Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, được đánh giá là một thị trường giầu tiềm năng. Tuy nhiên, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng lại chưa được bảo đảm, bị xâm hại thông qua nhiều loại vi phạm ở mức độ khác nhau, như: bán hàng không rõ xuất xứ, phẩm cấp; nhập nhằng về chất lượng; thiếu thông tin về giá cả, quy cách sử dụng, đặc điểm kỹ thuật; thiếu thông tin về bảo hành... Nhiều trường hợp khách hàng khi mua phải hàng hóa không đúng yêu cầu, nhưng vẫn đành chịu thiệt vì chế tài xử phạt đối với bên vi phạm còn thiếu, quy định lỏng lẻo, không đủ sức răn đe nên chưa thể giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, trong hệ thống kinh doanh thương mại, thì hệ thống siêu thị chỉ chiếm 18%, trong đó mua bán không giấy tờ, chợ cóc, chợ tạm chiếm đến 82%. Người tiêu dùng đang đứng giữa ma trận hàng hóa, dễ mua phải hàng giả.
Thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ xảy ra ở một lĩnh vực nào mà diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH và với nhiều hình thức khác nhau. Người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu trong quan hệ với nhà sản xuất kinh doanh, bởi luôn là bên thiếu thông tin, kiến thức liên quan đến sản phẩm hầu như không có, lại bị triệt tiêu khả năng thương lượng đối với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Do vậy, sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ này sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thanh Lan (huyện Từ Liêm, Tp. Hà Nội) bức xúc: Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị khi trưng bày và giới thiệu sản phẩm đều là hàng xịn, nhưng khi xuất kho lại là hàng nhái đội mác hàng chính hãng. Đấy là chưa kể tới việc họ tổ chức bán hàng khuyến mãi tràn lan với muôn màu giá, nhiều khi khiến cho người tiêu dùng bị “ngợp” trong khuyến mãi. Chị Lan cho biết thêm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới dừng lại ở góc độ tuyên truyền, chưa sâu sát, chưa chỉ cho người tiêu dùng biết được mỗi khi bị ảnh hưởng quyền lợi, cần được bảo vệ thì sẽ “kêu” ai và thủ tục “kêu” như thế nào?
Trên thực tế, Việt Nam hiện nay vẫn có tới trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết còn hạn chế, dẫn đến việc tuyên truyền Luật đang đặt ra một mối lo ngại rất lớn. Chị Mùa Thị Mai ở bản Trung Chinh, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Việc bà con dân bản ở miền núi tiếp cận với Luật là điều rất khó khăn, bởi đa phần họ mới học xong lớp “xóa mù chữ” tạm thời, nguy cơ mù chữ trở lại là rất cao, chứ nói gì tới chuyện tiếp nhận và hiểu về Luật. Còn theo chị Nguyễn Thị Lành, nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần Infaco (Hà Nội) thì việc tiếp cận Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất dễ dàng, bởi chỉ cần vài thao tác nhấn chuột trên Google tìm là xong, nhưng vướng mắc ở chỗ, chúng tôi sau khi bị hại vẫn chưa rõ thủ tục khiếu kiện như thế nào và phải kêu ai để giải quyết kịp thời hay là phải “dài cổ” đợi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Đặc biệt, thời gian tới, khi mà Tết cổ truyền dân tộc đang tới gần thì tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang tìm mọi phương cách “ồ ạt” tiến vào các trung tâm thương mại, các siêu thị, chợ vùng biên, vùng nông thôn và nhất là vùng sâu, vùng xa - nơi mà trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, sự hiểu biết về Luật còn mơ hồ, hay không có điều kiện hoặc chưa có cơ hội để lĩnh hội những điều Luật đã chỉ ra. Đó cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng “có đất” cắm dùi, ăn sâu bám rễ và ngang nhiên vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng một cách trắng trợn, nhưng lại ít khi bị “sờ gáy”. Nhiều ý kiến người dân cho rằng, để hạn chế việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì cơ quan công quyền cần quyết liệt ra tay “trị bệnh” các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ngay từ khâu sản xuất, đóng gói, đồng thời quản lý thị trường sâu sát hơn và cần có sự liên kết với các tổ chức xử lý minh bạch, công khai trước dư luận.
Nghị định số 99/2011/NĐ-CP đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/12/2011. Theo đó, kể từ ngày này, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng, thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
Theo ông Ngô Minh Kim - Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình thì công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tiến hành thường xuyên và với nhiều cấp độ, nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức các hội thảo, khoá đào tạo về bảo vệ người tiêu dùng cho đại diện người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, thông tin về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông, các ấn phẩm, tờ rơi về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, các quy định của Luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam được thực hiện một cách thuận lợi và đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới. Công tác tuyên truyền Luật cũng được Cục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về các địa phương, thông qua các hội nghị, hội thảo về Luật.
Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống của người dân hiệu quả hơn thì trước hết, người tiêu dùng hãy chủ động tiếp nhận, tìm hiểu nội dung Luật một cách nhiệt tình và cụ thể. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thi hành Luật cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhằm chỉ rõ cho người tiêu dùng sau khi bị xâm hại quyền lợi thì cần tìm tới đâu, gặp ai và thủ tục khiếu kiện ra sao? Đó là những câu hỏi mà người tiêu dùng đang khẩn thiết cần được hướng dẫn, trả lời từ các cơ quan chức năng. Có như thế Luật mới thực sự đi vào cuộc sống và thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Mong đợi và tiếp nhận
TCCT
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và chính thức có hiệu lực ngày 01/7/2011. Sự ra đời của Luật là công cụ quan trọng, tạo hành lan