Đại công quốc Luxembourg nằm ở lụa địa Tây Âu, giáp với Bỉ, Pháp và Đức. Là một nước nhỏ, chỉ với diện tích 2.586 km2, dân số gần 500 nghìn người, sử dụng đồng Euro và ba thứ tiếng chính thức là tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Luxembourg, tuy vậy đất nước này có một nền kinh tế phát triển cao, với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, đạt 81.000 USD/người trong năm 2008.

            Luxembourg là nước quân chủ Nghị viện. Đại công tước hoặc Nữ công tước là người cai quản đất nước. Luxembourg là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu (EU), NATO, Liên hiệp quốc và Liên minh Tây Âu. Thành phố Luxembourg là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của quốc gia này, là nơi đóng trụ sở của một số cơ quan của EU.

            Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU. Các lĩnh vực thế mạnh của nước này là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất cao su, nhựa sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Hiện nông nghiệp chỉ chiếm 2,2% thu nhập quốc dân của Luxembourg, công nghiệp chiếm 17,2% và dịch vụ chiếm 80,6%.

            Mục tiêu chính sách đối ngoại của Luxembourg là "Phát huy vai trò trong EU, tham gia vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển". Là nước nhỏ có nền kinh tế mở nên lợi ích của Luxembourg gắn liền với lợi ích của EU. Luxembourg ủng hộ việc mở rộng EU sang Trung Âu và Đông Âu.

            Luxembourg rất quan tâm đến hợp tác phát triển. Quỹ phát triển chính thức (ODA) của nước này vẫn tăng đều hàng năm trong khi xu hướng chung trên thế giới là các quốc gia giảm ODA. 72% ODA của Luxembourg tập trung vào 10 quốc gia, trong đó có 6 nước châu Phi (Cape Vert, Namibie, Senegal, Burkina Faso, Mali, Niger), 2 nước Trung Mỹ (Nicaragua, Salvador) và 2 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào), 28% còn lại cho khoảng 15 nước khác. Viện trợ của Luxembourg tập trung vào các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là giáo dục, đào tạo, xóa đói giảm nghèo và chăm sóc sức khỏe.

            Trong quan hệ thương mại, các bạn hàng chủ yếu của Luxembourg là Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan và Mỹ. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại của Luxembourg thường xuyên thâm hụt, tuy nhiên cán cân thanh toán lại thặng dư, nhờ thu hút được nhiều luồng tài chính từ bên ngoài.

            Năm 2008, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Luxembourg đạt 21,43 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là thiết bị máy móc, các sản phẩm thép và cơ khí, các sản phẩm từ cao su và kính. Đối tác xuất khẩu chủ yếu là các nước lớn trong EU.

            Giá trị nhập khẩu của Luxembourg năm 2008 đạt 27,73 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính là khoáng sản, kim loại, thực phẩm và những mặt hàng chất lượng cao. Đối tác nhập khẩu chủ yếu là các nước trong EU và Trung Quốc.

            Quan hệ Việt Nam - Luxembourg

            Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 15/11/1973. Luxembourg bắt đầu chính thức viện trợ cho Việt Nam từ cuối năm 1993. Trong những năm qua, quan hệ hai nước vẫn duy trì tình hữu nghị tốt đẹp với nhiều cuộc trao đổi đoàn cấp cao của hai Chính phủ đến thăm và làm việc. Có nhiều hiệp định đã được ký kết giữa hai bên như: Hiệp định Khung về hợp tác (1995); Hiệp định Tránh đánh thuế trùng (1996); Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002 - 2005 (2002); Hiệp định hợp tác Văn hóa, Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao (2003); Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2006 - 2010 (2006).

            Quan hệ kinh tế giữa hai nước hiện nay đang tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực hợp tác phát triển (chủ yếu Luxembourg viện trợ cho Việt Nam), đầu tư, trao đổi thương mại.

            Không tính các khoản viện trợ cho Việt Nam, cho đến nay Luxembourg có 15 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 810 triệu USD, tập trung vào một số lĩnh vực: công nghiệp xây dựng (sản xuất đá granit, thiết bị vệ sinh, thép…), công nghiệp chế biến thực phẩm (sản xuất kẹo, sô-cô-la, cà chua cô đặc…), công nghệ cao (phát triển phần mềm).

            Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế. Hàng xuất của Việt Nam sang Luxembourg là dệt may, giầy dép. Việt Nam nhập từ Luxembourg nguyên liệu da, nguyên liệu thuốc lá và sắt thép.

            Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Luxembourg là 10,89 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ nước này là 1,75 triệu USD.

            Tăng cường xúc tiến thương mại hàng hóa Việt Nam tại Luxembourg

            Cho đến nay, vìnhiều lý do, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Luxembourg vẫn còn rất khiêm tốn. Về thống kê, số liệu xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Luxembourg cũng thường bị tính cùng vào số liệu với Bỉ.

            Trong một cuộc hội thảo thương mại vào tháng 9/2009 do Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ - Luxembourg phối hợp với Phòng Thương mại Luxembourg tổ chức, Phòng Thương mại Luxembourg cho biết, các doanh nghiệp nước này rất quan tâm đến thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Với thế mạnh về dịch vụ ngân hàng và du lịch, thu nhập quốc dân tính theo đầu người và trình độ phát triển kinh tế rất cao, có vị trí địa lý trung tâm châu Âu, Luxembourg sẵn sàng tìm kiếm các cơ hội hợp tác tại Việt Nam và tạo các cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi hàng hóa và đầu tư với Luxembourg.

            Đây là một trong những thuận lợi rất lớn mà phía bạn đang dành cho Việt Nam. Tuy Luxembourg là nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở mức không cao nhưng yêu cầu về chất lượng lại rất cao. Hầu hết hàng hóa của Luxembourg được trao đổi trong nội khối EU nên hiện chỉ có rất ít hàng hóa của Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường này. Tuy vậy, có một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam mà chúng ta có thể tự tin cạnh tranh tại Luxembourg như trái cây nhiệt đới, giầy dép, thủy hải sản…

            Nhận thấy những tiềm năng và thuận lợi trong giao thương hàng hóa, hiện các cơ quan xúc tiến thương mại của hai nước đang rất quan tâm để làm sao nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Luxembourg.

            Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xúc tiến đưa hàng hóa Việt Nam sang Luxembourg có thể nhờ sự hướng dẫn thị trường từ Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ - Luxembourg theo địa chỉ: 198,  Chausee de Vleurgat, Brussels 1000, Belgium. Điện thoại: (322)343-6295; Fax: (322)347-0335; Email:be@moit.gov.vn; LH: Tham tán Thương mại - Phạm Quang Minh.

 

 

 

  • Tags: