Để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng
07/09/2024 lúc 08:00 (GMT)

Để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng

 

Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp gia nhập sâu hơn vào việc cung ứng sản phẩm cho các Tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Để doanh nghiệp việt gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng

Do ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phân cực và dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số. Những thay đổi này góp phần phát triển bền vững các chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực.

Trong sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Xu hướng này bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ năm 2022, trong đó, dòng vốn từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang liên tục tăng nhanh trong thời gian qua.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 7 tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%.

Đặc biệt, riêng tháng 7/2024 đã ghi nhận tổng lượng vốn đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng, xếp thứ 3 trong 7 tháng đầu năm (sau tháng 6 và tháng 4/2024).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Tính theo đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng, với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023.

Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,7%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,5%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 26%).

Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện tạo cú hích lớn, góp phần làm thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư, đồng thời đưa Việt Nam đã trở thành hub kết nối trong môi trường nền kinh tế đang phân cực toàn cầu như hiện nay. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. Thời điểm này, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn.

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, những nỗ lực để Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thực thi tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này vươn lên trong chuỗi giá trị.

Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp.

Chẳng hạn như, ngoài các yêu cầu về trình độ công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước còn đến từ yêu cầu phải đảm bảo tiến độ và chất lượng giao hàng khắt khe, phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người mua, các doanh nghiệp đầu chuỗi hay ở vị trí cao hơi trong chuỗi cung ứng, phải chịu sự đánh giá và kiểm soát thường nhật theo các tiêu chuẩn khắt khe của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất tính theo ngày chứ không phải theo tháng. Điều quan trọng nhất, các doanh nghiệp phải có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

Từ đó, đòi hỏi một môi trường thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và thông thoáng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển để họ có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang hoạt động tại hay ngoài Việt Nam.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là yêu cầu xanh hóa và phát triển bền vững, trong đó, những người mua, doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài, đứng trước xu thế chung phát triển chung, sự thay đổi về quy định pháp luật, cũng như áp lực từ người tiêu dùng trong nước đã tạo ra các tiêu chuẩn ngày một cao hơn về sản xuất xanh, buộc các các doanh nghiệp tại các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình cải tiến quy trình “xanh hóa” một cách mạnh mẽ hơn.

Thực tế, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn nữa mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp trong nước.

Ví dụ như, khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế - chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay Quy định Chống phá rừng của EU…

Do vậy, theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, các doanh nghiệp Việt muốn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu cần được đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển các công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, các quy định về tiêu chuẩn xanh cũng cần được xây dựng nhằm định hướng cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, nâng cao trình độ số hóa, năng lực công nghệ thông tin để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn ESG của những nhà nhập khẩu từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Canada và nhiều nền kinh tế khác.

Đặc biệt, TS. Lê Duy Bình cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển doanh nghiệp hiện nay.

Đứng trước yêu cầu mới về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cần hành động cấp bách để xác lập vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, và khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại, cần trả lại không gian cho thị trường và cho các nguyên tắc của cơ chế thị trường. Các biện pháp mang tính chất bao cấp, hỗ trợ, miễn, giảm đã được thực hiện quá dài cũng phải được “thu lại” hoặc thu hẹp dần về quy mô hay cường độ, nhờ đó thị trường sẽ quay trở lại vận hành đúng như quy luật vốn có của nó. Thay vào đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước có thể được sử dụng để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp, các tổ chức, thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo hay các doanh nghiệp, các tổ chức trong các hệ sinh thái của các ngành công nghiệp mới trong tương lai như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy, đặc biệt là giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần.

          

Bài: Thy Thảo
Ảnh: Huy Thắng
Thiết kế: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí