Cây chúc (trúc) hay trấp (chấp, giấp) thuộc chi Cam chanh. Tại các nước còn có tên gọi là chanh Thái, chanh kaffir (kaffir lime), chanh Makrut hoặc chanh Magrood. Loại cây có nguồn gốc từ Châu Á. Tại Việt Nam, đây là một loài cây đặc hữu vùng Bảy Núi An Giang.
Cây chúc ở An Giang là cây trồng thân thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Trước đây, cây chúc chỉ có một số ít ở các phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Cây chúc được người dân Bảy Núi trồng phía trước nhà, vừa để chế biến món ăn vừa dùng để làm thuốc.
Cây chúc là loại thân gỗ, cây trưởng thành có thể cao từ 2-10m. Thân cây có gai ngang. Lá có hình gần như số 8, có tinh dầu, mùi thơm nồng. Hoa nhỏ, trắng thành chùm ngắn ở nách lá. Trái chúc tròn, vỏ khá dày, sần sùi và nhiều nếp nhăn, lúc còn non có màu xanh lục, khi chín có màu vàng. Bên trong, thịt trái chúc màu vàng xanh, ít nước, đặc biệt nước có vị the và rất chua. Đặc biệt, cả lá và trái chúc đều có mùi thơm đặc trưng.
Cây chúc rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhưng cây vẫn phát triển tốt, có thể được trồng từ hạt hoặc chiết cành. Cây chúc trồng từ 5 - 8 năm tuổi mới cho trái, càng lâu năm trái càng nhiều. Mỗi năm, cây chúc ra trái 1 lần vào mùa mưa khoảng tháng 6-8 (âm lịch), năng suất khoảng 150 - 200 trái mỗi cây, từ 8 đến 10 trái một kg. Do số lượng khiêm tốn, nên loại đặc sản này có giá bán cao (gấp 5-6 lần cây cùng họ là chanh), cho thu nhập hàng triệu đồng mỗi cây.
Cả trái và lá chúc đều có những công dụng riêng. Trái chúc có nước cốt chua gắt, hơi the, có thể sử dụng thay thế chanh tạo vị chua dùng để ăn tươi, làm thức uống giải khát, ngâm đường phèn, ngâm rượu hoặc làm gia vị pha nước chấm, trộn gỏi, nấu canh… làm tăng hương vị và hạn chế mùi tanh của một số món ăn.
Lá chúc có mùi thơm đặc trưng như trái chúc nên được nhiều chuyên gia ẩm thực sử dụng như một gia vị để chế biến nhiều món ngon, hấp dẫn, như: gà hấp lá chúc, khô gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc, nấu lẩu hay canh chua…
Ngoài ra, vỏ trái chúc chứa hàm lượng tinh dầu rất cao và có mùi hương rất đặc trưng, thích hợp để chiết xuất tinh dầu làm hương liệu và dược liệu, thường được người dân dùng làm phương thuốc trị bệnh giải cảm, nghẹt mũi, khó tiêu…
Những năm gần đây, khi đến vùng Bảy Núi (An Giang) du khách rất thích thưởng thức các món ăn có hương vị từ trái trúc, lá trúc. Tưởng chừng như sắp tuyệt chủng, loài cây này đã dần được người dân Bảy Núi hồi sinh và trở thành nguồn lợi nhuận mới, giúp thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Là cây đặc thù, thích nghi tốt với thời tiết của vùng Bảy Núi, cây chúc còn gắn liền với sự phát triển của vùng đất này. Từ loài cây được bà con dân tộc thiểu số Khmer trồng quanh nhà để xua rắn và làm thuốc, nay cây chúc trở thành loại gia vị hấp dẫn trong nhiều món ăn, hay được chiết xuất thành tinh dầu. Đây là hướng đi mới, không chỉ góp phần bảo tồn loại cây đặc sản, mà còn giúp đa dạng hóa các sản phẩm từ cây chúc, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nắm được lợi thế của cây đặc sản này, ông Nguyễn Văn Hải ở vùng Bảy Núi, mỗi năm ươm giống bán ra hàng ngàn cây với giá từ 15.000 - 30.000đ/cây (tùy lớn nhỏ).
Đại diện huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cho biết, Công ty ADC Pharma đã nghiên cứu 2 mặt hàng tại vùng Bảy Núi là cây Hoắc hương và cây chúc, đồng thời địa phương cũng đã triển khai dự án trồng, bảo tồn và phát triển trước mắt 11 loại thảo dược trên tổng số 155 loài tại vùng Bảy Núi với qui mô rộng khắp.
Ngoài ra, Viện cây ăn quả miền Nam cũng đã khảo sát và đánh giá chúc là một loài cây chịu hạn rất tốt nên được chọn làm gốc ghép cho các loại cây có múi khác. Đây cũng là cây được nhiều công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp đến xin bao tiêu cung cấp lá và trái để chế xuất làm dược liệu.
Trái chúc khi vào mùa được bán với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Còn vào thời điểm nghịch vụ, những tháng nắng giá lên tới 130.000 - 140.000 đồng/kg.
Bình quân cây một năm thu 40 kg trái, thu được gần 3 triệu đồng. Ngoài việc bán trái, lá chúc cũng bán được giá 220.000 đến 250.000 đồng/kg. Cây chúc loại cổ thụ trên 10 năm tuổi trở lên được giới chơi kiểng săn tìm mua giá từ 5-10 triệu đồng. Còn loại 2 năm tuổi giá giao động khoảng 300.000 đến 600.000 đồng/cây.
Nhờ có rất nhiều công dụng và đem lại giá trị kinh tế cao nên cây chúc từ một loài cây rừng tưởng “tuyệt chủng” lại có dịp hồi sinh và ngày càng được nhiều người quan tâm.
Anh Đặng Hoài Linh (Thị trấn Phú Hòa, Huyện Thoại Sơn, An Giang) là người đã rất thành công trong trồng thử nghiệm Atiso đỏ trên đất An Giang. Sau khi được giải Nhất từ Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018, anh Linh đã tiếp tục khởi động chuỗi cung ứng và tiêu thụ với cây chúc.
Không chỉ dừng lại ở việc bán cây giống như nhiều nơi đang làm, anh Linh đã liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sau đó có hợp đồng thu mua sản phẩm lá, trái chúc với nông dân tham gia trồng.
Việc thực hiện dự án là để mở ra hướng đi mới cho diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây chúc. Bà con nông dân sẽ tăng giá trị sử dụng đất cũng như nâng cao thu nhập, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Lá chúc sẽ được thu mua để sản xuất làm bột gia vị và để xuất khẩu, phần trái sẽ được chiết xuất làm tinh dầu. Đó là hướng đi cho chuỗi liên kết sản xuất mà anh Linh đang hướng tới.
Cây chúc được trồng tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên cây không bị nhiễm các chất độc hại. Vỏ trái chúc chứa hàm lượng tinh dầu rất cao và có mùi hương rất đặc trưng, thích hợp để chiết xuất tinh dầu. Với kiến thức của một giáo viên dạy môn Hóa học, chị Châu Hải Yến (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Tri Tôn) đã quyết định nghiên cứu việc chiết xuất tinh dầu từ loại trái này.
Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại nhưng vẫn kiên trì theo đuổi đam mê, cuối năm 2015, chị Yến đã chiết xuất thành công tinh dầu từ lá và trái chúc. Năm 2016, khi sản phẩm tinh dầu chúc được hoàn thiện.
Kết quả phân tích của Viện Pasteur và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM cho biết trong sản phẩm tinh dầu chúc của cô Yến có rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe. Từ đó, chị Yến bắt đầu sản xuất, bán ra thị trường với tên gọi tinh dầu chúc Yến Hương.
Năm 2018, chị chính thức đưa sản phẩm ra thị trường và nhận được nhiều sự quan tâm vì sản phẩm có mùi thơm độc đáo, dễ chịu, vị the, có dược tính cao, hoàn toàn tự nhiên.
Tháng 9/2019, chị Yến hợp tác thành lập Công ty TNHH Yến Hương Vina tại thị trấn Tri Tôn. Hiện các sản phẩm từ trái chúc của Công ty bán tại nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh: Thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, Tri Tôn, thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, sản phẩm còn được bán trên trang bán hàng trực tuyến. Một chai tinh dầu chúc 5 ml giá 105.000 đồng, chai 10 ml giá 190.000 đồng, bình quân 1.000 kg trái chúc thu được 350 - 400 kg vỏ, chiết xuất được 12 lít tinh dầu.
Chị Yến cho biết, sản xuất được tinh dầu từ trái chúc sẽ nâng cao giá trị sử dụng của trái, từ đó có thể nhân rộng diện tích trồng chúc góp phần phát triển kinh tế địa phương. Không dừng lại ở tinh dầu chúc, chị Yến còn nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm, như: xà bông, dung dịch sát khuẩn, nước rửa chén giúp nâng cao giá trị cây chúc.
Bài: Bảo An
Trình bày: Hoàng Nguyên