Mới đây Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Sau khi dự thảo Quyết định được công bố, trên một số diễn đàn mạng xã hội có những ý kiến cho rằng nên mở rộng cơ chế ưu đãi phạm vi lắp đặt hệ thống điện mái nhà tự sản tự tiêu cho các đối tượng khác. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng, cách tiếp cận của Bộ Công Thương là phù hợp tại thời điểm hiện nay. Sự phát triển nguồn điện luôn phải song hành với sự phát triển của lưới điện, sự hài hoà giữa nguồn điện “chạy nền” và năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện, vận hành an toàn và điều độ của hệ thống điện quốc gia.
Trong thời gian tới, khi hệ thống điện có thêm nguồn điện “chạy nền”, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng ra các đối tượng khác.
Việc lựa chọn ưu tiên điện mặt trời mái nhà đối với nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp, được Bộ Công Thương báo cáo tại văn bản số 74/BC-BCT dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, các cơ chế khuyến khích dựa trên cơ sở của Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Trong phương án phát triển nguồn điện, Quyết định 500 cũng đã nêu “ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.
Ngày 10/6, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4286/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương “Nghiên cứu ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán, áp mái với mục đích tự sản, tự tiêu”.
Nội dung công văn nêu rõ, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vào ngày 15/5/2023. Để tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII đồng bộ, đạt hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung trọng tâm, bao gồm: Tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII; Xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan; Quản lý vận hành hệ thống điện.
Quy hoạch điện VIII đã được Bộ trình tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022, đảm bảo cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2023, trong đó có nội dung nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió, điện ngoài khơi theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 1/5/2023.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách huy động vốn, bố trí nguồn lực thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó có nguồn lực nhà nước, hợp tác công-tư, xã hội hoá, sử dụng có hiệu quả các cam kết quốc tế, các nghiên cứu tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2023.
Nghiên cứu các cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhất là cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp với quy định của pháp luật để nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Hoàn thiện việc xây dựng cơ chế mua - bán điện trực tiếp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 83/TB-VPCP ngày 20/3/2023, hoàn thành nội dung này trong tháng 6/2023.
Nghiên cứu ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán, áp mái với mục đích tự sản, tự tiêu theo nhiệm vụ được giao, trong đó có giám sát các cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc này trong tháng 6/2023.
Nghiên cứu thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 1/5/2023 về những nội dung có thể mạnh dạn phân cấp, uỷ quyền cho Bộ Công Thương quyết định trong quản lý thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, tiết giảm chi phí hành chính, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám làm vì lợi ích chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.
Về xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 60/TB-VPCP ngày 1/3/2022 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại văn bản số 7522/VPCP-PL ngày 8/11/2022 của Văn phòng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện trong tháng 6/2023.
Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ để xây dựng Luật Năng lượng tái tạo theo nhiêm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2922 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 83/TB-VPCP ngày 20/3/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.
Tiếp đó, ngày 12/6/2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 219/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó nêu rõ “Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiết theo có đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”; giao Bộ Công Thương “nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở”.
Để triển khai các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta trong giai đoạn tới, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2023. Trong giai đoạn chưa có Luật Năng lượng tái tạo, cần nghiên cứu các cơ chế năng động, sáng tạo, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn để tiếp tục thực hiện thí điểm về điện mặt trời áp mái từ nhà dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, EVN và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở, trong đó, kế thừa các nội dung phù hợp, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô, phạm vi, công suất trong các quy định trước đây cũng như bổ sung các cơ chế kiểm tra, giám sát để phòng ngừa các hành vi trục lợi, tiêu cực; đồng thời, làm rõ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an... trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, Bộ Công Thương lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước.
Dự thảo Quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp được đánh giá có nhiều quy định “mở” khi cho phép tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt theo Quyết định này trên toàn quốc được “ưu tiên phát triển không giới hạn công suất” (Điều 4.1 Dự thảo).
Các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... (Điều 4.2, 4.3, 4.4 Dự thảo). Đồng thời, hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối không phải thực hiện thoả thuận đấu nối (Điều 4.5).
Dự thảo cũng yêu cầu các bộ, ngành tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí; Bộ Công an đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; Bộ Xây dựng đơn giản hoá các thủ tục cấp, miễn giấy phép xây dựng, thẩm định an toàn công trình đối với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.