phù chuyển hướng tập trung phát triển nghề dệt len với 5 loại sản phẩm chính là quần, áo, mũ, tất, khăn len... Cán bộ quyết tâm, dân quyết tâm, vậy là cái năng động, thông minh vốn có của cả làng được khơi dậy. Hàng bao đời nay, việc sản xuất hình thành, lớn là doanh nghiệp, vừa là tổ nhóm, nhỏ là chủ hộ đứng ra đảm nhận vai trò ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ dân mua sắm công cụ sản xuất. Một số chủ cơ sở lớn còn nhập luôn các loại máy móc sản xuất, các linh kiện phụ trợ như máy làm chìa khoá, máy sản xuất bao bì... Thiếu vốn, Uỷ ban nhân dân xã đứng ra làm thế chấp với các tổ chức tín dụng. Tại xã, cũng thành lập Quĩ tín dụng nhân dân do chủ tịch xã làm chủ tịch HĐQT. Mỗi năm, quỹ tín dụng xã cho dân vay tới 7 - 8 tỷ đồng bằng phương thức nhanh gọn. Tổng cộng một năm, dân La Phù vay 170 tỷ đồng Việt Nam từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác để cho sản xuất, nhưng chưa có một ai để món vay nào quá hạn.
Đến nay, La Phù đã có 12 Công ty TNHH có giá trị hàng hóa xuất khẩu từ 10 đến 20 tỷ đồng. Điển hình là các Công ty TNHH Minh Phương, Đông Đô, Vĩnh Thịnh, Công Vinh, Đức Cường,...Bên cạnh các công ty TNHH là hàng trăm tổ hợp, hộ gia đình có vốn sản xuất lớn như cơ sở sản xuất tất: Ông Nguyễn Viết Phú, Nguyễn Viết Lý, Ngô Văn Thiệu..., mỗi cơ sở có từ 30 - 40 chiếc máy dệt tất Hàn Quốc. Trong làng có khoảng 12.000 máy móc, thiết bị hiện đại, như máy dệt, máy thuê vi tính. Một sự phân công lao động dựa trên cơ sở quan hệ xóm giềng, họ hàng, tình cảm ngày càng gắn quyện lâu dài. Chính các yếu tố đó đã cuốn hút cả làng vào công việc và thu hút một lực lượng lao động dồi dào ở các xã của các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai. Có những xã như Tân Hoà, Cộng Hoà (Quốc Oai) có trên 70% số hộ gia đình sắm máy dệt làm gia công quanh năm cho La Phù.
Năm 2002 của La Phù, trừ số lao động là người của địa phương, La Phù tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 người dân ngoài xã, góp phần xoá đói giảm nghèo cho xã bạn (trong đó, lao động đến làm trực tiếp là 7.000, lao động làm vệ tinh là 8.000 lao động); mức lương từ 400 nghìn đồng đến 1.500 đồng/người/tháng.
Sản phẩm La Phù đã đến với thị trường các nước Nga, Italia, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ,... Nguyên liệu cung cấp cho La Phù chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, khoảng từ 4.000 - 5.000 tấn len/năm đến sản xuất gần 30 triệu sản phẩm xuất khẩu. Một năm, La Phù “tiêu” hết 4 tỷ tiền điện cùng 3 tỷ tiền cước phí điện thoại.
Năm 2002, giá trị sản xuất hàng hoá của La Phù đạt gần 300 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp chỉ chiếm 8%. Phần sản xuất nông nghiệp, dân La Phù thuê người xã bạn đến làm rồi trả công. Song song với việc sản xuất hàng hoá, hàng năm, xã mời trường Đại học Kinh tế Quốc Dân về mở lớp bồi dưỡng cho hai chục “chủ cơ sở” tại làng.
Nhờ sự phát triển của nghề, năm 2001, UBND tỉnh Hà Tây đã cấp bằng công nhận “Làng nghề dệt may và chế biến nông sản thực phẩm La Phù”. Dịp tiết năm 2002, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã về chúc tết bà con nhân dân La Phù. Quá nửa số tỉnh thành trong cả nước đã lập đoàn cán bộ về La Phù học tập kinh nghiệm. Thế nhưng, La Phù vẫn không vì thế mà khoa trương hình thức. Và chính người dân La Phù, từ trẻ đến già đều tham công tiếc việc, vẫn khiêm tốn học hỏi và quyết tâm phát triển làng nghề ngày một giàu có.
Làng Tỷ phú
TCCT
Làng cũng là xã La Phù, có 11 xóm, 1850 hộ dân, 8.300 nhân khẩu, nằm ở phía Nam huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. ở Hà Tây xưa có câu: “Bảy làng La, ba làng Mỗ” với nghề dệt the lụa từng nức tiếng chốn kin