Công ty Cổ phần Mía Đường Lam Sơn (mã cổ phiếu LSS - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2024 - 2025 (1/7/2024 – 30/6/2025). Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 11/10.
Theo đó, Mía Đường Lam Sơn lập kế hoạch kinh doanh niên độ 2024 - 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng và lãi trước thuế 145 tỷ đồng, đi ngang so với niên độ trước.
Về sản lượng, công ty đặt mục tiêu đạt trên 700.000 tấn mía nguyên liệu và chất lượng mía tăng 5% so với niên độ trước. Đồng thời, công ty cho biết sẽ căn cứ vào năng lực và tình hình thực tế để cân đối sản lượng đường thô nhập khẩu phù hợp vào chế luyện.
Mía Đường Lam Sơn đặt mục tiêu sản lượng đường sản xuất các loại đạt 126.400 tấn và sản lượng tiêu thụ đạt 115.000 tấn trong niên độ tài chính 2024 - 2025.
Đánh giá về triển vọng giá đường trong thời gian tới, một số tổ chức tài chính nhận định giá đường đang có xu hướng giảm dần sau đà phục hồi kéo dài từ năm 2021 đến nay. Động lực tăng của giá đường thời gian qua đến từ sự phục hồi của thị trường toàn cầu cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), bình quân giá đường trong nước năm 2021 đạt 15.000 đồng/kg, tăng lên gần 23.000 đồng/kg vào cuối năm 2023, nhưng tính đến cuối tháng 8/2024, đã giảm về mức 21.000 đồng/kg.
Cũng theo số liệu của VSSA, tính đến tháng 8/2024, nguồn cung đường trong nước đã bằng mức tổng cung cả năm 2023 là 1,3 triệu tấn. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA, cho biết giá trong nước sẽ còn lệ thuộc vào thị trường thế giới.
“Giá đường thế giới lệ thuộc nhiều vào các nước lớn trong đó có Thái Lan. Trong khi đó, đường nhập lậu vào Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với đường Thái Lan. Hiện tại, xu hướng giá đường thế giới và trong nước đang giảm. Do đó, nếu không gì thay đổi, giá sẽ còn giảm trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Chủ tịch VSSA cũng cảnh báo đây sẽ là thách thức rất lớn cho toàn ngành bởi nếu giá giảm, các nhà máy sẽ rất khó giữ giá mía tốt như hiện tại và có thể khiến nông dân thu hẹp diện tích trồng như những gì đã xảy ra trong chu kỳ cũ.
Nhằm chuẩn bị cho kịch bản giá đường giảm trở lại, trong niên độ 2024 - 2025, Mía Đường Lam Sơn sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy đường Organic bằng cách đầu tư vào hệ thống thiết bị và công nghệ, quản lý chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động; đồng thời tăng đầu tư vào Nhà máy Lavina nhằm đa dạng hóa tệp sản phẩm cạnh đường và sau đường.
Ngoài ra, Mía Đường Lam Sơn cũng sẽ tập trung giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất giai đoạn 1 tại Dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Lam; hoàn thiện các công việc cần thiết để từng bước hoàn thiện dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm Lam Sơn, Thiệu Hóa và dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Mía Đường Lam Sơn dự kiến trả cổ tức niên độ 2023 - 2024 với tỷ lệ 12%, gồm 5% tiền mặt và 7% cổ phiếu, tương ứng với cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20.000 đồng cổ tức và 7 cổ phiếu mới. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu vào quý 1 - quý 2/2025.
Trong niên độ 2023 – 2024, Mía Đường Sơn La ghi nhận doanh thu đạt 2.692 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 143,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 49% và 262% so với kết quả đạt được trong niên độ trước. Qua đó, hoàn thành 122% kế hoạch doanh thu và 136% kế hoạch lãi cả năm nay.