Nhằm lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Hành động vì an toàn thực phẩm” đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Lào Cai đã phối hợp với Tạp chí Công Thương - đơn vị thực hiện Chương trình tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tới các cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý và người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đại diện Sở Công Thương Lào Cai chia sẻ, với đặc thù là địa bàn vùng cao, di chuyển khó khăn, để thực hiện công tác thu thập chữ ký cũng như tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, Sở đã trực tiếp đi xuống các chợ vùng cao vận động, kêu gọi bà con ký tên trực tiếp hưởng ứng Chương trình. Đồng thời, trang bị cho đồng bào dân tộc thiểu số những kiến thức cơ bản để nâng cao ý thức phòng tránh ngộ độc bằng cách không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đông đảo tiểu thương tại các chợ vùng cao tỉnh Lào Cai ký tên "Hành động vì an toàn thực phẩm"Sau thời gian đầu vận động, gần 500 tiểu thương đang kinh doanh trong các chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ký tên hưởng ứng Chương trình “Hành động Vì an toàn thực phẩm” như: chợ Bắc Hà, chợ Simacai, chợ Kim Tân, chợ Bản Vược, chợ Y Tý, chợ xã bản Xèo, chợ thị trấn Bát Xát...
Chợ phiên Bắc Hà nằm ngay trung tâm thị trấn huyện Bắc Hà. Đây là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con dân tộc thiểu số từ khắp các bản làng xung quanh kéo về. Hàng hóa được bày bán tại chợ chủ yếu là rau, củ, đồ khô, thịt, cá và các đặc sản đặc trưng của tỉnh... Đây là chợ trọng điểm, chợ đầu mối cung cấp nông sản cho toàn huyện và là điểm nhấn phát triển thương mại, kinh tế của huyện Bắc Hà. Để vận động, thu thập chữ ký của các tiểu thương tại chợ, Sở đã phối kết hợp với Ban quản lý chợ thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa đồng thời phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, phát tờ rơi đến tay từng tiểu thương.
“Chợ phiên Bắc Hà diễn ra vào chủ nhật mỗi tuần, nơi đây quy tụ đông đảo bà con dân tộc thiểu số. Việc thu thập chữ ký của tiểu thương buôn bán tại đây vô cùng khó khăn, bởi số lượng tiểu thương không ổn định, thay đổi theo từng ngày, thậm chí từng giờ. Đặc biệt là trình độ dân trí thấp, nên việc nhận thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của bà con còn nhiều bất cập.
Do vậy, để hưởng ứng Chương trình cũng như đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, Ban quản lý chợ thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, nâng cao tỷ lệ xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, công khai, minh bạch trong công tác xử phạt”, ông Phạm Xuân Thanh, đại diện Ban quản lý chợ Bắc Hà cho biết.
Không chỉ vậy, chợ Sapa, chợ Simacai, chợ Y Tý... còn là những địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai. Nơi đây thu hút một lượng khách du lịch khổng lồ, do vậy, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ này luôn được Sở Công Thương tỉnh và lực lượng chức năng chú trọng đặc biệt.
Hệ thống chợ tại Lào Cai với nhiều đặc sản nổi tiếng thu hút nhiều du khách, do vậy, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được các lực lượng chức năng trú trọng“Tại các điểm chợ du lịch, để công tác an toàn vệ sinh được đảm bảo, trong thời gian tới, Ban quản lý chợ sẽ phối kết hợp cùng các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn đến bà con vùng cao; chỉ dẫn các địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn chất lượng; công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để kịp thời cảnh báo người dân; tránh các trường hợp ngộ độc thực phẩm và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng...”, đại diện Ban quản lý chợ Sapa chia sẻ.
Song song với việc lấy chữ ký từ tiểu thương các chợ, Sở Công Thương tỉnh cũng đã vận động cán bộ, nhân viên, người lao động đang công tác tại Sở ký tên hưởng ứng Chương trình. Sau thời gian đầu phát động và thu thập chữ ký, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã gửi về Ban tổ chức gần 500 chữ ký và con số này chưa phải là kết quả cuối cùng. “Trong thời gian tới, Sở sẽ phối kết hợp, chỉ đạo các Ban, ngành liên quan để tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia ký tên trực tiếp nhiều hơn nữa để hưởng ứng Chương trình”, đại diện Sở Công Thương Lào Cai nhấn mạnh.
Đặc biệt, sau khi ký trực tiếp, nhiều cán bộ công nhân viên còn tham gia ký tên trực tuyến trên Website www.antoanthucphamhd.vn và Fanpage Hành động vì an toàn thực phẩm. Và cũng không ít cán bộ, công nhân viên đã chia sẻ thông tin về Chương trình kêu gọi nhiều chữ ký hơn nữa để hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này.
Triển khai từ tháng 12/2017, Chương trình “Hành động Vì an toàn thực phẩm” với Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm” do Tạp chí Công Thương tổ chức đã thu hút được đông đảo sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của cộng đồng.
Trong năm 2018, Chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức với nhiều sự kiện có quy mô toàn quốc như Tọa đàm “Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn”, Lễ công bố “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm”… nhằm lan tỏa rộng rãi hơn nữa thông điệp “Hành động Vì an toàn thực phẩm”.
Tham gia ký tên vì an toàn thực phẩm ngay tại Website www.antoanthucphamhd.vn và Fanpage Hành động vì an toàn thực phẩm hoặc ký tên trực tiếp và gửi về cho Ban Tổ chức Chương trình - Tạp chí Công Thương tại Tầng 8, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm gần đây liên tục nhận được danh sách chữ ký từ nhiều Sở Công Thương, doanh nghiệp và tiểu thương trên cả nước và hiện vẫn tiếp tục kêu gọi chữ ký theo nhiều hình thức ký tên trực tiếp và trực tuyến.
Dự kiến Lễ Công bố "Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm" sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7/2018 tại phố đi bộ Hồ Gươm - Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp, nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng và hàng nghìn người dân Thủ đô.