Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg – KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, ngay sáng nay (18/7), liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp đã đồng tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường của 19 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch,
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị.
Thị trường tương đối ổn định, thiếu hàng chỉ xảy ra ở vài nơi
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, giá hàng hóa trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống.
Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Riêng tại hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.
Cũng theo Vụ trưởng Trần Duy Đông, trong những ngày qua, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam có biến động, tăng nhẹ. Nguyên nhân là do thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển từ vùng trồng về các điểm bán hàng tăng đáng kể khi qua nhiều chốt kiểm dịch liên tỉnh, chưa kể giá xăng tăng, tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. Thêm vào đó, chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục, chi phí giấy xét nghiệm Covid-19 cho mỗi lần ra vào thành phố….
Nắm bắt tình hình, ngay lập tức, Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố phía Nam đã tăng cường, phân bổ 100% lực lượng trực chiến, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường. Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá, găm hàng, trục lợi từ đại dịch Covid-19. Theo báo cáo nhanh của Cục QLTT các tỉnh, thành phố phía Nam, tính đến trưa ngày 17/7, tình hình thị trường ổn định, hàng hóa cơ bản đáp ứng được sức mua của người dân.
Ngoài ra, bộ phận công tác phía Nam của Tổng cục QLTT cũng công khai danh sách số điện thoại đường dây nóng tại 23 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam để tiếp nhận tố giác hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. Thống kê của lực lượng QLTT cho biết, từ ngày 31/1/2020 đến nay, số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng QLTT là 9.776 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 6,81 tỷ đồng.
Đề nghị cho mở lại các chợ đầu mối, truyền thống
Tại cuộc họp trực tuyến, từ các điểm cầu địa phương, đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục QLTT tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang… đã báo cáo cụ thể tình hình thị trường của từng địa phương.
Cụ thể, chia sẻ về tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, hàng hóa qua chợ đầu mối 70% không dùng cho TP. Hồ Chí Minh mà dùng cho các tỉnh thành trong vùng nên các chợ đầu mối có giá trị liên vùng. Năng lực chợ truyền thống chỉ đáp ứng 40-50% sức mua hàng tươi sống của TP, còn lại là các cửa hàng tiện ích, tiện lợi.
“Chúng tôi rất cần bảo vệ các vùng sản xuất, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên 35.000đ/kg”, lãnh đạo Sở Công Thương TP thông tin, và kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.
Đối với vấn đề nguồn cung, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh đã lên kế hoạch, thống kê sản lượng các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện có trên địa bàn. Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết.
Trong khi đó, khâu vận chuyển hàng hóa của các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, An Giang hiện đang bị “nghẽn”, do vậy, các tỉnh này kiến nghị ngành Y tế tháo gỡ các khó khăn trong việc kiểm soát giấy xét nghiệm Covid-19 cũng như kiến nghị Chính phủ phân bổ Vaccine để tháo gỡ vướng mắc trong việc đứt gãy lao động thương mại.
Ngay tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã trao đổi, phản hồi ngay vướng mắc, khó khăn của các tỉnh, thành phố. Đối với kiến nghị tháo gỡ nút thắt trong khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa của các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, An Giang… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, các địa phương cần làm rõ những vướng mắc của từng tỉnh.
“Khâu thu hoạch khó ở đâu trong lúc giãn cách thế này, nếu khó có thể đề nghị Bộ Quốc phòng tham gia hoặc đề nghị các địa phương hỗ trợ lẫn nhau. Ở khâu vận chuyển có khó khăn gì, phân phối có khó khăn gì, chúng ta cần làm rõ để tháo gỡ vướng mắc một cách khoa học, cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Về kiến nghị không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn. “Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất gay go”, Bộ trưởng lo lắng và cho rằng, “Mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống sẽ điều kiện tiên quyết trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng nguồn cung. Tuy nhiên, mở lại chợ đầu mỗi sẽ phải kèm theo những điều kiện. Phòng chống dịch ở chợ thuận lợi hơn siêu thị nếu áp dụng biện pháp 5K, khử khuẩn thường xuyên, tiêm vacxin và xét nghiệm cho tiểu thương”.
Các cơ quan báo chí chia sẻ với Chính phủ, với Bộ, ngành
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch bệnh đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của TP . Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam, làm ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động, do vậy, chúng ta cần nêu cao tinh thần phòng, chống dịch trong bối cảnh đặc biệt hiện nay.
Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các phóng viên báo chí xác định đây là tình huống “không bình thường”, nên việc một vài nơi thiếu hàng, giá có thể tăng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền thông nên chia sẻ với Chính phủ, Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chúng ta phản ánh tình hình khách quan thay vì chỉ nêu ra những điểm chưa tốt, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Đề nghị TP.Hồ Chí Minh xác định rõ nhu cầu tiêu thụ
Lắng nghe những ý kiến từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cần nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về hai Bộ là Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng nhau tháo gỡ.
"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP. Hồ Chí Minh về việc cung ứng lương thực nhưng TP cũng phải làm rõ nhu cầu của mình, vì có thể doanh nghiệp có nhu cầu cung ứng chưa xác định được nhu cầu của từng địa điểm”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn hiện cung ứng hàng hóa cho người dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, các địa phương cập nhật thông tin nhanh nhất có thể, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát trực tiếp các vùng nguyên liệu để nắm thông tin.
Vào cuộc tổng lực không để đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, diễn biến dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hiện đang rất phức tạp và nghiêm trọng. Dự báo trong những ngày tới còn phức tạp hơn. Việc cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống cho nhân dân TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh phía Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Lần cách ly theo Chỉ thị 16 này không phải là lần đầu tiên, tuy nhiên, phải xác định tính chất hoàn toàn khác so với lần cách ly trước. Dịch có thể bùng phát mạnh hơn, việc lưu thông sẽ khó khăn hơn, có thể đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu như lương thực thực phẩm, thuốc men.
“Trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu”, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, "hai ngành Công Thương - Nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hai ngành Công Thương - Nông nghiệp cần đoàn kết, phối hợp để thực hiện 6 nhiệm vụ chung:
Thứ nhất, khẩn trương đánh giá tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ.
Các địa phương phải thống kê ra được cái gì mình thiếu, cái gì mình có, cái gì cần mua bán. Xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất, vai trò Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Thứ hai, chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước để kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, muốn kết nối được phải nắm rõ đầu mối giao nhận, nhu cầu của địa phương từ khâu thu hoạch, vận chuyển, phân phối. Đồng thời, khuyến cáo địa phương kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối kèm trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, các giữa vùng với cả nước. Đồng thời, điều tiết hàng hóa hợp lý từ những nơi dồi dào đến những nơi thiếu hụt một cách kịp thời. Cái gì cần bán cần kết nối với nơi cần mua và ngược lại. Có như vậy mới giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ.
Thứ tư, đối với những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa, cần báo cáo ngay về Tổ công tác Tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.
Thứ năm, lực lượng QLTT của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong hôm nay (18/7), Tổng cục QLTT phải tăng cường lực lượng cho miền Nam, phải kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Phải cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng…
Thứ sáu, các địa phương và Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ cần phối hợp truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, thời xuyên, trao đổi, phản ánh để nắm được những chỉ đạo từ hai Bộ. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh: "chế độ thông tin phải duy trì hàng ngày, tuyệt đối không để xảy ra sự cố truyền thông”.