Loạn hàng giả - giật mình vì những thủ đoạn tinh vi

Có tới 50% đồ kỹ thuật số, 60% số phụ tùng ô tô, 72% đồ may mặc, giầy dép, túi xách mang nhãn hiệu nổi tiếng, 71% đĩa DVD, thẻ nhớ... là hàng giả lưu thông công khai tại Việt Nam. Trong 10 năm gần đây

Tăng về số lượng và phức tạp về tính chất
Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WITO) và Interpol, tội phạm lớn nhất của thế kỷ 21 là tội phạm làm hàng giả. Sản xuất hàng giả đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự với quy mô lớn, tác động tới tất cả các ngành công nghiệp khác nhau. Việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi khác xâm phạm quyền SHTT ngày càng diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó kiểm soát, quản lý. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) và nhà sản xuất chân chính mà còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả được tổ chức tai jHà Nội đầu tháng 9 vừa qua đã nhận định, diễn biến tình hình vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT 10 năm qua tăng, giảm không ổn định và có xu hướng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Hàng giả xuất hiện trên thị trường đủ mọi chủng loại từ cao cấp đắt tiền đến các mặt hàng chuyên dụng như thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, thực phẩm... Thành phần và đối tượng ngày càng mở rộng bao gồm các cá thể hoạt động nhỏ lẻ phân tán, thiếu hiểu biết về pháp luật, có trình độ chuyên môn cao, hoạt động có tổ chức. Loại hình hàng giả, xâm phạm SHTT cũng vô cùng đa dạng, trước đây chủ yếu là hàng nội giả hàng nội, hàng nội giả hàng ngoại sản xuất trong nước, hiện nay hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội được sản xuất từ nước ngoài sau đó nhập vào Việt Nam theo chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu. Các loại hàng giả, bao bì giả làm từ trong và ngoài nước, các hành vi xâm phạm quyền SHCN như nhái nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp nổi tiếng, có uy tín trong và ngoài nước... gia tăng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và quá trình hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.
Hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm SHTT xảy ra trên nhiều lĩnh vực và thường phát triển mạnh vào những dịp lễ, tết cuối năm. Hàng giả chủ yếu xuất xứ từ nước ngoài, còn ở trong nước, các đối tượng vi phạm thường chỉ thuê nhà ở những nơi hẻo lánh, hẻm cụt, khu vực mới phát triển đô thị để ở và sản xuất hàng giả, hoặc chỉ thuê trong một thời gian ngắn rồi đổi địa điểm khác, nhằm tránh bị người dân khu vực xung quanh phát hiện.
Thời gian gần đây, việc sản xuất hàng giả đã có sự phân công chặt chẽ, có đối tượng chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả, kể cả các loại tem phản quang chống giả, sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất thành phẩm. Phương thức vận chuyển, giao nhận, mua bán hàng giả xâm phạm SHTT cũng rất tinh vi, tùy từng chủng loại hàng hóa mà đối tượng vi phạm chọn phương thức vận chuyển phù hợp cả bằng đường không, đường bộ, đường thủy, chuyển fax nhanh...
Thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó kiểm soát
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải Quan - thủ đoạn phổ biến hiện nay là đối tượng đặt hàng và sản xuất tại nước ngoài, sau đó đưa vào Việt Nam để tiêu thụ, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn; đồng thời sử dụng các hình thức gian lận trong khai báo tên hàng, xuất xứ, phẩm chất, số lượng, để lẫn hàng thật - hàng giả, hàng mới, hàng đã qua sử dụng để trốn tránh hoặc gây khó khăn cho công tác kiểm soát của cơ quan Hải Quan. Từ năm 2007 - 2009, Hải Quan đã tịch thu, buộc tiêu hủy 6.962 lọ mỹ phẩm giả, 2.484 lọ thuốc tân dược, 9.624 chai rượu các loại, 2.525 chiếc xăm xe máy giả nhãn hiệu Sao Vàng, 104.410 bao thuốc lá giả nhãn hiệu Vinataba, 28.656 kg phụ kiện điện thoại di động, hơn 1.500 điện thoại di động giả nhãn hiệu Nokia, 5.875 kg mỳ chính đóng gói các loại, 3.940 chai dầu nhớt giả nhãn hiệu Vistra, Castrol và Honda,... bắt giữ và chuyển hồ sơ xử lý hình sự cho cơ quan Công an 01 vụ việc nhập khẩu 70 tấn phân bón DAP giả, buộc tái xuất 600 tấn phân bón Kali Clorua. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm 11,8 tỷ đồng.
Một thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm SHTT phổ biến nữa là cạo sửa hạn sử dụng trên bao bì hàng hóa, điển hình là vụ Công ty Vinafood có trên 57 tấn thịt, xúc xích gà nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Canada trị giá trên 2 tỷ đồng, sử dụng nhãn có chữ nước ngoài dán đè lên nhãn gốc chữ nước ngoài nhằm kéo dài hạn sử dụng;
Thủ đoạn dùng hàng kém chất lượng hoặc các nguyên liệu rẻ tiền khác pha trộn với một lượng hàng thật theo tỷ lệ xác định; hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu cũng rất đa dạng như vụ đóng gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto với công thức dùng bột ngọt Saji của Công ty Vedan Việt Nam trộn với đường cát Mimosa của Công ty đường Bourbon Tây Ninh; Công ty CP tân dược Việt - Pháp dùng thủ đoạn mua thuốc nội về tháo nhãn mác, rồi dập vỉ mới, in hộp giả... "lên đời" thành thuốc ngoại nhập, cung cấp cho nhiều cửa hàng thuốc tây, kể cả các trung tâm, "chợ" thuốc tây lớn, đã bị Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá, thu giữ 309.989 viên thuốc tân dược các loại, 212 kg và 1.905 bao bì, vỏ, nhãn các loại và số lượng lớn máy móc, dụng cụ sản xuất.
Ông Vương Chí Dũng - Phó Cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Hàng giả còn được "nội địa hóa" bằng phương thức nhập linh kiện bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn, mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản như giầy da các loại từ Hà Nam qua Bắc Ninh quay vào Hà Nội; kính mắt các loại từ Thái Bình; bánh kẹo, tất chân, mác nhãn các loại từ La Phù, Hoài Đức,... Hàng hóa đã có chỗ đứng trên thị trường, được đặt hàng y chang từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam như vòi tắm hoa sen hiệu Joden, Clevr, bếp ga Rinnai, Paloma; đồng hồ các hiệu, điện thoại di động, máy ảnh...., nước hoa, hóa mỹ phẩm, máy nghe nhạc MP3, MP4 hiệu Sony... Hàng giả đi qua đường nhập khẩu chính ngạch: Năm 2007, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử lý lô hàng 200 bộ thiết bị mạng tên hãng Cisco Systems của Công ty TNHH Ứng dụng và phát triển thông tin nhập khẩu có giấy tờ hải quan, song khi qua giám định hàng hóa đưa vào lưu thông, xác định đều là hàng giả sản xuất từ nước ngoài và đã bị xử lý tịch thu, tiêu hủy.
Thêm thủ đoạn mới bị phát hiện, xử lý là đối tượng dựng cửa hàng lấy tên thương hiệu nổi tiếng sau đó lừa bán cả cửa hàng và hàng hóa cho người khác như vụ đối tượng tự gắn biển đại lý mỹ phẩm LILS The BOLDY SHOP rồi mua hàng xách tay về, trưng biển hiệu lừa bán cả cửa hàng rồi lại lập cửa hàng ở chỗ khác. Thủ đoạn đăng ký tên thương mại trùng với tên nhãn hiệu đã được bảo hộ hàng hóa nổi tiếng để lừa dối người tiêu dùng như vụ Công ty TNHH cáp điện Trần Phú đặt Công ty Thiên Phú sản xuất dây điện mang tên "Trần Phú" của Công ty Cơ điện Trần Phú đã bị PC15 và QLTT tịch thu tiêu hủy 328 cuộn dây, giá trị gần 300 triệu đồng.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả được sản xuất với quy mô lớn, có tổ chức, hàng giả khá tinh vi với bao gói có mẫu mã giống hàng thật (thuốc Nativo 750 WG, Oshin 20 WP, Chess 50 WG...), có cả tem chống giả (thuốc Beam 75 WP) rất khó phân biệt, có người tiếp thị đến các đại lý, cửa hàng, giao hàng với khối lượng nhiều, có khuyến mãi (thuốc Progibb 10SP).
Gian lận về đo lường không chỉ một vài cây xăng chỉnh sai số đo, mà hầu hết các sản phẩm có số lượng lớn cũng đều giảm về số lượng, kích thước khá tinh vi, gói mỳ giảm 5 - 10 gam; gram giấy in giảm vài chục tờ; dây điện bớt lõi đồng; đáng chú ý là bồn nước i nốc được các Công ty SH, TA...gian dối dung tích, bớt xén hàng 100 lít/loại bồn 1.000 lít, ghi trên nhãn là i nốc SU-304 của Nhật Bản, qua kiểm nghiệm thực tế là thép không gỉ của Ấn Độ.
Các sản phẩm băng đĩa hình sao chép lậu, nhân bản ấn phẩm đã thành hiện tượng khá phổ biến và bày bán công khai ở các cửa hàng. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên khó kiểm soát. Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 3 năm 2006 - 2008, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các Bộ và các địa phương đã xử lý trên 19.167 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 16 tỷ đồng, tịch thu xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác.
Đang thiếu một chỉ đạo có tính thống nhất?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31/1999-CT-TTg ngày 27/10/1999, công tác kiểm tra xử lý hàng giả đã được các ngành, các lực lượng chức năng chống hàng giả như cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành chống hàng giả từ trung ương đến địa phương đều quan tâm và thực hiện ráo riết hơn.
Để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT đạt hiệu quả cao, thì sự tham gia của các doanh nghiệp có hàng hóa bị vi phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Doanh nghiệp chính là nguồn cung cấp tài liệu, chứng cứ, xác định tính hợp pháp của sản phẩm và thông tin về đối tượng vi phạm cho các cơ quan thực thi... Bên cạnh đó, cần rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực thi và các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chống hàng giả xâm phạm SHTT, hàng kém chất lượng. Đồng thời, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 127 TW nhằm chỉ đạo kịp thời và phối hợp có hiệu quả hoạt động liên ngành trong lĩnh vực chống hàng giả và xâm phạm SHTT, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, thiết lập trật tự kỷ cương.
Theo ông Vương Chí Dũng, đối tượng sản xuất hàng giả là nguy cơ lớn nhất của vấn nạn hàng giả. Điều quan trọng là chính sách và quan điểm chỉ đạo của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng về vấn đề này. "Chúng ta chống hàng giả với nhiều đầu mối, ai phát hiện việc gì làm việc nấy, doanh nghiệp đề nghị thì làm theo yêu cầu, kết quả thực thi chủ yếu là xử lý doanh nghiệp trong nước vi phạm quyền SHCN của doanh nghiệp nước ngoài. Đang thiếu một chỉ đạo có tính thống nhất về chống hàng giả, nhưng chống thế nào để cho doanh nghiệp trong nước phát triển, chống trong lĩnh vực nào và quan điểm xử lý ra sao? các cơ quan chức năng phải có nhận thức giống nhau về vấn đề này, tránh tình trạng hiện nay cùng một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, còn tồn tại việc kiểm tra và xử lý không giống nhau ở các địa phương và giữa các ngành".