Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định lộ trình bắt buộc sử dụng HĐĐT đối với 100% doanh nghiệp tại Việt Nam đã chính thức có hiệu lực gần 1 năm và đã đạt được những kết quả ban đầu. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hết nửa đầu năm 2019, tổng số HĐĐT đã được sử dụng là 2,3 tỷ hóa đơn. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký phát hành HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế là 279 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp đã xuất HĐĐT có mã xác thực là 255 doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra yêu cầu: “Mở rộng áp dụng HĐĐT, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai HĐĐT tại 2 thành phố "đầu tàu" của cả nước và các thành phố lớn. Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và triển khai thành công HĐĐT trên khắp cả nước. Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đang hướng tới việc hoàn thành mục tiêu phủ sóng HĐĐT 100% tại các doanh nghiệp trong năm 2019.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng HĐĐT. Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp chưa triển khai sử dụng HĐĐT đều có chung lý do, như: còn nhiều hóa đơn giấy nên cố “tận dụng” nốt số hóa đơn đã in; chưa đến thời hạn bắt buộc triển khai; do tâm lý ngại thay đổi của doanh nghiệp dẫn đến việc không sẵn sàng tiếp cận HĐĐT. Hay nhiều doanh nghiệp còn quan ngại về vấn đề an toàn, bảo mật của HĐĐT khi thực hiện trên môi trường internet, không tin tưởng vào công cụ, an ninh an toàn của nhà cung cấp...
Theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA, việc doanh nghiệp cố tình “né” HĐĐT là điều không hợp xu thế. Thay vào đó, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận HĐĐT càng sớm càng tốt. Việc này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, nhân lực, quản trị cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường đang không ngừng phát triển.
“Việc ứng dụng sớm sẽ giúp doanh nghiệp sớm chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp, tránh vướng mắc khi Nhà nước chính thức bắt buộc sử dụng HĐĐT. Ngoài ra, để đảm bảo cho sự an toàn, bảo mật, tính pháp lý của hóa đơn, doanh nghiệp nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có kinh nghiệm triển khai các giải pháp về tài chính – kế toán – thuế, có các giải pháp an toàn, bảo mật cao cho HĐĐT”, bà Đinh Thị Thuý khẳng định.
Bà Thuý cũng cho rằng, với các doanh nghiệp, chi phí khi chuyển đổi sang HĐĐT không phải là vấn đề đáng lưu tâm mà quan trọng nhất là phải vượt qua rào cản, thay đổi thói quen. Do vậy, công tác truyền thông, đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng HĐĐT là rất cần thiết.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, để có thể sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp phải là tổ chức kinh tế, có đầy đủ điều kiện và đang có giao dịch điện tử trong mục khai thuế với cơ quan thuế (ví dụ như tiến hành nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng,); đồng thời, doanh nghiệp có thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng (có thực hiện chuyển khoản qua Internet Banking, …..); sở hữu chữ ký số (chữ ký điện tử) hợp lệ, có giá trị pháp lý trước pháp luật.
Cơ quan Thuế cũng lưu ý, khi sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp cần sở hữu cơ sở hạ tầng đầy đủ để thực hiện khởi tạo, chỉnh sửa, xuất và gửi HĐĐT như: đường truyền tải thông tin điện tử (mạng Internet), các thiết bị truyền tin (máy tính bàn, laptop, một số thiết bị điện tử khác,…), có hệ thống cơ sở lưu trữ dữ liệu HĐĐT.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải sở hữu đội ngũ công nhân viên chức có đủ trình độ, khả năng để thực hiện khởi tạo, chỉnh sửa, sử dụng HĐĐT theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng phải có phần mềm kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được kết nối với phần mềm kế toán; đảm bảo rằng mọi thông tin dữ liệu liên quan tới HĐĐT sẽ được tự động chuyển vào phần mềm kế toán thời điểm bắt đầu khởi tạo hóa đơn.