Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới “thay da đổi thịt”
17/08/2023 lúc 11:00 (GMT)

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới “thay da đổi thịt”

Bộ Công Thương đã và đang xây dựng, hướng dẫn địa phương thực hiện việc xem xét, đánh giá, xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tạo cơ sở thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn.

Theo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, báo cáo sơ bộ các địa phương, tính đến tháng 6 năm 2023, cả nước có 7.813/8.177 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chiếm 95,5% tổng số xã cả nước.

Trong đó:

-  Khu vực Trung du miền núi phía Bắc: 1.837/2.019 xã, đạt 91,0%

- Khu vực đồng bằng sông Hồng: 1.733/1.733 xã, đạt 100%.

- Khu vực Bắc Trung Bộ: 1.293/1.380 xã, đạt 93,7%.

- Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: 749/791 xã, đạt 95,9%.

- Khu vực Tây Nguyên: 562/590 xã, đạt 95,3%.

- Khu vực Đông Nam Bộ: 414/421 xã, đạt 98,3%.

- Khu vực đồng bằng sông Cửu Long: 1.225/1.253 xã, đạt 97,8%.

Các loại hình và cấp độ chợ được phân thành chợ đầu mối nông sản tại các địa phương; chợ chuyên doanh; chợ đầu mối bán buôn một hoặc một số mặt hàng nhất định; chợ hoa-sinh vật cảnh; chợ văn hóa-du lịch; chợ ẩm thực…).

Đến nay, công tác đánh giá, thẩm định, xét công nhận tiêu chí đạt chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định 1214/QĐ-BCT ngày 22 tháng 6 năm 2022 về việc hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 đang được các địa phương nghiêm túc thực hiện. Về cơ bản, các địa phương đã hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu của người dân.

 

Quy hoạch đi trước một bước

Trước đây, Bộ Công Thương đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đến nay, Luật Quy hoạch đã yêu cầu tích hợp các quy hoạch hạ tầng thương mại trước đây vào Quy hoạch tỉnh, vùng, quốc gia.

Cùng với đó, về phía địa phương, các Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành các Quy hoạch phù hợp với từng thời kỳ, nhằm định hướng phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh. Đến nay, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch phát triển chợ, một số tỉnh đã có quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu,…có khoảng 35 tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định về quy trình đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ; Quy định quy trình chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý kinh doanh chợ trên địa bàn.

Chợ Nông thôn mới
Chợ nông thôn mới

Mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại, với lưu lượng hàng hóa bình quân chiếm từ 35-40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22-25%).

 

Những thành quả trong phát triển chợ những năm qua

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn vừa qua, mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại. Chợ nông thôn gắn bó mật thiết với sản xuất và đời sống của nông dân. Các doanh nghiệp và hộ gia đình ở nông thôn tiêu thụ sản phẩm của mình chủ yếu thông qua chợ.

Cùng với đó, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của dân. Riêng các chợ ở khu vực nông thôn, số lượng người buôn bán bao gồm những người buôn bán thường xuyên, cố định và người bán hàng không thường xuyên (bao gồm cả những người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm tự sản xuất).

Chợ Nông thôn mới
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Bên cạnh đó, việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thương mại thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới đã tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nông dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Công tác quản lý hoạt động của chợ ngày một tốt hơn. Việc tổ chức, sắp xếp các điểm kinh doanh ngày một khoa học, phù hợp dần với các thiết kế xây dựng, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, đảm bảo môi trường và giải quyết, xử lý các vấn đề đặt ra.

chợ nông thôn mới
chợ nông thôn mới

Có thể nói, việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thương mại thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới đã tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nông dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Lê Việt Nga cho biết thêm.

Quan tâm xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đã góp phần định hướng cho  người dân trong sản xuất nông nghiệp; qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; Đảm bảo tiêu thụ ổn định cho người sản xuất nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế; góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” và tăng thu nhập cho người nông dân; Tạo được việc làm ổn định và tăng thu nhập cho lao động nông thôn; qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chợ Nông thôn mới

Còn đó những khó khăn

Cũng theo bà Lê Việt Nga, trong giai đoạn qua, các chợ ở các xã thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các tỉnh chủ yếu được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới từ nguồn ngân sách của địa phương, và nguồn vốn xã hội hóa, không có vốn từ nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (do quy mô nhỏ, sinh lợi ít...).

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ còn hạn chế do nhân lực ít, cán bộ tuyến xã, phường kiêm nhiệm nhiều chương trình cùng lúc và một số chưa được đào tạo về nghiệp vụ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nên dẫn đến việc quản lý còn thiếu tính hệ thống, chưa thực sự gắn kết để phối hợp triển khai thực hiện.

Đối với các cơ sở bán lẻ khác ở nông thôn như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp hầu hết do cá nhân, hộ kinh doanh quản lý nên khó khăn trong quá trình đánh giá. Kinh phí hỗ trợ để thực hiện xây dựng mô hình còn ít nên tính lan tỏa của việc xây dựng mô hình còn thấp. Việc triển khai mô hình tại vùng sản xuất nông nghiệp không tập trung gặp nhiều khó khăn trong vấn đề vận động bà con tham gia vào mô hình.

Trả lời phóng viên Tạp chí Công Thương mới đây, ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho rằng, cái khó căn bản nhất của địa phương Bắc Kạn vẫn là cái kinh phí thực hiện hạn hẹp. Nguồn vốn tỉnh cấp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chợ, trong đó có chợ an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chí nông thôn mới không nhiều. Trong những năm vừa qua, được Bộ Công Thương hỗ trợ và do đối ứng địa phương đã thực hiện được một số chợ đảm bảo an toàn thực phẩm và  đã nghiệm thu.

Chợ Nông thôn mới
Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn

Theo ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng GĐ - HTX chợ Hải An, Ủy viên BCH Hiệp hội chợ Việt Nam, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu dành để hỗ trợ đầu tư chợ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng khó để tiếp cận được nguồn vốn này. Nhìn chung, những chính sách xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là do các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, vì vậy, chưa nhìn thấy được sự thống nhất, chưa đủ để thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, phát triển chợ.

chợ nông thôn mới
Ông Hoàng Minh Luân, Phó Tổng Giams đốc - HTX chợ Hải An,

Từ những khó trên, theo bà Lê Việt Nga cũng đề xuất cơ quan chức năng trong việc bố trí vốn từ ngân sách trung ương kết hợp với địa phương phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện các hạng mục của Tiêu chí số 7 và các chương trình bồi dưỡng tập huấn về quản lý chợ. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025 đề nghị xem xét, xác định tiêu chí đánh giá hạ tầng thiết yếu (y tế, văn hóa, thương mại…) trong đó có hạ tầng thương mại nông thôn để lựa chọn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Về lâu dài, đối với phần hạ tầng thương mại, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã có đưa chợ an toàn thực phẩm và một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá với nông thôn mới nâng cao và Bộ Công Thương đã được cụ thể hóa, chi tiết tại Quyết định số 1214 ban hành tháng 6 năm 2022.

Các tiêu chí đối với hạ tầng thương mại tại các xã, địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong đó quy định rất rõ chi tiết về chợ an toàn thực phẩm phải tuân thủ những điều kiện gì.

chợ nông thôn mới
chợ nông thôn mới
chợ nông thôn mới

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành đã trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc mở hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho chợ truyền thống. Hiện nay, Nghị quyết của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội năm 2020 số 973 đã cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào chợ đầu mối và chợ dân sinh và cả sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chiến lược Phát triển thương mại trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đã được Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, gần như toàn bộ các chợ trên toàn quốc được phép sử dụng ngân sách nhà nước để nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các địa phương sẽ thực thi Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước để dùng những nguồn ngân sách đầu tư hàng năm được Trung ương cấp về cho địa phương và nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho hạ tầng của chợ. Bà Nga cho biết thêm.

Việc thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2030, tầm nhìn đến 2045, mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Đây là những nội dung gắn với việc phát triển hạ tầng thương mại trong xây dựng nông thôn mới, Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin thêm về vấn đề này.

          

Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí