Nhà đầu tư lúng túng trước Luật Đầu tư mới
Luật đầu tư mới đã có hiệu lực từ 01-7-2006, nhưng Nghị định hướng dẫn chưa được ban hành, gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhất là có một vài qui định chưa xác định rõ đối tượng, dễ gây hiểu nhầm cho doanh nghiệp và doanh nghiệp không biết phải hoạt động như thế nào. Theo Luật sư Trương Thị Hòa, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì lo rằng không biết Luật Đầu tư mới sẽ thay thế Luật Đầu tư nước ngoài như thế nào, phải đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp ra sao (thủ tục như thế nào, chi phí có tốn kém nhiều không...); còn các doanh nghiệp nhà nước lại đang lúng túng trong việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp (công ty mẹ - công ty con, công ty TNHH); các nhà đầu tư trong nước trông ngóng loại hình doanh nghiệp mới là công ty TNHH một thành viên là cá nhân…
Còn luật sư Fred Burke, Giám đốc điều hành chi nhánh Việt Nam của Hãng Luật Baker McKenzie cho rằng, vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm là những doanh nghiệp muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh hoặc tăng vốn sẽ đăng ký lại theo luật mới như thế nào? Việc bỏ phiếu đối với các quyết định của ban lãnh đạo, cũng như tỉ lệ thành viên trong HĐQT liên doanh - theo luật cũng có nhiều thay đổi, nhưng thay đổi cụ thể như thế nào thì hoàn toàn không ghi rõ trong văn bản.
Cơ quan hữu quan nói gì?
Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đồng thời là Trưởng ban Soạn thảo Nghị định cho biết: Giải pháp tình thế được đưa ra là, Bộ sẽ ban hành một số quy định tạm thời để thực hiện trong thời gian chưa có nghị định mới, với tinh thần là những vấn đề đã được quy định rõ trong Luật, hoặc đã được thống nhất ý kiến thì có thể cho phép áp dụng ngay theo Luật, bao gồm:
- Hình thức đầu tư, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập công ty cổ phần, thực hiện các hoạt động sáp nhập, mua lại.
- Phân cấp đầu tư, trong đó UBND các tỉnh, thành có thể cấp phép cho dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký dưới 800 tỉ đồng.
- Vấn đề thẩm tra các dự án đầu tư sau cấp phép.
Như vậy, nếu nhà đầu tư còn băn khoăn với các vấn đề trên thì hoàn toàn có thể yên tâm là Nghị định sẽ không “chặt” hơn luật. Riêng về các ưu đãi dành cho nhà đầu tư, sẽ phải chờ nghị định chính thức, vì hiện có quá nhiều văn bản liên quan đến chính sách thuế đang có hiệu lực và Ban Soạn thảo đang trong quá trình rà soát lại. Toàn bộ khoảng thời gian “quá độ” này, theo tính toán, ít nhất cũng mất khoảng hai tháng, vì còn phải tham vấn các cơ quan quản lý khác.
Ông Dũng còn cho biết thêm, nhiều điều khoản trong nghị định thậm chí đã phải “chờ” kết quả đàm phán gia nhập WTO mới được hoàn tất.
Trước thực tế đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) khuyến cáo rằng, các doanh nghiệp bị vi phạm pháp luật không phải do chủ quan doanh nghiệp, mà do văn bản pháp luật gây ra.