Những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã và đang từng bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững; đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, góp phần hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trong đó, có 272 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho 80.000 lao động, riêng doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động. Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu tập trung phục vụ 03 lĩnh vực chính gồm: lắp ráp sản phẩm điện tử; cơ khí; thực phẩm, đồ uống công nghệ cao.
Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chủ lực, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với tiềm năng thế mạnh.
Trong đó, phê duyệt các Quy hoạch, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với những mục tiêu cụ thể, chú trọng vào 03 ngành chính là điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao.
Đồng thời, có định hướng thành lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm công nghiệp hỗ trợ và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 ngành trọng điểm trên và phát triển hạ tầng cụm công nghiệp hỗ trợ.
Theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, ban hành tại Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021, Bắc Ninh xác định hỗ trợ phù hợp với đối tượng sản phẩm, năng lực của doanh nghiệp để tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh, đưa Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Theo đó, tỉnh đặt ra các mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể, bao gồm: Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển của tỉnh phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh; đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8% - 9%.
Liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.
Năm 2021, UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ và khởi động triển khai Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh. Dự án dự kiến kéo dài từ năm 2020 đến năm 2025, bao gồm 2 nội dung chính là Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và Chương trình phát triển nhà cung ứng.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện, Dự án đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng.
Chương trình tư vấn cải tiến triển khai từ năm 2020 - 2021 đã huy động được sự tham gia nhiệt tình của 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp Việt được tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất khoa học, được trực tiếp hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại hiện trường, được đào tạo cho cán bộ chủ chốt trong nhà máy về cách thức cải tiến, nâng cao chất lượng cũng như khả năng mở rộng sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và có nhiều cơ hội kết nối sâu hơn vào chuỗi các giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, chương trình phát triển nhà máy thông minh đã tiến hành tại 12 doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Sau cải tiến, phần lớn các doanh nghiệp tham gia đều chuyển từ mức độ 1 lên mức độ 2, mức độ 3 (trong thang 5 mức độ nhà máy thông minh của Samsung).
Việc thu thập dữ liệu sản xuất đã được một phần chuyển từ thu thập cục bộ, cập nhật chậm theo ngày hay tuần sang việc quản lý liên tục, cập nhật theo thời gian thực, đảm bảo thông tin được thiết kế lại theo dòng và thông suốt giúp cho việc quản lý và ra quyết định chính xác và nhanh chóng hơn.
Đối với Chương trình phát triển nhà cung ứng, đến nay đã có 39 doanh nghiệp Việt bao gồm nhà cung ứng cấp 1, nhà cung ứng cấp 2, nhà cung ứng dịch vụ vật tư tiêu hao tại Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Tháng 6/2024, Samsung Việt Nam tiếp tục khởi động chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh năm 2024 dành cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Chương trình được triển khai từ ngày 7/5/2024 đến ngày 9/8/2024, tại 5 doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, bao gồm: 3 doanh nghiệp tham gia dự án mới là Công ty Cổ phần Eco Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen, Công ty Cổ phần Innotek; và 2 doanh nghiệp tham gia dự án mở rộng là Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty Cổ phần Tiến Thành.
Theo nội dung đã được ký kết với các doanh nghiệp tại sự kiện, quy trình hỗ trợ của dự án bao gồm 3 hoạt động: Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh và Quản lý về sau. Các chuyên gia Samsung sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.
Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/ IT sau dự án.
Mới đây nhất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trên cơ sở định hướng phát triển, năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng Đề án "Hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến liên tục (Kaizen) trong sản xuất".
Kaizen là công cụ trong quản lý được áp dụng nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục với sự tham gia của mọi người, nhằm cải thiện không ngừng môi trường làm việc, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp tham gia Đề án thuộc danh mục sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ và phù hợp với Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ; các doanh nghiệp sẽ được chuyên gia đến từ Nhật Bản tư vấn, hỗ trợ để tuân theo các phương pháp cốt lõi trong Kaizen: Đào tạo đa kỹ năng; khuyến khích và tạo ra động cơ làm việc; xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc; phân quyền cụ thể… nhằm cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, tạo ra chuẩn mực mới trong năng suất, hiệu quả công việc.
Đồng thời, áp dụng công cụ cải tiến Kaizen giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, dự kiến tăng từ 2% - 5% so với trước khi cải tiến và giảm lãng phí cho doanh nghiệp từ 7% - 15% so với trước khi cải tiến.
Từ đó kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Bài và ảnh: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên