Trước đó, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc tại Quảng Ninh, Lạng Sơn và có buổi hội đàm với Sở Công Thương Quảng Tây (Trung Quốc) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết lưu thông hàng hóa
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kể từ đầu tháng 12 tới nay đã phát sinh tình trạng ùn tắc hàng hóa ở khu vực các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến tình hình này nên đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới vào cuộc để xử lý tình hình.
Gần đây nhất, chiều ngày 26/12/2021, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh biên giới và các tỉnh sản xuất nông sản lớn để bàn các giải pháp giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý phía Trung Quốc đã và vẫn sẽ còn xiết chặt các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, do đó giải pháp quan trọng vẫn là tăng cường hội đàm với phía các cơ quan chức năng của Trung Quốc.
Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và đoàn công tác Bộ Công Thương đã trực tiếp thị sát tình hình thông quan hàng hoá tại cửa khẩu. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đặc biệt quan tâm đến những giải pháp linh hoạt tại chỗ nhằm bảo đảm giải toả ách tắc các luồng hàng hoá qua cửa khẩu.
Báo cáo tại cuộc họp với đoàn công tác Bộ Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai Hoàng Chí Hiền cho biết, thời gian qua, khác với cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, tại các cửa khẩu Lào Cai, hàng hoá nông sản không bị ùn ứ, tuy nhiên hàng hoá nhập khẩu (nguyên nhiên liệu, rau củ quả) lại ùn ứ ách tắc bên Hà Khẩu, Trung Quốc là rất lớn, có thời điểm lên đến trên 2.000 xe.
Cũng theo ông Hiền, trong tháng 12/2021, phía Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động thông quan tại cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc) 3 lần, trong đó: lần 1 từ ngày 4-7/12 (để phun khử khuẩn và rà soát lại công tác phòng chống dịch); lần 2 từ 12-15/12 (để tiếp tục phun khử khuẩn và rà soát lại công tác phòng chống dịch); lần 3 từ 27-28/12 (do đội lái xe trung chuyển qua cửa khẩu của phía Trung Quốc phải đi xét nghiệm Covid-19 và chờ kết quả).
Trước tình hình đó, Lào Cai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết lưu thông hàng hóa của các địa phương. Tỉnh đặc biệt quan tâm và thường xuyên thông tin đến các tỉnh, thành phố có vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lào Cai về tình hình hoạt động thông quan tại các cửa khẩu; các phương án quản lý người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai; tình hình triển khai một số biện pháp về quản lý hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa của phía Trung Quốc.
Công tác giao thiệp các cấp với phía Trung Quốc như hội đàm trực tuyến, gặp nhau trên cầu, trao đổi văn thư với 30 công điện đều được Lào Cai quan tâm tiến hành.
Cùng đó kịp thời cập nhật, điều chỉnh Phương án quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành); cửa khẩu Ga đường sắt Lào Cai trong giai đoạn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới (trong đó thành lập Tổ điều tiết và quy trình quản lý, điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu; người ra vào khu vực cửa khẩu nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch). -
Thông tin, tuyên truyền kịp thời phương án quản lý người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu sản xuất từ các địa phương đang có dịch đến cửa khẩu Lào Cai và đến các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng; tăng cường phối hợp thực hiện các giải pháp nâng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ lưu thông hàng hóa XNK qua cửa khẩu, phục vụ sản xuất tại các khu công nghiệp.
“Thực hiện điều chỉnh giảm mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cửa khẩu nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai (đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản)”- Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết.
Vừa qua, trước tình hình ùn tắc hàng loạt tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, để góp phần “chia lửa”, Sở Công Thương Lào Cai đã chủ động, thường xuyên trao đổi với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lạng Sơn để kết nối, thông báo cho các doanh nghiệp đưa mặt hàng tinh bột sắn sang thông quan tại cửa khẩu Lào Cai để giảm tải bớt cho các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn (do mặt hàng tinh bột sắn dung thông quan tại cửa khẩu Kim Thành khá thuận lợi).
Đối với các mặt hàng trái cây tươi, tỉnh Lào Cai cũng rất muốn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm giảm tải cho cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và tuy nhiên đến thời điểm hiện tại phía Trung Quốc vẫn chưa cho thông quan trở lại các mặt hàng này qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã nhiều lần trao đổi, hội đàm về vấn đề này.
“Hiện Sở Công Thương Lào Cai vẫn đang tích cực kết nối chặt chẽ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ”- Giám đốc Hoàng Chí Hiền cho biết.
Tuy nhiên ông Hiền cũng thắng thắn thông tin, phía Trung Quốc vẫn hạn chế thông tin qua các kênh chính thống. Các thông tin tỉnh có được nhiều khi là do nắm qua thực tiễn trao đổi của các doanh nghiệp
Triển khai mô hình "cửa khẩu an toàn" - "cửa khẩu xanh"
Báo cáo với đoàn công tác Bộ Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết: Trước mắt, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 đồng thời có những rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Đặc biệt là cho phép tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh có cửa khẩu biên giới nói chung triển khai mô hình "cửa khẩu an toàn" - "cửa khẩu xanh" tạo ra vùng đệm an toàn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Mô hình "cửa khẩu an toàn", điều này sẽ tạo sự yên tâm từ phía Trung Quốc về công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam (nhất là trong khu vực cửa khẩu).
Để phần nào giảm bớt ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (nhất là đối với hoạt động xuất khẩu các loại nông sản, thủy sản),
“UBND tỉnh Lào Cai đã giao các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp về việc quản lý khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành là “vùng xanh không Covid-19”; nghiên cứu thiết lập “vùng đệm” để xử lý phòng, chống dịch đối với phương tiện, lái xe và người ra vào khu vực của khẩu đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Theo đó phạm vi xác định theo Nghị quyết 30/NQ-CP về việc xác định phạm vi ranh giới khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành”- ông Hoàng Chí Hiền.
Đồng thời, tăng cường công tác cung cấp thông tin về dịch bệnh, tình hình thị trường nông sản của phía Trung Quốc để kịp thời khuyến cáo các thương nhân xuất khẩu nông sản và các vùng trồng nông sản chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tránh tình trạng một số thời điểm xảy ra hiện tượng ùn ứ, ách tắc cục bộ hàng hóa tại cửa khẩu như trong thời gian vừa qua.
Tăng cường trao đổi với các Bộ, ngành, địa phương phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động nhập khẩu các loại hàng hóa (đặc biệt là đối với hàng nông sản) của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, trong đó khôi phục lại hoạt động nhập khẩu mặt hàng trái cây tươi qua cửa khẩu Kim Thành.
Liên quan đến giải pháp dài hạn, tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (bổ sung các mặt hàng sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, khoai lang tím,...) trong đó quan tâm đối với mặt hàng thảo quả, quả dứa và củ sắn tươi của tỉnh Lào Cai.
Tăng cường trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản của Việt Nam để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; thống nhất quy trình xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chuẩn hóa các quy trình sản xuất, đóng gói nông sản xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Lào Cai nêu đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm có chính sách, cơ chế hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp đặc biệt là thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sâu các loại nông sản nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, “chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới; tăng cường phân bổ nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt, các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan,... thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống hạ tầng áp dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử qua biên giới”- báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai nêu.
Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục nắm thông tin và kịp thời phối hợp với các địa phương có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để cung cấp thông tin, thường xuyên cập nhật về các quy định, yêu cầu của phía Trung Quốc đổi với hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới đường bộ.