Bền bỉ gốm mộc Chu Ru
15/10/2023 lúc 13:30 (GMT)

Bền bỉ gốm mộc Chu Ru

 

Krăng Gọ là vùng đất tụ cư của người Chu Ru, nơi đây còn lưu giữ nghề làm gốm thủ công truyền thống gắn bó hàng ngàn năm.

 

chu ru

K’răng Gọ là tên một ngôi làng của người Chu Ru ở bên bờ sông Đa Nhim (xã Pró, H.Đơn Dương, Lâm Đồng). Vốn là tộc người khéo tay, người Chu Ru đã sớm nổi tiếng khắp vùng với những sản phẩm tinh xảo của nghề làm gốm, làm bạc… Nhưng có thể nói nghề gốm mới đem lại sự thịnh vượng cho người dân Chu Ru tại Đơn Dương thời bấy giờ.

gốm chu ru

Gốm mộc Chu Ru có tiếng vang rất lạ so với gốm những nơi khác. Khi gõ vào tiếng vang rất thanh và xa, nghe như tiếng vang của kim loại, chứ không phải tiếng vang của đất nung. Chính chất đất ở K’răng Gọ, với những hạt li ti óng ánh màu kim loại đã tạo cho tiếng vang của gốm trở nên đặc biệt. Gốm làm từ loại đất này, càng nung càng chắc.

Điều đặc biệt nữa của gốm mộc Chu Ru là tính độc nhất và không hoàn hảo, bởi mỗi sản phẩm đều mang cá tính riêng của người làm. Nghệ thuật gốm Chu Ru đẹp ở chỗ “thật thà, đôn hậu”, không quá gò vào khuôn mẫu. Nếu kỹ lưỡng quá, nuột nà gọn ghẽ quá thì không phải là bản tính của người Chu Ru, càng không phải là nghệ thuật gốm của người Chu Ru.

gốm chu ru

 

gốm chu ru a

 

Dân làng K’răng Gọ làm gốm trong những tháng mùa nắng, từ tháng 11 đến tháng 5 của năm sau. Theo họ, thời điểm này là thuận lợi nhất để cho các nghệ nhân chú tâm tạo ra những sản phẩm đẹp và tốt nhất.

Nguyên liệu để làm gốm là một loại đất sét được lấy từ hầm đất Trồm Ụ ở núi KLơl (cách làng chừng 1,5 km). Đất lấy về phơi khô từ 2 - 3 ngày, cho vào cối giã nhuyễn, sàng lấy bột mịn, trộn với nước và dùng tay nhồi trộn đều cho thật nhuyễn, cho đến khi ánh lên màu đen bạc như chì rồi nặn ra từng sản phẩm như nồi, bình, chén, tô, lu… đủ các kích cỡ.

gom chu ru 4
gốm chu ru 5

Cách thức tạo tác sản phẩm gốm của người Chu Ru ở K’răng Gọ chủ yếu dựa vào đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ. Họ không dùng bàn xoay mà người làm phải đi vòng quanh sản phẩm để nặn. Khi đã nặn ra hình thù sản phẩm, lấy cọng tre quấn tròn lại và tùy độ dày mỏng của sản phẩm mà nạo ở phía trong cho phù hợp và dùng miếng gỗ đập nhẹ hoặc ghè ở phía ngoài cho đều đặn. Xong mang ra phơi khô rồi nung lửa.

Bố cục trên các tác phẩm gốm của đồng bào Chu Ru thể hiện sự tự nhiên, phóng khoáng và tối giản. Hoa văn trên các sản phẩm thường được trang trí ở vai gốm, hoặc tạo đường viền ở vai và gần đáy gốm, hiếm khi họ trang trí toàn thân gốm. Gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru không nhiều hoạ tiết nhưng mềm mại nhờ bàn tay khéo léo nặn thủ công của các nghệ nhân.

chu ru 1
chu ru 2
chu ru 3
chu ru 4

Cách thức nung lửa của họ cũng khá đặc biệt, người Chu Ru không nung trong lò mà nung gốm theo kiểu lộ thiên. Sản phẩm gốm được để trên mặt đất trước sân rồi chất củi xung quanh đốt và thường khi mặt trời xuống núi thì nổi lửa lên nung, khoảng 1 - 2 giờ thì gốm chín. Để sản phẩm có độ bóng láng, người làng K’răng Gọ dùng loại trái có tên pơlai canh (trám rừng) của một cây leo lấy từ trong rừng để đánh cho bóng. Chính phương pháp nung gốm lộ thiên này đã góp phần làm nên dấu ấn của vùng gốm K’răng Gọ.

nung gom

Sản phẩm gốm Chu Ru phổ biến nhất là các loại nồi dùng để nấu cơm, nồi nấu cháo, nấu canh, tô ăn cơm, ấm nấu nước… Về sau, khi cuộc sống người dân trong vùng khấm khá hơn, bà con nơi đây sản xuất thêm nhiều đồ vật dùng để trang trí trong nhà như bình cắm hoa, các loại tượng…

Xưa kia, nơi đây là vùng sản xuất đồ gốm nổi tiếng bậc nhất khu vực Nam Tây Nguyên. Sản phẩm của bà con làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong nội bộ gia đình, dòng tộc, buôn sóc, mà còn được đem đi nhiều nơi đổi lấy lúa gạo, trâu bò,… theo hình thức giao thương hàng hóa.

chu ru
chu ru

Không những thế, đồ gốm mộc Chu Ru còn theo chân những người Ê Đê, Ba Na sang tận Buôn Ma Thuột, Pleiku. Cũng có những thương nhân người Lào, người Campuchia mang vật phẩm đến K’răng Gọ, đổi lấy gốm mộc Chu Ru về dùng và để bán. Gốm mộc Chu Ru đã theo các lái buôn ngược xuôi vang danh khắp vùng. Cứ như thế, đồ gốm của người Chu Ru cư ngụ bên dòng sông Đa Nhim mang trong mình sức sống bỉ suốt nhiều thế kỷ.

          

Những ký ức về gốm mộc Chu Ru vẫn còn đầy vang vọng, ngân lên niềm kiêu hãnh của một thời chưa xa.

          

 

gốm chu ru b

 

Vài chục năm trở lại đây, các vật dụng bằng kim loại hay bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong các căn bếp nên các loại vật dụng bằng gốm không còn được ưa chuộng như trước nữa. Nghề gốm mộc của bà con đồng bào Chu Ru ở K’răng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cũng dần mai một. Sản phẩm gốm làm ra không có nơi tiêu thụ. Đó là nguyên nhân chủ yếu của việc ở K’răng Gọ hầu như không nhà nào còn đỏ lửa duy trì nghề làm gốm mộc không cần bàn xoay rất độc đáo này.

Nhằm khôi phục lại nghề gốm cổ truyền, bà con người Chu Ru ngoài những mẫu mã gốm truyền thống đã biết thiết kế thêm những đồ dùng và những vật phẩm trang trí mới. Hiện nay, các sản phẩm gốm của người Chu Ru còn có thêm ấm trà, tách trà, bình cắm hoa, hộp đựng gia vị, hộp đứng bánh kẹo, chân đèn thờ, chum đốt hương trầm, tượng...

chu ru 6
chu ru 7

Từ đó, mẫu mã gốm mộc Chu Ru đa dạng hơn, tính ứng dụng cũng cao hơn và dễ đi vào đời sống hơn. Nghề nặn đất, nung gốm của đồng bào Chu Ru dần phục hồi và được nối truyền.  

Đã có một đề tài về nghề làm gốm truyền thống của thầy trò Trường THCS Próh đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, năm học 2019 - 2020. Bên cạnh đó, trong những giờ dạy học chương trình địa phương, thay cho việc ngồi nghe giảng trong lớp, các thầy cô đã đưa học trò đến với làng K’răng Gọ và trực tiếp cho các em tham gia quy trình làm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. 

trai nghiem làm gom chu ru

Hiện tại các sản phẩm của nghề gốm mộc Chu Ru đang phát triển rất đa dạng để phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội và nhu cầu của thị trường. Có thể bắt gặp hay chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm mộc Chu Ru ở trong gian bếp, trên bàn ăn ở các khách sạn, nhà hàng từ cao cấp đến bình dân, hay trong các căn hộ gia đình từ thành phố đến nông thôn. Không những thế, sản phẩm gốm mộc Chu Ru còn là điểm nhấn độc đáo trong thiết kế và trang trí nội ngoại thất, sân vườn…

Điều đáng mừng là thế hệ con cháu của các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn Krăng Gọ 2 cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến nghề. Số người làm gốm trong thôn đã tăng lên, số lượng sản phẩm tăng và mẫu mã cũng đa dạng hơn. Nghề gốm gần như trở thành nghề tay trái, được người dân làm lúc rảnh rỗi và có cảm hứng.

gom moc chu ru

Những năm gần đây, với nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó phải kể đến các nghị định quan trọng của Chính phủ như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 với chủ trương duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống...

Bên cạnh đó, từ Chương trình phát triển mỗi làng một nghề gắn với việc triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề; mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây chính là cơ hội để gốm mộc Chu Ru được khôi phục và phát triển.

gốm chu ru

 

          

Sự mai một nghề gốm mộc chỉ là tạm thời. Ánh lửa rơm cháy, củi cháy, ngô cháy và mùi lửa nung gốm vẫn còn âm ỉ đâu đó đang chờ đợi ngày thức giấc.

          

 

gốm

 

gốm chu ru c

 

Nghệ nhân Ma Li, một trong vài nghệ nhân gốm còn lại ở làng K’răng Gọ ( xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) rất tâm huyết phục dựng và phát triển nghề gốm mộc truyền thống của tổ tiên. Với bà, nghề gốm không còn là công việc để duy trì cuộc sống mà chính là tâm huyết cả đời, là lời hứa giữ nghề, giữ linh hồn của làng cho con cháu.

ma li gốm chu ru

Bà Ma Li cho biết, giờ làm nghề này cũng đỡ vất vả hơn làm rẫy, mà thu nhập cao hơn. Không chỉ duy trì nghề, bà Ma Li còn đang truyền lại các kỹ thuật làm gốm cho các con, các cháu bà và những người thích làm gốm trong làng. Nhiều cô giáo, học trò từ Vĩnh Long, Cà Mau,... cũng đến học nghề. Chính quyền địa phương cũng mở lớp dạy nghề làm gốm cho thanh niên nam nữ trong vùng, nhờ bà Ma Ly đến dạy để nghề làm gốm của người Chu Ru không bị thất truyền.

Để phù hợp nhu cầu của khách hàng, bà Ma Li đã trang trí thêm nhiều hoa văn lên sản phẩm gốm của mình, như hình vẽ hoa cỏ, voi, trâu,... Hiện nay nhiều người đã biết đến làng gốm Chu Ru, nhiều đoàn khách từ Vũng Tàu, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Sài Gòn, Hà Nội vào tận nhà bà để tham quan và mua hàng, sản phẩm vừa làm ra đã có khách đặt mua.

trai nghiem lam gom

Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030. Trong đó nghề truyền thống làm gốm của người đồng bào dân tộc Chu Ru ở buôn Krăng Gọ 1, xã P’Ró (huyện Đơn Dương) được đưa vào mục nghề truyền thống có nguy cơ mai một thất truyền, cần được giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Điều đó có nghĩa nghề làm gốm của người Chu Ru sẽ được chính quyền địa phương chú ý tạo điều kiện để lưu truyền và phát triển. Điều đó cũng có nghĩa những người yêu và luôn giữ lửa nghề như bà Ma Li sẽ phần nào yên tâm nghề truyền thống của dân tộc không bị thất truyền.

gốm chu ru a
          

Bài: Gia Hân
Trình bày: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí