Chạm khắc bạc: Nghề thủ công chứa “hồn vía” người Mông
18/11/2022 lúc 20:00 (GMT)

Chạm khắc bạc: Nghề thủ công chứa “hồn vía” người Mông

Vòng bạc được coi là nơi hội tụ sức mạnh và nơi cư ngụ của thần linh, được thầy cúng phù phép để làm vật phẩm có chức năng là diệt trừ tà ma, bảo vệ sức khỏe. Khi con gái về nhà chồng, cha mẹ thường tặng đồ trang sức bằng bạc làm của hồi môn - vừa có ý nghĩa tinh thần vừa là món quà rất có giá trị.

Cho đến nay, các sản phẩm chạm khắc bạc vẫn giữ vị trí không thể thay thế trong đời sống của người Mông ở Sapa.

Việc chạm khắc bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ và tính thẩm mỹ cao. Để tạo ra một sản phẩm trang sức bằng bạc, nghệ nhân Mông phải thực hiện qua nhiều công đoạn cầu kỳ để tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng, được cộng đồng ưa chuộng.

cham bac a

Bộ công cụ chế tác bạc của người Mông gồm: Bễ thổi - “pux”; lò nung - “áng”; nồi nấu bạc - “lò cox”; khuôn đúc - "đangz giôz"; búa đập - “traurx” có 4 loại búa (búa sừng trâu - "cừ traurx nhux cú", búa quai tay -“traurx”, búa nhỡ và búa con); kìm sắt - “kè”: có 3 loại (loại dài dùng để chọc than, gắp nồi nấu bạc hoặc điều chỉnh vị trí nồi trong lò nung trong quá trình nấu bạc; loại ngắn hơn dùng chủ yếu để gắp sản phẩm trong quá trình tôi cũng như chế tác khi bạc còn nóng; loại kìm nhỏ dùng để cặp bạc trong quá trình gia công chế tác trên đe nhằm tạo hình, tạo dáng cho sản phẩm lần cuối). Các loại kìm này đều có đặc điểm chung là có mỏ dài, hơi cong, cán gỗ. Đe “thái”, dùng để kê trong quá trình tạo hình cho sản phẩm.

cham bac

Bộ đục chạm hoa văn: gồm 4 loại được làm bằng đinh sắt có hình dáng, kích thước, chức năng sử dụng khác nhau: "ná tram" dùng để chạm hoa văn hình li ti, "tủ ma" dùng để chạm hoa văn hình chấm, "khó chủ" dùng để chạm các đường sọc dài, "chầy nấy nix" dùng để chạm các loại hoa văn hình bán nguyệt. Ngoài ra còn có "sừ phăng" dùng để chạm các loại hoa văn hình vuông.

cham bac

 

Các sản phẩm được tạo ra từ nghề chạm khắc bạc bao gồm:

- Vòng cổ - "pâux cu đăng"; vòng tay - “pâux tês”.

- Vòng tay có hai loại: vòng bản dẹt và loại vòng có tiết diện tròn. Trên mặt vòng khắc hình hoa lá, hình con bướm,… theo lối tả thực.

- Vòng vía - "pâux sux" là loại vòng được chế tác riêng, dùng để đeo cho trẻ em và người lớn khi bị ốm, gồm ba loại: vòng chân, vòng cổ và vòng tay. Vòng vía thường được thiết kế một chiếc khóa móc ở quãng hở, khi đeo xong, thầy cúng cài khóa lại coi như giữ không cho vía rơi ra ngoài, không cho tà ma xâm phạm cơ thể.

- Vòng tai (khuyên tai) - "vòng che pláx", xược cài tóc là loại trang sức dành riêng cho phụ nữ.

- Nhẫn ngón tay "khay": gồm 2 loại: tiết diện tròn và dẹt. Đeo nhẫn có tiết diện tròn là dấu hiệu của những người còn độc thân (trai chưa vợ, gái chưa chồng) hoặc đã goá vợ/chồng và đang có ý định tái giá.

 

 

cham bac 1
cham bac 2
cham bac 3
cham bac 4

 

Người làm nghề chạm khắc bạc đòi hỏi phải có tính kiên trì, cần cù và sáng tạo, vì quy trình chế tác sản phẩm bạc phải qua nhiều khâu đoạn cầu kỳ, phức tạp: đốt lò - "cháu lán tôx" để nung bạc; nung bạc - “nhà dàng”; đổ khuôn - "giố nhiax"; chế tác hình dạng bạc trên đe - “chaux  paux”; chạm khắc hoa văn - "plòng xux”; tu sửa, đánh bóng sản phẩm.

 

cham bac
cham bac

Người Mông quan niệm, vạn vật đều có linh hồn và bếp cũng có thần bếp cai quản. Do vậy, trong quá trình hành nghề các nghệ nhân phải tiến hành một số nghi lễ cúng để cầu mong hành nghề suôn sẻ, không bị tai nạn rủi ro; sản phẩm không bị cháy, bị hỏng,...

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu, năm 2013, nghề Chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2013.

 

TÌM ĐẦU RA

cho sản phẩm thủ công Tây Bắc

cham bac 1
cham bac 2
cham bac
cham bac 2
cham bac 2

 

Cùng với nghề chạm bạc của người Mông, vùng Tây Bắc còn có rất nhiều nghề thủ công đặc sắc của trên 30 dân tộc. Và, để bảo tồn được những giá trị độc đáo này, phải giải được “bài toán” đầu ra cho các sản phẩm.

Những nghề truyền thống trước nguy cơ mai một

Nguyên nhân do không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp. Đơn cử, làng nghề đúc lưỡi cày Bản Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) 200 năm tuổi đến nay đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nguyên nhân của việc mai một này là bà con bản địa thay đổi tập quán canh tác, không dùng cày để làm đất như trước, mà sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ... cho nhanh. Bên cạnh đó, chợ lại xuất hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán với giá thấp hơn, nên các sản phẩm truyền thống của bà con khó bán được, nhiều hộ gia đình chán nản nên không làm nữa.

danlat
nghe gom
tho cam

Hoặc nghề dệt thổ cẩm của người Thái, nghề gốm của người Thái đen ở Chiềng Cơi và Mường Chanh - Sơn La. Trước đây nghề gốm khá phát triển, vào lúc nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng làm gốm. Thời điểm hưng thịnh nhất vào các năm 1979 - 1985, gốm Mường Chanh có mặt ở khắp các huyện, thị trong tỉnh và nhiều địa phương khác. Tới nay, gốm Mường Chanh đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm sành, sứ, nhựa nội ngoại được nhập ồ ạt trên thị trường.

Hay như nghề đan lát ở 3 xóm Bản Thay, Boong Trên và Boong Dưới thuộc xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), đã có cách đây hàng trăm năm, đến nay cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống đan lát, bởi các sản phẩm từ nhựa được bày bán tràn lan, lại gọn nhẹ, tiện lợi hơn, nên nhu cầu về sản phẩm từ tre, nứa giảm xuống. Nghề đan lát bỗng chốc trở thành việc làm thời vụ.

dan lat

Không chỉ bị ảnh hưởng do bị các sản phẩm hiện đại cạnh tranh, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nghề thủ công ở nhiều địa phương vẫn bị coi là nghề phụ, dành cho lao động phụ để có thu nhập phụ, nên thường bỏ mặc cho nghề và làng nghề vùng dân tộc thiểu số tự xoay sở. Khi có những khó khăn, những người làm nghề bỏ nghề, khiến các nghề đó tự mai một, tự thất truyền.

cham bac

Giữ nghề truyền thống để phát triển bền vững

Lào Cai là một trong những địa phương có những chính sách khá tốt trong việc bảo tồn và giữ gìn nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong khuôn khổ dự án “Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông” làng Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa), Lào Cai đã tiến hành bảo tồn 4 nghề thủ công truyền thống là: Nghề dệt thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc, nghề rèn đúc, nghề mộc, đan lát mây - tre - rơm, giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội lớn cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu các sản phẩm làng nghề.

tho cam

 

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sa Pa, đã có 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm thuộc các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả với trên 1.000 hộ tham gia, mỗi năm đưa ra thị trường từ 32.000 - 35.000 m vải. Các huyện Văn Bàn, Bắc Hà... cũng đã hình thành nhiều làng nghề thêu, dệt thổ cẩm, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi. Các làng nghề nấu rượu nổi tiếng và sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, như rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà), rượu San Lùng, Bản Xèo (Bát Xát)...

det lanh
lam giay
lam khen
nghe ren

Tỉnh Hà Giang cũng là một trong những địa phương có nhiều quan tâm đến các làng nghề truyền thống. Có thể kể đến như nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc Mông, làng nghề thổ cẩm của dân tộc Lô Lô, dân tộc Pà Thẻn, làng nghề chạm bạc, nghề làm giấy bản của dân tộc Dao, nghề làm khèn Mông, nghề rèn dao, nghề rèn lưỡi cày...

Một trong những mô hình gìn giữ nghề truyền thống tốt ở Hà Giang là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Khi thấy nghề truyền thống bị mai một, bà Vàng Thị Mai cùng chồng đã đứng ra vận động bà con trong xã, góp vốn xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm Hợp Tiến tại nhà riêng của mình. Rồi bà đi khắp các bản làng để vận động chị em tham gia cơ sở dệt Hợp Tiến.

ba mai

Thời gian đầu chỉ có 10 người đăng ký tham gia. Bà giao đất cho từng người trồng lanh để có nguyên liệu dệt vải. Sau một thời gian, các sản phẩm làm ra khá nhiều, nếu chỉ trông vào sức mua ở địa phương thì số lượng rất hạn chế. Bà Mai đã khăn gói vượt cổng trời Quản Bạ, xuống Hà Nội tham dự các hội chợ để quảng bá sản phẩm truyền thống.

lung tam

Sau những chuyến đi đó, nhiều khách hàng đã liên hệ mua sản phẩm của bà. Từ đó, nhiều khách hàng đã tìm đến tận nơi để ký hợp đồng. Sau này, bà tiếp cận được với Dự án duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, giúp phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển.

Hợp tác xã còn hợp tác với Trung tâm hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Craftlink... để quảng bá, tìm kiếm thị trường... Đến nay, HTX Hợp Tiến đã có 130 khung dệt truyền thống, sản phẩm đa dạng, xuất khẩu sang 20 nước, trong đó có những thị trường đặc biệt ưa chuộng sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám như Mỹ, Nhật, Pháp...

trang phuc 2

Đến nay, một số tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng... cũng đã quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển du lịch. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng dân cư, cho đồng bào các dân tộc.

dan lat
tho cam

Việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống các dân tộc thiểu số là cần thiết và cần có cơ chế chính sách hợp lý. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng, việc phát triển các sản phẩm nghề và làng nghề phải phù hợp với đời sống xã hội, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch... giới thiệu rộng rãi và đưa sản phẩm thủ công truyền thống đến khách hàng, du khách trong và ngoài nước, để những nghề và làng nghề trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ và phát triển, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc.

le hoi

Trình bày: Duy kiên - Ánh Tuyết


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí