Ngày 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón dành cho các nhà Lãnh đạo APEC do Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill chủ trì với những nghi thức trang trọng và truyền thống.
Sau đó, Thủ tướng dự 2 cuộc đối thoại quan trọng tại APEC 2018 là Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC và Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tại cuộc Đối thoại Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), các thành viên ABAC, đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương đã đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, kết nối, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bao trùm, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020…
Các nhà lãnh đạo APEC hoan nghênh khuyến nghị và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển thịnh vượng của khu vực, khẳng định sẽ xem xét các đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng định hướng hợp tác của APEC cũng như trong chính sách phát triển của từng nền kinh tế.
Sau phiên Đối thoại toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Australia và Trưởng đoàn Đài Bắc – Trung Hoa đồng chủ trì phiên trao đổi với các doanh nghiệp ABAC. Các doanh nghiệp đã nêu những quan tâm cụ thể về thương mại tự do và mở, kinh tế số và kinh tế mạng, tăng trưởng bền vững, bao trùm, chia sẻ đồng đều lợi ích của tự do hóa thương mại cho mọi người dân. Nhiều thành viên ABAC đã chúc mừng Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định đây là cơ hội to lớn để các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao.
CPTPP đem lại nhiều lợi ích to lớn về chiến lược và kinh tế đối với các thành viên, trong đó có Việt Nam. Nổi bật là tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, mở rộng không gian liên kết kinh tế và phát triển, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Là FTA thế hệ mới đầu tiên được thực hiện, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam, nhất là về áp lực cạnh tranh quyết liệt ngay tại thị trường trong nước, yêu cầu phải xử lý nhiều vấn đề mới, gia tăng khả năng dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế thế giới và khu vực cũng như các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, chênh lệch khoảng cách phát triển, mất việc làm…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với việc phê chuẩn CPTPP, hướng tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với gần 60 đối tác, chiếm 61% GDP và 68% tổng thương mại toàn cầu, liên kết kinh tế của Việt Nam thực sự chuyển sang giai đoạn mới, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Trong trao đổi với các doanh nghiệp về sự chuẩn bị của Việt Nam cho phát triển kinh tế số, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang tích cực chuẩn bị hạ tầng cho kinh tế số, cụ thể là xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng Chính phủ điện tử, các thành phố thông minh...
Về pháp lý, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số. Chia sẻ những cơ hội và thách thức đặt ra với Việt Nam trong nền kinh tế số, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và ABAC tích cực đóng góp về chính sách, tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, phục vụ lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp.
Sau các cuộc trao đổi hết sức thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp khu vực, Thủ tướng đã tham dự Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Kiribati, Cộng hòa các đảo Marshall, Nauru, New Caledonia, Niue, Fiji, French Polynesia, Tonga, Tuvalu, Vanuatu, Samoa và các đảo Solomon.
Với chủ đề “Quan hệ đối tác vì một tương lai số bao trùm”, Đối thoại tập trung trao đổi về phối hợp giữa APEC với các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, phối hợp về các vấn đề số và ứng phó với các thách thức chung, nhất là biến đổi khí hậu, hướng tới khu vực số bao trùm và bền vững.