1- Sự cần thiết ban hành Luật TKNL:
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, khả năng tiết giảm lãng phí năng lượng còn rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu ở Việt Nam chỉ đạt được từ 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ví dụ, để sản xuất 1 tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,32 đến 13,02 triệu Kcal, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcal; luyện thép từ thép phế liệu nước ta cần 2,82 triệu Kcal, thế giới cần 2 triệu Kcal. Điều đó cho thấy, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm công nghiệp trong nước tăng gấp nhiều lần so với các nước phát triển. Thiếu các biện pháp tiết kiệm năng lượng, cộng với trình độ lạc hậu của công nghệ trong các doanh nghiệp làm cho việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Trong các toà nhà, khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng không nhỏ, có thể giảm tiêu thụ năng lượng trong khu vực toà nhà từ 30-35%.
Việc gia tăng mức độ sử dụng năng lượng, luôn kèm theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực hoạt động năng lượng và góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường toàn cầu (ví dụ, việc thải vào khí quyển khí CO2, SO2, NOx gây hiệu ứng nhà kính, phá hỏng tầng Ôzôn, làm biến đổi khí hậu). Hơn 80% nguồn năng lượng sử dụng của nước ta là nhiên liệu hoá thạch, nhiên liệu có nguồn gốc hữu cơ. Quá trình cháy nhiên liệu nói riêng và hoạt động năng lượng nói chung là nhân tố quan trọng gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng năng lượng đóng góp khoảng 25% lượng phát thải CO2 và khoảng 15% tổng lượng khí nhà kính sinh ra do hoạt động của con người.
Ngày 03 tháng 9 năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau hơn 5 năm triển khai, bước đầu chúng ta đã hình thành được phương thức quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hành vi tiết kiệm năng lượng đã được khuyến khích thực hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập liên quan đến tính khả thi của Nghị định và một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định của các bộ, ngành liên quan đã được nhận dạng như:
+ Chưa hình thành cơ quan quản lý nhà nước, để thống nhất quản lý các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
+ Thiếu đồng bộ và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương, để triển khai các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng.
+ Nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa tự giác thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
+ Chế tài chưa đầy đủ và đủ mạnh.
+ Các thể chế tài chính chưa hình thành để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2- Đối tượng và phạm vi điều chỉnh:
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ bao gồm các vấn đề sau:
- Quy định quyền và nghĩa vụ cần phải thực hiện trong công tác quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng của các cấp chính quyền, các bộ, ngành liên quan. Bao gồm, việc tăng cường quản lý, giám sát trong hoạt động xây dựng, quy hoạch; chính sách kỹ thuật; chính sách kinh tế; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; triển khai vấn đề tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, để thực hiện đồng bộ hoạt động tiết kiệm năng lượng cấp quốc gia.
- Quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, bao gồm việc tuân thủ các chế độ luật pháp liên quan, chính sách tiết kiệm năng lượng, quy phạm, tiêu chuẩn và định mức tiết kiệm năng lượng, chấp hành nghĩa vụ về tiết kiệm năng lượng.
- Quy định quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân, hoặc nhà sản xuất các sản phẩm và trang, thiết bị sử dụng năng lượng về quản lý chất lượng sản phẩm, mở rộng cung cấp các sản phẩm sử dụng năng lượng tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm về tính năng tiết kiệm năng lượng, tự nguyện triển khai chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các sản phẩm sử dụng năng lượng lạc hậu, tiếp thu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.
- Thiết lập một số cơ chế, chính sách cơ bản để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng các công trình công cộng, hoặc dân dụng, như cấm các công trình, hạng mục xây dựng mới gây lãng phí nghiêm trọng nguồn năng lượng.
- Thiết lập một số cơ chế, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, như khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng các dạng nhiên liệu và phương tiện giao thông hiệu suất cao, phương tiện giao thông công cộng, định mức và quản lý suất tiêu hao nhiên liệu, xuất /nhập khẩu phương tiện giao thông...
- Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sinh họat của cộng đồng cũng được điều chỉnh, thông qua việc xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, định giá năng lượng,...
3- Dự báo tác động kinh tế - xã hội:
Tiết kiệm nguồn năng lượng hầu như đề cập đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Do đó, Luật về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được hình thành sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng. Tác động tích cực của Luật sẽ góp phần trực tiếp vào việc giảm sức ép về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng, thay đổi thói quen của người sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
- Trong công nghiệp: Theo tính toán, mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp chiếm khoảng 44% so với tổng nhu cầu năng lượng thương mại hiện nay (đạt xấp xỉ 22 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2005), có thể ước tính tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp khoảng 20% đã lên đến khoảng (22 triệu tấn x 0,4 x 0,2) ~1,9 triệu tấn dầu tương đương (~25 ngàn tỷ đồng/năm, tính thô theo giá dầu trong nước hiện nay).
- Trong xây dựng và toà nhà: Theo thống kê hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 4.000 công trình xây dựng lớn, nếu ngành xây dựng nước ta tăng trưởng 10%/năm, thì mỗi năm sẽ có thêm 400 công trình lớn được xây dựng. Theo đánh giá, nếu áp dụng các biện pháp quản lý và thực hiện quy chuẩn xây dựng toà nhà hiệu quả năng lượng, khả năng tiết kiệm năng lượng của các toà nhà đạt được khoảng 30-35%.
- Trong giao thông: Theo dự báo, số lượng xe khách có thể đạt xấp xỉ con số 3 triệu xe và lượng xe gắn máy từ 30 triệu chiếc lên 35 triệu chiếc, làm tăng nhu cầu tiêu thụ xăng vào năm 2025 khoảng 300.000 ngàn lít (+4,4%), với mức tăng trưởng trung bình 20%/năm sẽ tăng từ 4,7% lên 4,9%. Các giải pháp như khuyến khích, hoặc bắt buộc sử dụng các dạng nhiên liệu và phương tiện giao thông công cộng, hiệu suất cao, định mức và quản lý suất tiêu hao nhiên liệu, xuất nhập khẩu phương tiện giao thông là nhân tố quan trọng để đạt được những mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong giao thông mà các nước trên thế giới đang triển khai thực hiện.
- Quản lý các trang thiết bị: Các trang thiết bị sử dụng năng lượng được điều chỉnh trong Luật, thông qua các quy định về dán nhãn và những biện pháp quản lý khác trên thị trường, như nghĩa vụ thu hồi thiết bị quá hạn, hiệu suất thấp... sẽ giúp cung cấp thông tin và định hướng cho các hộ tiêu thụ sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, loại bỏ dần các sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao, góp phần giảm tiêu thụ năng lượng.
- Bên cạnh đó, với quy định về cơ chế, công cụ tài chính đề xuất trong Luật có thể thúc đẩy và huy động tối đa các nguồn vốn của Nhà nước và xã hội cho hoạt động tiết kiệm năng lượng. Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu Chính phủ thiết lập cơ chế xây dựng Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với số kinh phí mỗi năm là 20 triệu USD, hiệu quả đem lại của các hoạt động tiết kiệm năng lượng sẽ tương đương 60 triệu USD đầu tư, khai thác các nguồn năng lượng mới, trong khi vẫn dự trữ được tài nguyên và tránh được tác ộng đến môi trường.