Đoàn giám sát của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn HoSE).
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, qua 9 tháng, sản lượng sản xuất của công ty đạt 4,76 triệu tấn, doanh thu đạt 88.560 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Nộp ngân sách ước đạt 9.209 tỷ đồng.
Tính riêng quý 3/2024, doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn ước đạt 33.447 tỷ, giảm nhẹ khoảng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong quý 2/2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn ghi nhận sản lượng tiêu thụ của giảm 33% so với cùng kỳ và giảm 19% so với quý trước do đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy lọc dầu Dung Quất lần 5 (TA5) kéo dài 48 ngày.
Ông Bùi Ngọc Dương nhấn mạnh, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đang hoạt động ở công suất tối ưu, linh hoạt theo tình hình thị trường hiện nay, giúp tối đa hoá lợi ích kinh tế và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời, công ty đang dồn lực để triển khai Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư 1,489 tỷ USD, với mục tiêu đưa vào vận hành trong quý 1/2028.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, mức crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô với giá sản phẩm tinh chế từ dầu) tại khu vực châu Á trong năm nay có thể giảm đáng kể so với năm 2023 và duy trì ở mức thấp trong thời gian tới sẽ kìm hãm tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp lọc hoá dầu như Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Hiện mức crack spread của Lọc hóa dầu Bình Sơn đang ở dưới mức trung bình của khu vực với chỉ số Nelson Complexity Index (NCI - đo độ phức tạp của các nhà máy lọc dầu) ở mức 6,27, tương đối thấp so với các đơn vị lọc dầu khác. NCI cao hơn cho thấy khả năng tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được nâng đỡ bởi dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án này sẽ giúp tăng công suất nhà máy lên thêm khoảng 16%.
Đồng thời, sau nâng cấp, chỉ số NCI của nhà máy dự kiến sẽ tăng mạnh lên mức 8, giúp crack spread của Lọc hoá dầu Bình Sơn tiệm cận với mức trung bình của khu vực. Ngoài ra, việc nâng cấp sẽ giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn dần xoay trục từ sản xuất các sản phẩm xăng dầu truyền thống sang sản phẩm hoá dầu như propylene/polypropylene vốn có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể.
Về việc niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), cuối tháng 8 vừa qua, Lọc hoá dầu Bình Sơn thông báo đã nộp các hồ sơ cần thiết cho việc niêm yết trên HoSE.
Ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch niêm yết cổ phiếu BSR trên HoSE ngay trong năm nay sau thời gian dài bị trì hoãn. Theo đánh giá sơ bộ của nhiều hãng chứng khoán, việc chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HoSE sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho cổ phiếu BSR cũng như giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn dễ dàng thu hút vốn và các đối tác.