Trái vú sữa tím của tỉnh Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn ở cả một số thị trường trên thế giới. Nhờ trồng cây vú sữa tím, người dân đã có đời sống ổn định, thu nhập năm sau tăng cao hơn năm trước.
Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là đứng đầu cả nước với hơn 400.000 người, chiếm khoảng 30% tổng số dân của tỉnh.
Nằm sát với sông Hậu, từ lâu, tỉnh Sóc Trăng được xem là vùng đất trù phú, màu mỡ có tiềm năng lớn về các loại cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là trái vú sữa tím. Với mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nên vú sữa tím hiện nay đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ trồng cây vú sữa tím, người dân đã có đời sống ổn định, thu nhập năm sau tăng cao hơn năm trước.
Giống vú sữa tím có nguồn gốc từ xã Xuân Hòa, cây “tổ” của giống này được trồng khoảng những năm 1960 tại ấp Hòa Lộc - xã Xuân Hòa, sau đó được nhân rộng ra các ấp Cứ Mạnh (xã Xuân Hòa), ấp 2 và ấp 3 (xã Trinh Phú) và nhiều xã khác trên địa bàn huyện.Trong điều kiện canh tác bình thường, vú sữa Tím cho thu hoạch từ cuối tháng 11 đến tháng 3 dương lịch năm sau.
Thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch trung bình khoảng 8 tháng. Phiến lá hình elip, mặt trên màu xanh, mặt dưới có màu vàng nâu; chùm bông màu vàng nâu nhạt. Trái có hình cầu với đỉnh trái và đáy trái dạng tù (trung bình), khi chín trái có độ bóng vỏ trung bình đến khá với màu tím đậm.
Mủ vỏ trái nhiều; thịt trái có màu trắng tím viền gần vỏ; cấu trúc thịt trái mềm, khá nhiều nước; vị ngọt (độ brix 13,07%), độ béo trung bình; độ dày vỏ: 7,78 mm; số hạt trung bình 4,3 hạt/trái; tỷ lệ ăn được 42,81%. Trọng lượng trái từ 160- 300 gram
Đặc điểm sinh học của giống vú sữa tím rất khác biệt, dễ nhận ra so với các giống vú sữa khác là cây ra hoa, kết trái đầy cành, cho thu hoạch trái từ tháng 10 đến tháng 6 của năm sau, chất lượng trái ngon, khi chín từ 70% trở lên không có mủ. Đặc biệt, thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch trái khoảng 4 - 5 tháng, sớm hơn giống vú sữa thông thường khoảng 1 tháng. Năng suất cao nên sản lượng lên đến 20 tấn/ha/năm theo hình thức chuyên canh và chọn lấy trái thời điểm chính vụ.
Vú sữa là một trong những loại trái cây được xếp vào sản phẩm đặc sản trong quy hoạch phát triển cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng. Ngoài các giống vú sữa thường, hiện nay trái vú sữa tím Sóc Trăng xuất khẩu được sang thị trường Hoa Kỳ trong nhiều năm qua đã góp phần tăng thu nhập cho nhà vườn.
Từ lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính Hoa Kỳ vào năm 2018, đến nay, Sóc Trăng đã trở thành địa phương có sản lượng vú sữa xuất khẩu lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2020 - 2021, tỷ trọng xuất khẩu loại đặc sản vú sữa của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ gấp 3 lần so năm 2019 và gấp 8 lần so với năm đầu tiên. Vụ mùa năm 2022, các hợp tác xã đã xuất khẩu tổng cộng trên 153 tấn vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ và một số nước khác. Nhờ xuất khẩu ổn định, vú sữa tím Sóc Trăng được bao tiêu đầu ra với giá 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với thị trường nội địa.
Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Sóc Trăng có diện tích vườn cây vú sữa hơn 2.300ha, trong đó, huyện Kế Sách là vùng trồng nhiều vú sữa nhất với gần 2.000 ha, chủ yếu là giống vú sữa tím, tập trung tại các xã: Thới An Hội, Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh.
Hiện huyện Kế Sách đang mở rộng diện tích trồng cây vú sữa tím nhằm đảm bảo sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Huyện đã khuyến khích các nhà vườn hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra số lượng trái cây lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng trong và ngoài nước.
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú huyện Kế Sách), việc quan tâm nâng cao chất lượng và đảm bảo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để trái vú sữa đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật được thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ chấp nhận luôn được hợp tác xã đặc biệt chú trọng. Hợp tác xã đã phối hợp xây dựng mô hình sản xuất cây vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 49 ha với sự tham gia của hơn 20 thành viên.
Tham gia mô hình, các thành viên đã tuân thủ đúng quy trình VietGAP. Từ khi đậu quả đến khi thu hoạch đều tuân theo quy trình nghiêm ngặt mới đảm bảo cho trái vú sữa tím đủ tiêu chuẩn để “xuất ngoại”.
Việc xây dựng mã số chứng nhận chất lượng vùng trồng cũng được quan tâm bởi giúp người nông dân sản xuất có trách nhiệm. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ lúc cây vú sữa đang ra hoa, quả, toàn bộ sản lượng của nhà vườn đã được các doanh nghiệp xuất khẩu bao tiêu, với giá thành cao và ổn định.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất vú sữa tím, đồng thời, tuyên truyền bà con tăng cường các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và xây dụng thương hiệu cho trái vú sữa tím ở địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ trên cây vú sữa,” mục tiêu là hướng đến sản phẩm sạch an toàn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần tăng giá trị cho trái vú sữa và đem lại thu nhập cao cho nông hộ.
Trong Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, vú sữa tiếp tục được xác định là sản phẩm chủ lực trong 6 nhóm cây ăn trái được lựa chọn với quy mô diện tích vùng trồng dự kiến sẽ được mở rộng lên đến 2.370 ha; sản lượng vú sữa của tỉnh theo đó sẽ tăng tỷ lệ thuận với diện tích gieo trồng.
Với việc xây dựng kinh tế tập thể theo hình thức hợp tác xã và áp dụng biện pháp trồng tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, thực hiện ký kết bao tiêu tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nhiều nhà vườn trồng vú sữa tím ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng không chỉ bán được giá cao, ổn định mà còn đưa sản phẩm vú sữa tím của địa phương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Để sản phẩm trái vú sữa đạt sản lượng lớn cùng chất lượng và tiêu thụ tốt trên thị trường, những năm trở lại đây, Sóc Trăng đã hỗ trợ nhà vườn trồng vú sữa kết nối nhau, thành lập các hợp tác xã chuyên trồng vú sữa. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã kêu gọi công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ trái vú sữa cho các hợp tác xã. Hiện trên địa bàn huyện Kế Sách đã thành lập được 6 hợp tác xã liên kết tiêu thụ vú sữa.
Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng hiện có 23 thành viên tham gia trồng vú sữa tím, ước tính sản lượng trái năm nay đạt từ 1.000 - 1.200 tấn. Hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg đến cuối vụ, giá bao tiêu này cao hơn so với giá thị trường nội địa từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ngoài việc bán cho công ty, hợp tác xã còn bán trái vú sữa tím cho các siêu thị, cửa hàng cao cấp tại Cần Thơ, Đồng Tháp và Tiền Giang, sản lượng từ 1 - 1,5 tấn trái/tuần.
Thông qua liên kết tiêu thụ đã nâng cao chất lượng sản phẩm trái qua từng năm, đặc biệt nâng cao ý thức nhà vườn trong khâu chăm sóc vườn vú sữa tím của gia đình. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng vú sữa hợp tác xã đã cung ứng cho công ty xuất khẩu hơn 180 tấn. Ngoài sản lượng vú sữa cung cấp công ty xuất khẩu, số lượng vú sữa còn lại của hợp tác xã được bán cho các doanh nghiệp thu mua đưa vào các cửa hàng cao cấp, giá bán cao hơn so với bên ngoài từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Riêng giá bán trái vú sữa có hợp đồng liên kết với công ty xuất khẩu luôn ổn định ở mức 30.000 đồng/kg, cao hơn bên ngoài từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, đã góp phần tăng lợi nhuận đáng kể cho nhà vườn. Hiện hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi có 32 ha đạt chứng nhận VietGap và có 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Vụ thu hoạch năm 2022 đã có gần 20 tấn vú sữa tím được thu hoạch và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Với diện tích canh tác 72 hecta, hợp tác xã đã được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Nga và Australia, giải quyết công ăn việc làm cho 46 hộ thành viên với thu nhập khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/hộ. Xuất khẩu vú sữa tím không chỉ giúp các hộ dân gia tăng hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần nâng cao thương hiệu nông sản địa phương.
Theo thống kê của tỉnh Sóc Trăng, tính từ năm 2018 đến nay, sản lượng vú sữa giữa công ty, doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết tiêu thụ đạt hơn 770 tấn, trong đó xuất khẩu hơn 565 tấn, sản lượng còn lại tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, niên vụ vú sữa 2018 - 2019 hơn 32 tấn; niên vụ 2019 - 2020 hơn 99 tấn; niên vụ 2021 - 2022 hơn 153 tấn và niên vụ 2022 - 2023 hơn 118 tấn.
Giá vú sữa được công ty, doanh nghiệp xuất khẩu mua tại hợp tác xã trung bình từ 30.000 - 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm), cao hơn thị trường từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.
Bài: Gia Hân
Trình bày: An Vũ