Dâu tây - Mùa quả ngọt trên đất Sơn La
28/11/2023 lúc 14:00 (GMT)

Dâu tây - Mùa quả ngọt trên đất Sơn La

 

 Dâu tây Hana - giống dâu tây xuất xứ từ Nhật Bản được đem về Sơn La trồng cách đây hơn chục năm đang mang lại cho người dân nơi đây những mùa quả ngọt.

dâu tây

Giống dâu tây Hana có đặc điểm trái to, thích nghi với vùng khí hậu nhiệt đới, nên thường được gọi tắt là “dâu tây chịu nhiệt”. Đặc tính sinh trưởng là giống cây thân thảo, trái màu đỏ, chỉ số Brix ở mức trung bình.

Đây là loại giống dâu có xuất xứ từ Nhật Bản, tên gốc là dâu tây Tochiotome. Loại này được nông dân người Nhật tên Nahana Shojiro mang sang Việt Nam trồng thử nghiệm năm 2012. Sau khi thử nghiệm thành công, giống dâu tây Tochiotome được nông dân Mộc Châu gọi tắt là "Dâu tây Hana".

dau tay 1
dau tay 2
dau tay 3
dau tay 4

Dâu tây Sơn La chủ yếu là giống Hana, có màu sắc đỏ tươi không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng, tai cuống có màu xanh lá mạ. Phần thịt quả màu đỏ nhạt, xen lẫn màu trắng kích thước trung bình, từ 2-3cm, hình dạng hơi nhọn, tròn. Dâu tây Sơn La có vị ngọt đậm, kèm chua thanh. Đồng thời có mùi thơm rất nhẹ, đặc trưng của dâu tây.

Dâu tây Sơn La có thời gian chín khá nhanh, thường chỉ sau 30-35 ngày sau khi trái cây ra hoa. Hình dáng quả không đồng đều, kích thước quả vừa phải, không quá to, quả mềm, không nhẵn mịn.

dau tay 1
dau tay 2
dau tay 3
dau tay 4
dau tay 6

Dâu tây Sơn La chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, A, K, chất xơ, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Đây là một loại trái cây rất tốt cho sức khỏe và giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, dâu tây còn được sử dụng chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như mứt dâu , bánh kem dâu, kem dâu, pudding dâu…

hieu qua kinh te

Nếu tính mỗi héc-ta, sau khi trừ chi phí sẽ lãi khoảng 300-350 triệu đồng. Dâu tây Hana đã trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Mai Sơn.

Huyện Mai Sơn hiện là một trong những địa phương có diện tích dâu tây lớn nhất tỉnh Sơn La, với 326 ha, sản lượng 3.129 tấn, trong đó riêng xã Cò Nòi có diện tích trên 230ha. Với mức giá thu mua cao hiện nay, nông dân thu nhập khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng trên mỗi hécta đất trồng dâu.

Từ giá trị cao của trái dâu tây, những năm trở lại đây, người dân Cò Nòi đã dần chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt là người dân đã chuyển đổi diện tích đất bằng phẳng, thuận tiện về đường giao thông, nguồn nước để trồng cây dâu tây.

cò nòi

Cây dâu tây được trồng ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn bắt đầu từ khoảng tháng 4 hàng năm. Thời điểm cho thu hoạch quả bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trồng dâu tây ở đây cho sản lượng cao bởi ở Cò Nòi có nhiều sương mù. Lại nằm ở độ cao 700-800m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp cho dâu tây phát triển. Đây được đánh giá là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Hiện nay, dâu tây trồng trên địa bàn xã Cò Nòi tập trung tại khu Tân Thảo với khoảng 50 ha. Mỗi ha dâu tây cho thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn quả/vụ, với giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/kg mỗi loại. Trung bình, mỗi ha dâu tây trừ chi phí có lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/ vụ, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Anh Lê Trung Toàn, bản Nong Quỳnh, xã Cò Nòi cho biết, so với các cây trồng khác thì giá trị dâu tây rất là cao. Ví dụ 1.000 m2 trồng ngô, khoai, sắn chỉ được 4 - 5 triệu đồng nhưng trồng dâu tây thì giá trị 50 triệu, gấp 10 lần. Gia đình tôi hiện đang trồng 1 ha dâu, sản lượng 15 tấn/ha. Mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha.

cò nòi
cò nòi 2

Cây dâu tây được đưa vào trồng tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn từ năm 2016, đến nay đã hình thành vùng chuyên canh rộng lớn với sự tham gia của hàng trăm hộ dân và nhiều hợp tác xã. Thông qua các hợp tác xã, đã tạo sự liên kết và giúp bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng dâu tây trong vùng.  

Đại diện Hợp tác xã rau quả Hưng Thịnh tại xã Cò Nòi thông tin, hiện nay hợp tác xã có 10 thành viên với 12ha canh tác, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn dâu tây thuộc giống Hana. Đến nay, vườn dâu tây của các thành viên trong hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

dâu tây

Tại Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế mỗi ngày thu hoạch khoảng  6 - 7  tấn quả trên diện tích 30ha. Nếu tính cả xã Cò Nòi với diện tích 200ha, sản lượng một ngày sẽ vào khoảng 40 tấn. Tính từ đầu mùa (tháng 12/2022) đến đầu tháng 3/2023, xã đã thu hoạch 1.200 tấn dâu tây. Vụ năm nay Cò Nòi ước đạt sản lượng 2.000 tấn dâu tây.

Trên địa bàn xã Cò Nòi hiện có 6 hợp tác xã chuyên về sản xuất dâu tây. Xã đã tập trung hỗ trợ cho các hợp tác xã để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

nâng giá trị

Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế được xem là một trong những hợp tác xã hạt nhân của Cò Nòi. Hợp tác xã được thành lập năm 2018, nhằm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn.

Đầu năm 2018, thông qua Hội nghị xúc thương mại của tỉnh Sơn La về quảng bá các mặt hàng nông sản tại Hà Nội, trong đó có dâu tây, sản phẩm dâu tây của Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế nhận được nhiều đơn đặt hàng của các siêu thị lớn như Vinmart, Big C,… Giá bán 1kg dâu tây vào các siêu thị này có giá 190.000  - 200.000 đồng/kg.

dâu tây

Đến nay, Hợp tác xã đã hoàn tất thủ tục về tem mác truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm dâu tây. Những thành công bước đầu đã tạo cơ hội cho các thành viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Diện tích dâu tây của Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế ban đầu chỉ có 5ha thì bây giờ đã là 30ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất với một số hộ nông dân ở xã Ðông Sang, huyện Mộc Châu, qua đó nâng diện tích lên 60ha. Toàn bộ diện tích đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vào mỗi vụ thu hoạch, Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số lúc nông nhàn. Theo anh Nam, mặc dù việc tỉa, hái, đóng gói đều thủ công nhưng công việc này nhẹ nhàng, phù hợp các lứa tuổi.

liên kết

Quả dâu Sơn La chính thức bước ra thị trường năm 2019. Đến tháng 12/2020, khi sản lượng cao hơn, các hợp tác xã đã bắt tay thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Dâu tây Sơn La với 5 thành viên. Cùng năm đó, quả dâu Sơn La phủ 26 tỉnh thành miền Bắc, lên kệ các chuỗi siêu thị lớn như VinMart, AEON, BigC… và các cửa hàng thực phẩm sạch cũng như đi qua kênh cộng tác viên bán hàng online, tiêu thụ toàn bộ 320 tấn dâu.

Liên hiệp Hợp tác xã Dâu tây Sơn La được thành lập có trụ sở tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Liên hiệp được thành lập với sự tham gia của 5 hợp tác xã phát triển quả dâu tây trên địa bàn tỉnh Sơn La, gồm: Hợp tác xã Dâu tây công nghệ cao Mộc Châu, Hợp tác xã hoa Mộc Châu, Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế, Hợp tác xã nông nghiệp Mường Bú, Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Nà Sản.

dâu tây xuân quế

Hiện, tổng diện tích trồng dâu tây trong Liên hiệp là trên 30 ha, được xây dựng quy trình khép kín cho việc kiểm soát chất lượng quả dâu tây từ khâu làm đất, xuống giống, trồng, chăm sóc, thu hái, đóng gói, bảo quản và phân phối quả dâu tây ra thị trường.

Khi các hợp tác xã Dâu tây liên kết với nhau, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các xã viên. Các xã viên sẽ được hỗ trợ tối đa về kỹ thuật chăm sóc để chất lượng quả dâu tây được đảm bảo tốt nhất, giá quả dâu tây cũng được ổn định hơn, giúp xã viên tăng thu nhập, yên tâm sản xuất.

Hiện nay, các trang trại Dâu tây đã trở thành các điểm nhấn về cảnh quan, nhằm thu hút thêm nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, du lịch, từ đó tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Sản phẩm hiện đang được bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam như: thị BigC, siêu thị Aeon, Siêu thị Vinmart, Siêu thị Coop mart, Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch: An Hoà, Clever Food, Biggreen, Sói Biển, Bác Tôm, các kênh thương mại online, các đại lý trái cây tại nhiều địa phương.

dâu tây

 

          

Bài: Xuân An

Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí