Cứ độ tiết tháng 3, hoa sơn tra nở bung sắc trắng làm bừng sáng những triền núi, bìa rừng nơi vùng cao Mù Cang Chải. Sắc trắng tinh khôi, thuần khiết ấy như báo hiệu cho bà con người Mông nơi rẻo cao sắp đón thêm một mùa vụ ấm no.
Sơn tra hay còn gọi là quả táo mèo, quả chua chát, được trồng nhiều ở các vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, nhưng khu vực cho quả sơn tra thơm, mùi vị đặc trưng và độ chua - chát cân bằng nhất là vùng Yên Bái. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, khu vực đồi núi lại có độ cao trên 1000 mét, là những điều kiện vô cùng thích hợp để cây sơn tra sinh trưởng. Ở Yên Bái, sơn tra phát triển tập trung ở 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
Cây sơn tra có chiều cao trung bình chừng 7 - 10m, thân gỗ, tán lá rộng, mang nhiều cành, cành non có nhiều lông. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng nhọn. Hoa tự thành tán, có 4-5 hoa màu trắng, 5 lá đài, 5 cánh hoa, bầu có 5 tâm bì. Quả thịt, hình cầu, đường kính 1,5-3cm, có khi to hơn, trên chòm còn vết của đài sót lại.
Cây bắt đầu ra hoa từ tháng 3 và đến đầu tháng 9 cho thu hoạch quả. Quả sơn tra ngon không phải quả to, đẹp mã mà phải lựa quả nhỏ, thơm chắc. Sơn tra có màu vàng nhẹ, có quả chín má hồng, mùi thơm dịu, vị chua, chát pha chút ngọt thanh.
Quả sơn tra chứa các hoạt chất như vitamin C, protit, tanin, acid hữu cơ, hydrat cacbon và nhiều chất dinh dưỡng khác có tác dụng kháng khuẩn, chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường khả năng miễn dịch, trấn an tinh thần, điều chỉnh rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, giảm mỡ máu và giảm nguy cơ béo phì, viêm cầu thận cấp và mãn tính, phòng đau thắt ngực. Ngoài ra, sơn tra còn có tác dụng làm đẹp da, mịn da... Sơn tra cũng được chế biến thành siro, rượu, mứt. Mỗi năm hàng vạn tấn quả bà con thu hái được tiêu thụ hết.
Trên hành trình đi tìm đất mới, người Mông di chuyển từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, cánh rừng này sang cánh rừng khác rồi định cư lại nhưng tuyệt nhiên không ai chặt phá cây sơn tra để trồng ngô, trồng lúa. Cây sơn tra cứ năm này sang năm khác sinh sôi nảy nở.
Biến cây dại thành cây hàng hóa
Sơn tra là loại trái cây đặc sản nổi tiếng vốn mọc tự nhiên thành rừng tại mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ. Giờ đây, Sơn tra đã trở thành loại cây chủ lực mang lại giá trị kinh tế cho bà con vùng cao huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Những năm gần đây, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã tập trung đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng cây sơn tra và bước đầu cho hiệu quả cao.
Để khai thác hiệu quả kinh tế của loại cây này, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều giải pháp như quy hoạch vùng phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải”…
Năm 2016, Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai với mục tiêu đến năm 2020 diện tích sơn tra đạt 10.000 ha, sản lượng đạt trên 7.500 tấn, tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Đề án được người dân vùng cao hưởng ứng mạnh mẽ.
Các hộ tham gia được nhận hỗ trợ cây giống, nhân công trồng, chăm sóc rừng trồng bổ sung và được hưởng toàn bộ sản phẩm khi cây cho quả; được hưởng tiền công bảo vệ rừng; được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm giàu rừng và các dịch vụ khác.
Nhằm đẩy nhanh diện tích trồng mới, cung ứng giống tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng so với gieo hạt, năm 2017, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cây Sơn tra ghép trên địa bàn huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Sau thời gian thử nghiệm, kết quả đã sản xuất và bàn giao được hơn 103.200 cây giống Sơn tra ghép (năm 2019: 12.600 cây; năm 2020: 90.600 cây) đảm bảo tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật.
Tính riêng năm 2018, huyện trồng cây sơn tra xen ghép vào 200 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Năm 2019 toàn huyện trồng mới gần 260 ha trong đó tập trung nhiều ở các xã Nậm Khắt, Mồ Dề... Từ trồng và phát triển cây sơn tra, trung bình mỗi năm, người dân Mù Cang Chải thu hái được hơn 2.000 tấn quả, đưa thu nhập từ sơn tra lên đến hàng chục tỷ đồng.
Năm 2023, trên địa bàn huyện đã có trên 6.000 ha cây sơn tra, vừa mọc tự nhiên, vừa được trồng tại khu vực đồi núi thấp, trong đó trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 3.000 tấn mỗi năm. Diện tích trồng cây sơn tra tập trung chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo…
Có thể nói, chủ trương trồng sơn tra trên đất trống rừng phòng hộ, trên đất quy hoạch cho sản xuất, dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện tại, huyện Mù Cang Chải tiếp tục rà soát diện tích rừng, tăng nhanh diện tích cây trồng, tạo vùng nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến quả sơn tra.
Ấm no cùng trái sơn tra
Năm 2016, quả sơn tra (táo mèo) của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với tên gọi “Sơn tra Mù Cang Chải”. Từ khi được cấp Giấy chứng nhận, huyện tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất về việc thu hái, kinh doanh sản phẩm sơn tra non, quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng nhằm duy trì, đảm bảo những tiêu chuẩn và đặc tính riêng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận.
Vào mùa thu hoạch sơn tra (từ tháng 9 đến tháng 11), các đầu mối từ thành phố Yên Bái lên tận huyện Mù Cang Chải để thu mua quả, tập trung ở chợ Ngã Ba Kim, chợ trung tâm thị trấn… Trái sơn tra được phân thành nhiều loại khác nhau. Loại quả to đẹp bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, loại trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi gia đình đồng bào Mông có thể thu vài chục triệu đồng/năm từ thu hái sơn tra.
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái sơn tra, huyện đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ với các nhà phân phối, bán hàng tại các trung tâm, thành phố, thành lập tổ hợp tác xã thu mua và chế biến sản phẩm quả sơn tra trên địa bàn huyện.
Không chỉ phát triển cây sơn tra gắn với kinh tế hộ gia đình, hiện sơn tra đang được Mù Cang Chải phát triển gắn với du lịch. Đây là một trong những lợi thế quan trọng để huyện Mù Cang Chải thu hút du khách ở mọi nơi, mang lại thu nhập cho người dân.
Tháng 3 vừa qua, huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với huyện Mường La, tỉnh Sơn La tổ chức “Ngày hội hoa sơn tra” năm 2023, thu hút đông đảo du khách. Tham gia Ngày hội, huyện Mù Cang Chải đã có cơ hội giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có một số sản phẩm được làm trực tiếp từ quả Sơn tra. Việc tổ chức thành công Ngày hội cho thấy tiềm năng du lịch từ mùa hoa sơn tra, từ lợi thế này có thể tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo phát để huy giá trị cây sơn tra. Ngày hội khép lại đồng thời đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho người dân trong vùng.
Để cây sơn tra thực sự trở thành cây sinh kế của đồng bào, cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ với đơn vị thu mua, chế biến; đặc biệt là có các cơ sở chế biến quy mô đủ lớn, bao tiêu sản phẩm, đa dạng các sản phẩm chế biến từ sơn tra.
Khởi nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương Yên Bái, tháng 7/2022, chị Đoàn Thị Lương và một số cộng sự đã cùng nhau liên kết, thành lập HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương với mong muốn đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, thương hiệu sơn tra Yên Bái trên thị trường.
Thay vì bán sản phẩm tươi truyền thống, HTX đã chế biến trái sơn tra thành các sản phẩm như giấm, ô mai và mứt... Trung bình mỗi vụ, HTX chế biến và tiêu thụ khoảng 150 tấn sơn tra trong đó sản lượng ô mai khoảng 2 tấn, mứt 2 tấn và 2.000 lít rượu sơn tra. Chỉ sau gần 1 năm thành lập, doanh thu của HTX đã lên đến 500 triệu đồng, đồng thời tạo thu nhập cho các thành viên trong HTX từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Việc thành lập HTX chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra đã mở ra hướng đi mới cho quả sơn tra ở Yên Bái, giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn. Từ những sản phẩm chỉ được ký gửi tại các cửa hàng, gian trưng bày tại hội chợ... đến nay, các sản phẩm của HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là sản phẩm mứt và ô mai.
Hiện HTX đang đăng ký hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Yên Bái. Ngay khi được chấp thuận vay vốn, HTX sẽ đầu tư thêm các máy móc phục vụ cho sản xuất, giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán online, trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý khu du lịch trong và ngoài tỉnh.
Bài: Hà Đan
Trình bày: An Nguyên