Những động thái đầu tiên của tân Tổng thống Pháp cũng như việc lựa chọn một nội các khác biệt đã được truyền thông đánh giá là mang lại “niềm hy vọng cho tương lai”. Tuy nhiên, chặng đường tiếp theo của Macron còn đầy rẫy chông gai và chính sách kinh tế cũng như những “nước cờ” chính trị của ông chứa đựng không ít rủi ro.
Nước Pháp đã khép lại cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 vào đầu tháng 5 vừa qua mà không có bất ngờ nào xảy ra khi ông Macron theo đường lối trung dung đã giành chiến thắng áp đảo trước thủ lĩnh phe cực hữu là bà Le Pen. Sau khi trở thành Tổng thống Pháp, ông Macron đã có những pha “ghi điểm” khá ngoạn mục. Chẳng hạn như việc ông chỉ mặc bộ lễ phục trị giá 550 Euro trong lễ nhậm chức được đánh giá cao và xem là tín hiệu về một tân tổng thống giản dị, gần dân và quyết tâm đổi mới.
Tiếp đó, trung tuần tháng 5, khi Macron lựa chọn một nội các nhiều khác biệt với thành phần đa đảng, nhiều phụ nữ, nhiều người trẻ tuổi, cũng được giới phân tích đánh giá cao.Báo chí Pháp cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa, một nửa số thành viên chính phủ đến từ xã hội dân sự, phần còn lại xuất thân từ đảng Xã hội cánh tả, đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu và các đảng trung dung. Việc lựa chọn nhân sự như trên được xem là “nước cờ” khôn ngoan, bởi nội các này vừa bảo đảm hàn gắn nước Pháp đang bị chia rẽ, vừa tạo lợi thế cho đảng của ông Macron trong cuộc bầu cử Hạ viện vào trung tuần tháng 6.
Với thành phần nội các nói trên của Macron đã “bắn một mũi tên trúng nhiều đích”. Trước hết, khi các đảng phái đều có chỗ trong nội các mới, buộc họ phải “cùng hội cùng thuyền” và có trách nhiệm phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.Đồng thời, một nội các đa đảng cũng làm suy yếu sức mạnh của cả phe tả lẫn phe hữu trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện. Chẳng hạn, việc bổ nhiệm ông Edouard Philippe, thành viên đảng LR cánh hữu làm Thủ tướng đã gây chia rẽ LR, bởi ngay trong nội bộ đảng này cũng có ý kiến chỉ trích những thành viên của đảng tham gia chính phủ của tân Tổng thống Macron.Bên cạnh đó, nội các của Macron còn gây chú ý khi bảo đảm “cân bằng giới tính” với một nửa trong số 22 thành viên nội các là nữ và nhiều nhân vật có tuổi đời trẻ hơn cả tuổi 39 của Macron.Với sự khác biệt này, đảng của ông Macron cũng sẽ có cơ hội giành thêm nhiều lá phiếu của các cử tri là phụ nữ, người trẻ tuổi trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 6.
Với những nét mới trong phong cách lãnh đạo và việc lựa chọn nội các “không giống ai” nêu trên, Macron đã được nhận định là đang mang lại hy vọng về một bầu không khí chính trị mới của nước Pháp: trẻ trung, đa sắc màu và đầy sức sống.
Macron được nhận định là đang mang lại hy vọng về một bầu không khí chính trị mới của nước PhápTuy nhiên, nước cờ táo bạo của tân Tổng thống Pháp cũng chứa đựng không ít rủi ro cho bản thân ông cũng như nước Pháp. Trước hết, rủi ro đến từ chính việc lựa chọn nội các nêu trên. Một tân tổng thống trẻ tuổi chưa “dạn dày trận mạc” chính trường như ông Macron không dễ điều hành một chính phủ gồm các thành phần “thập cẩm” quá khác nhau về tuổi tác, quan điểm chính trị. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều chính trị gia trẻ tuổi cũng là “dao hai lưỡi”, bởi những người này có thể “thổi luồng gió mới” vào chính trường Pháp, song cũng rất dễ mắc sai lầm do thiếu kinh nghiệm và gây tổn hại uy tín của Tổng thống.
Trong khi đó, đối với cử tri Pháp, bản thân việc họ bất đắc dĩ lựa chọn Macron là Tổng thống vừa qua cũng là một sự mạo hiểm. Tân Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp này dù đã ít nhiều thể hiện được quyết tâm đổi mới, vì dân, song chưa có gì bảo đảm ông thực hiện được các cam kết tranh cử, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, những sáng kiến kinh tế của ông Macron thường bị chỉ trích là thiếu chi tiết cụ thể. Nhiều người cánh tả và cực hữu cho rằng Macron là người theo chủ nghĩa tự do mới và chính sách của ông không khác với những chính sách chủ đạo về “thắt lưng buộc bụng” đã làm châu Âu thất vọng vừa qua. Thậm chí, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, đã miêu tả ông Macron là đại diện cho “Châu Âu của ngày hôm qua”.
Ông Macron cũng nhiều lần tuyên bố cải cách thị trường lao động và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% vào cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đây có thể là “nhiệm vụ bất khả thi” trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Pháp hiện ở mức hơn 10% so với mức trung bình chung của châu Âu là 8%. Cái khó của ông Macron hiện nay là tình hình kinh tế Pháp không tồi tệ đến mức người dân dễ dàng chấp nhận những thay đổi mạnh mẽ, song nếu không cải cách, nước Pháp có nguy cơ lún sâu vào vòng xoáy thất nghiệp cao, tăng trưởng chậm và nợ công đã đạt ngưỡng “gần phá sản”.
Một khi chưa “tề gia, trị quốc” tốt, ông Macron khó có thể nói tới chuyện “bình thiện hạ”, mà trước hết là thực hiện “đổi mới EU” như ông từng tuyên bố. Vừa qua, các chính sách kinh tế của Macron đối với EU đã bị phản bác là không thực tế và thiếu thuyết phục. Tổng thống Pháp muốn bổ nhiệm một Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), xây dựng ngân sách chung của Eurozone...Tuy nhiên giới chức tài chính Đức cho rằng điều này là không thể, bởi nó liên quan nhiều nước EU và đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp của khối này. Chuyên gia phân tích Emitai Etsioni của tờ The National Interest (NI),thậm chí còn mỉa mai rằng EU “có thể khâm phục ông Macron vì cưới người vợ hơn mình rất nhiều tuổi”, nhưng ông Macron không thể là người “cứu rỗi châu Âu”.
Ngoài
thách thức, rủi ro về kinh tế thì việc lấy lại niềm tin của cử tri, đoàn kết nước
Pháp cũng sẽ vẫn là những “bài toán nan giải” với ông Macron. Sau cuộc bầu cử vừa
qua, nước Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc và chia thành hai phe: một bên là các
vùng đô thị sung túc và cởi mở với các tư tưởng hội nhập, cải cách; một bên là
khu vực nghèo khó hơn, công nghiệp kém phát triển và cử tri ủng hộ mạnh mẽ ứng
cử viên cực hữu Le Pen.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, trước hết Macron và Phong trào Bước tiến mới của ông phải vượt qua một “cửa ải” khó khăn là giành đa số ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện vào trung tuần tháng 6. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị nước Pháp phức tạp và nhiều bất ngờ như hiện nay, chưa có gì bảo đảm những toan tính của Macron giúp đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nói trên. Nếu không giành được ưu thế ở Hạ viện, Macron và các cộng sự của ông khó có thể thực hiện các cam kết “thay đổi nước Pháp”. Trong khi đó, phe cực hữu và các đảng đối lập vẫn luôn rình rập cơ hội ông Macron “sảy chân” để cản bước vị tổng thống trẻ tuổi này.
Trong khi đó, cuộc thăm dò do hãng Elabe vừa thực hiện cho thấy mới chỉ khoảng 45% số cử tri Pháp bày tỏ tin tưởng vào năng lực của Tổng thống Macron trong việc giải quyết các vấn đề của nước Pháp. Trước đó, cựu Tổng thống Francois Hollande từng đã đạt được tỷ lệ ủng hộ tương tự là 58%, vào năm 2012 và tỷ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2007 là 59%.
Với thực tế nêu trên, xem ra những “nước cờ” chính trị của tân Tổng thống Macron đang chứa đựng không ít rủi ro và ông sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để lá phiếu mà cử tri Pháp giành cho ông không phải là lựa chọn sai lầm.
Thêm vào chặn quảng cáo