Tổng kết việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ngành Công Thương trên địa bàn cả nước đã để lại dấu ấn quan trọng với kết quả trên nhiều mặt công tác.
Ngay từ khi Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới được tổ chức triển khai, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác để giúp lãnh đạo Bộ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương giao tại Quyết định số 0387/QĐ-BCT ngày 20/1/2010.
Tiếp đó, để thống nhất đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT ngày 20/5/2011 về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; theo đó, giao Cục Công nghiệp địa phương (nay là Cục Công Thương địa phương) làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới theo nhiệm vụ được giao.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch Công tác của Bộ Công Thương, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương giao.
Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương rà soát thực trạng 2 tiêu chí điện nông thôn và chợ nông thôn trên địa bàn cả nước. Trên cơ sở đó, Bộ đã xây dựng, ban hành: Kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 6286/QĐ-BCT ngày 30/11/2011 của Bộ Công Thương; Công văn số 11059/BCT-TCNL ngày 29/11/2011 của Bộ Công Thương về hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Chương trình.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế và nhận được phản ánh của các địa phương về những khó khăn trong quá trình đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7, Bộ Công Thương đã nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng và ban hành 02 Quyết định về hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 gửi các địa phương triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31/12/2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về chợ trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Quyết định số 3192/QĐ-BCT ngày 3/4/2015 của Bộ Công Thương về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2016-2019, để các địa phương thống nhất phương pháp đánh giá, thẩm định, xét công nhận cho các xã đạt tiêu chí về điện nông thôn và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản:
Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 về Phương pháp đánh giá thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 8/12/2016 về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định số 5131/QĐ-BCT ngày 30/12/2016 về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện huyện nông thôn mới trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương cũng tích cực tham gia góp ý, xây dựng dự thảo các văn bản như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng dẫn xây dựng triển khai, thực hiện huyện nông thôn mới; Đề án phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…
Về phía các Sở Công Thương, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nghiêm túc được triển khai. Căn cứ hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình của Trung ương và Bộ Công Thương, Sở Công Thương cấp tỉnh đã chủ động tham mưu UBND ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế thông qua các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch, Công văn,… như: Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng chợ; cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới; quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ; kế hoạch triển khai đầu tư phát triển hệ thống điện nông thôn, các văn bản hướng dẫn thực hiện, xét công nhận đạt tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7…
Nhìn chung, các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn được ban hành đảm bảo phù hợp, sát với thực tế, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Xây dựng trang nông thôn mới trên các ấn phẩm, báo, tạp chí, phát hành định kỳ báo giấy và điện tử như: Báo Công Thương, Bản tin khuyến công; Biên tập và in ấn cuốn “Hệ thống các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về hai tiêu chí số 4 - điện nông thôn và tiêu chí số 7 - Chợ nông thôn”; tuyên truyền bằng tranh ảnh, sách báo về xây dựng nông thôn mới trong đó có thực hiện tiêu chí điện nông thôn và tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, các hoạt động tình nguyện vệ sinh môi trường,...
Sở Công Thương khẩn trương tổ chức triển khai hai tiêu chí được phân công; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Xây dựng chương trình phát sóng truyền hình; mở trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến các hoạt động xây dựng nông thôn mới; cung cấp thông tin về thực hiện hai tiêu chí số 4 và số 7 trên trang thông tin điện tử của Sở; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân... để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, qua đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thu hút được sự đồng tình hưởng ứng, tự giác tham gia của người dân.
Với sự nỗ lực của Sở Công Thương, ngành điện cùng chính quyền địa phương đã vận động người dân tham gia hiến đất, đóng góp lớn trong việc xây dựng hệ thống điện nông thôn, chợ nông thôn; tích cực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân nông thôn…
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thông tin thị trường các sản phẩm nông sản theo định kỳ, trong giai đoạn 2010-2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ tổng hợp, phân tích thông tin thị trường dưới dạng các bản tin hoặc các báo cáo chuyên đề về một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều… Thông tin thị trường được tổng hợp, phân tích một cách toàn diện đối với thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Triển khai nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Trường thuộc Bộ (Đại học Công nghiệp Việt Trì, Cao đẳng Công nghiệp Huế) xây dựng giáo trình và tổ chức được 24 lớp tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức về công tác xây dựng nông thôn mới cho trên 1.700 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới với thời gian tập huấn là 03 ngày/lớp trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Tây Ninh, Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Các chương trình tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới đã trang bị nhiều kiến thức cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới như: Giúp hiểu sâu hơn những kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng xây dựng nông thôn mới; cách thức tuyên truyền cho người dân nhận thức được vai trò của công tác xây dựng nông thôn mới; định hướng phát triển sản xuất nông thôn trong khu vực thông qua các loại hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc thù của địa phương. Góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội về vai trò, ý nghĩa, những kết quả và thành tựu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về phía địa phương, hàng năm Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thường xuyên tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hiện tiêu chí chợ, điện nông thôn tại các xã, huyện trên địa bàn các tỉnh/thành phố; tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý chợ, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại các chợ nông thôn….
Bám sát kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2010-2018, Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 21 lượt kiểm tra tại 12 địa phương được Ban Chỉ đạo Trung ương giao.
Cụ thể tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng (2011, 2012, 2013); Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương (2014); Phú Yên, Khánh Hoà (2015, 2016), Hưng Yên, Hải Dương (2017); Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định (2018). Đoàn công tác bao gồm các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương và đại diện Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tại từng địa phương, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các Sở, ngành liên quan; kiểm tra thực tế địa bàn xã nông thôn mới, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, căn cứ vào nhiệm vụ được phân công chủ trì hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, BCĐ Bộ Công Thương đã tổ chức 27 lượt làm việc nhằm kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tiêu chí số 4 và số 7 tại 24 địa phương. Tại từng địa phương, Đoàn công tác đã làm việc với đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các Sở, ngành liên quan, kiểm tra thực tế tình hình thực hiện 2 tiêu chí tại địa bàn xã nông thôn mới, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7.
Về phía địa phương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh/thành phố) đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ; kiểm tra, rà soát những hộ chưa được sử dụng điện, đánh giá chất lượng điện áp tại các khu vực nông thôn qua đó tổng hợp, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình và nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện để nâng cao chất lượng điện áp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho nhân dân; đánh giá hiện trạng hệ thống chợ, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ… qua đó nắm bắt và giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bài: Thăng Long
Thiết kế: Đông Sơn