Chú trọng phát triển logistics và hạ tầng khu, cụm công nghiệp
Trong lĩnh vực logistics, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt phát triển thương mại trong nước và xuất nhập khẩu, cung ứng và phân phối hàng hóa, dịch vụ đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, tỉnh Long An thu hút đầu tư xây dựng 4 dự án tại các huyện. Cụ thể, Trung tâm kho vận và dịch vụ Logistics tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức quy mô 50 ha; Trung tâm Logistic tại xã Phước Vĩnh Đông quy mô 71,2 ha; Trung tâm kho vận và dịch vụ Logistics (giai đoạn 1) tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành quy mô 25,07 ha; Trung tâm kho vận và dịch vụ Logistics tại xã Phước Tuy, huyện Cần Đước quy mô 75 ha.
Trong lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp, Long An định hướng thu hút đầu tư xây dựng 8 dự án.
Cụ thể, Cụm công nghiệp Cà Nhíp quy mô 75 ha và Cụm công nghiệp Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh. quy mô 55,3 ha. Hai dự án này đều có vị trí giao thương thuận lợi thu hút đầu tư cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp kết nối liên vùng Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và nước bạn Campuchia.
Cụm công nghiệp Tân Bình 1 và Cụm công nghiệp Tân Bình 2 với quy mô mỗi dự án 45 ha tại xã Tân Bình, huyện Tân Trụ. Tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư Cụm công nghiệp Thủy Đông, xã Thủy Đông; Cụm công nghiệp Tân Tây, xã Tân Tây với quy mô mỗi dự án 75 ha. Tại huyện Vĩnh Hưng là Cụm công nghiệp Bình Châu quy mô 61 ha và Cụm công nghiệp Tuyên Bình quy mô 40 ha đều trên địa bàn xã Tuyên Bình. Tại thị xã Kiến Tường, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Cửa khẩu Bình Hiệp giai đoạn 1 quy mô 168 ha trong Khu kinh tế cửa khẩu Long An và Khu cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, xã Bình Hiệp quy mô 66,2 ha.
Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng khu, cụm công nghiệp và logistics, tỉnh Long An còn ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 vào các lĩnh vực, ngành nghề như: Đô thị, dịch vụ; Nông nghiệp; Y tế; Văn hóa – Du lịch; Môi trường.
Phát triển Long An thành cửa ngõ hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long
Long An là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực...
Theo Quy hoạch, tỉnh Long An sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình "một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực".
Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 - 4 bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP. Hồ Chí Minh. Hành lang phát triển phía Nam bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP. Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).
Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, thành phố Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành. Tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa. Phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh. Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Vùng đệm sinh thái gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.