Xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2023, trị giá xuất khẩu là 337,62 tỷ USD. Riêng 7 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD đã đạt chiếm 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đó là các nhóm hàng điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, dệt may, da giày, đồ gỗ.
Điều đáng quan tâm là xuất khẩu những nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong bối cảnh hoạt động công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III, đầu quý IV (so với cùng kỳ năm trước, IIP bắt đầu tăng sau 9 tháng), IIP toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng khoảng 2,3%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Bên cạnh đó, rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu. Các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.
Điển hình của hàng công nghiệp chế biến chế tạo là ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm; ngành dệt may, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện cũng đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu của các ngành này lần lượt ước giảm 16,9%; 12,2%; 17,1% và 7,4% trong năm 2023)... đã đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng, chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất: Lãi suất tăng, tỷ giá đồng USD tăng cao dẫn đến giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp sản xuất tăng cao, giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó khăn hơn, các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn...
Cơ cấu xuất khẩu cải thiện
Có hai nguyên nhân giúp xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo duy trì vị trí đầu tàu dẫn dắt trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thứ nhất, đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp (xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%...).
Thứ hai, hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, ước chiếm 88,4% tổng kim ngạch; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu ước chỉ chiếm 5,7%.
Vì vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.