Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này; đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0… để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.
Trước đó, theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Trong đó có giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Mục tiêu của Dự án Luật nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam, góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Dự án Luật khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Trong đó, luật thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin bằng các nội dung của Luật Công nghiệp công nghệ số; Thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.
Luật Công nghiệp công nghệ số (dự thảo) quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; bảo đảm, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến công nghiệp công nghệ số.
Luật này không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số cho mục đích quốc phòng, an ninh, cơ yếu.
Đối tượng áp dụng của Luật (dự thảo) là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có bố cục gồm 06 chương, 90 điều. Cụ thể:
Chương I. Những quy định chung (gồm 06 điều: từ Điều 1 đến Điều 6);
Chương II. Hoạt động công nghiệp công nghệ số và sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (gồm 07 điều: từ Điều 7 đến Điều 13);
Chương III. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số (gồm 14 mục, 45 điều: từ Điều 14 đến Điều 58);
Chương IV. Thúc đẩy, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (gồm 05 mục, 27 điều: từ Điều 59 đến Điều 85);
Chương V. Quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số (gồm 02 điều: Điều 86 và Điều 87);
Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều: từ Điều 88 đến Điều 90).
Hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước từ 02/7/2024 tới ngày 02/9/2024.