Lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
cao tốc đồng đăng - trà lĩnh
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1749/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

Quyết định nêu rõ: Thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT), gồm các thành viên sau:

  1. Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  2. Phó Chủ tịch Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  3. Các ủy viên Hội đồng:

- Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, Cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Hội đồng thẩm định liên ngành cần đưa ra ý kiến nhận xét cụ thể đối với từng nội dung thẩm định và có kiến nghị rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ.

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1 nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tăng tính kết nối liên vùng, tạo lập không gian phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phấn đấu oàn thành mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) có tổng chiều dài khoảng 93,35km đi qua địa bàn các huyện: Văn Lãng, Tràng Định (Lạng Sơn); huyện Thạch An, Quảng Hòa (Cao Bằng).

Sau khi hoàn thành, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn để Cao Bằng phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực.

Đồng thời, dự án còn tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Mong muốn của người dân cũng là kỳ vọng của các doanh nghiệp đang đầu tư tại Cao Bằng, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics. Hiện hàng hóa từ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam đến Cao Bằng chủ yếu qua Lạng Sơn theo Quốc lộ 4 hoặc từ Thái Nguyên, Bắc Kạn theo quốc lộ 3. Tuy vậy, cả hai tuyến đều khá hẹp, nhiều đèo dốc nguy hiểm dẫn tới thời gian và chi phí vận tải tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dù có tới hơn 330km đường biên, nhiều cặp cửa khẩu, lối mở nhưng kinh tế biên mậu Cao Bằng chưa thể phát triển.

 

Thanh An