Đến Phùng Xá xem vạn tằm tự dệt chăn tơ
20/10/2023 lúc 14:24 (GMT)

Đến Phùng Xá xem vạn tằm tự dệt chăn tơ

 

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Khác với làng Vạn Phúc, Hà Đông chuyên dệt lụa, người dân tại xã Phùng Xá thực hiện tất cả các công đoạn của nghề truyền thống từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đến dệt, nhuộm vải, ... 

Từ cuối những năm 60 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, mảnh đất Phùng Xá còn được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm”. Tuy nhiên, giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề dệt Phùng Xá cũng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như mai một.

Với lòng yêu nghề, muốn giữ nghề cho thế hệ sau, một số người dân xã Phùng Xá, trong đó có bà Phan Thị Thuận không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo để hồi sinh truyền thống của quê hương.

Phùng Xá

Bao đời nay, tằm nhả tơ tạo kén từ ngoài vào trong. Đầu tiên là vài vòng tơ thô bên ngoài để định hình tổ kén gọi là áo kén. Sau đó, tằm tiếp tục xoay cơ thể nhả tơ quanh mình và cuộn tròn bên trong. Sau khi nhả hết tơ, tằm nằm in trong kén để hóa thành nhộng. Lúc này, người thợ có thể gỡ kén để mang đi ươm tơ.

 

Ươm tơ chính là việc kéo sợi tơ từ kén thành sợi tơ tằm. Người thợ phải căn ngày để nhanh chóng ươm tơ hết các kén đã đóng. Nếu chậm tằm sẽ biến thành con ngài. Ngài sẽ cắn kén chui ra, làm sợi tơ bị đứt, không ươm được nữa.

Đầu tiên thả kén vào nồi nước sôi, đảo đến khi kém mềm, lớp áo kén ngoài bong ra thì mới tìm được mối tơ gốc để rút sợi tơ. Khoảng 10 sợi tơ được kéo rút ra từ 10 cái kén chập lại với nhau sẽ thành 01 sợi tơ mới.

Để có một tấm chăn tơ, từ những sợi tơ người thợ lại tiếp tục cào thành bông rồi khâu cố định các lớp với nhau. Cả quá trình kéo dài và tốn rất nhiều tâm sức của người thợ. Thành phẩm sau cùng là những tấm chăn tơ óng rất đẹp nhưng sau một thời gian sử dụng lại dễ bị vón cục.

Phùng Xá

Sau nhiều năm quan sát con tằm làm tơ, đan kén ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào, bà Thuận nảy ra một ý tưởng lạ. Bà tìm cách "điều khiển" để con tằm  tự dệt những thước tơ trên một mặt phẳng, thay vì cuộn tròn như trước đây.

Phùng Xá

Nếu nuôi trong nong, tằm sẽ nương theo vành nong để cuộn kén. Khi không có nơi bấu víu, chúng buộc phải nhả tơ vào không gian. Đem tằm thả vào mặt phẳng, bà Thuận phải ngồi canh cả ngày lẫn đêm vì tằm sẽ bò lung tung tìm nơi cuộn kén theo bản năng. Khi không tìm được nơi cuộn kén, tơ trong bụng lại quá nặng, chúng mới buộc phải nhả tơ ra ngoài mặt phẳng.

 

Muốn được tấm chăn đều đặn, không bị chỗ dày chỗ mỏng, bà Thuận phải liên tục thay đổi vị trí của các con tằm, kịp thời nhặt bỏ những con tằm đã hết tơ để chúng không bị tơ của những con khác vùi lấp. 

Phùng Xá

 

Hàng trăm con tằm cùng nhả tơ. Từng sợi tơ cứ thế được xếp chồng, đan xen vào nhau kết nên tấm thảm tơ mềm mại, óng ả. Sau khi những con tằm nhả hết tơ trong bụng thì cũng là lúc tấm thảm tơ được dệt xong. Đem tấm thảm tơ ấy đi tẩy theo kỹ thuật truyền thống sẽ được một tấm chăn tơ tằm mềm mại và ấm áp.

Không đơn giản để luyện con tằm trở thành “những người thợ dệt”, bà Thuận phải hiểu “tâm tính” con tằm để nương theo.

 

Tằm khi đan kén còn có tổ để che thân nên yên tâm kéo tơ. Đằng này, lũ tằm tự dệt phải nằm trơ trọi trên một mặt phẳng khiến chúng rất sợ ánh sáng, tiếng động hay gió thổi. Bà Thuận sắp xếp những điều kiện thuận lợi nhất, để tằm vào trong nhà kín không có tiếng động, ánh sáng hay gió lùa.

Trong ruột mỗi con tằm chứa sợi tơ dài khoảng 400 - 500m, bà Thuận cũng phải tính toán tỉ mỉ khoảng cách thích hợp để cho chúng vươn cổ, nhả tơ sao cho thật vừa tầm mà không vướng víu.

Mất một năm với 08 lứa tằm đem ra làm thí nghiệm, tương đương hàng chục đêm ròng thức trắng, năm 2010 bà Thuận mới hoàn thiện được tấm chăn tằm tự dệt độc nhất Việt Nam.

Phùng Xá

Sợi tơ tằm vốn là một trong những loại sợi tơ tự nhiên có độ chắc cao. Mặt cắt ngang sợi tơ có hình dạng tam giác với các góc tròn. Vì có hình dạng tam giác nên ánh sáng có thể rọi vào ở nhiều góc độ khác nhau, giúp sợi tơ có vẻ óng ánh đặc trưng.

Sợi tơ bền đẹp là vậy nhưng khi tằm tự dệt thành tấm chăn lại càng đặc biệt hơn. Là tấm bông 100% tơ tằm nguyên khối, liên kết hoàn toàn tự nhiên do hàng trăm con tằm cùng nhả tơ trên một mặt phẳng, tấm chăn bền chắc, có độ đồng đều cao, chất lượng tơ hoàn hảo mà con người khó có thể thực hiện được. 

Phùng Xá

 

Đây là những tấm chăn quý có đặc tính thoáng khí, mềm nhẹ, cho cảm giác mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, được sinh ra từ tự nhiên, có thể phân huỷ tự nhiên nên rất thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng.

 

 

Phùng Xá

Từ tấm chăn bông tơ tằm tự dệt, tiếng lành đồn xa, khách hàng biết đến các sản phẩm của Phùng Xá ngày một nhiều hơn. Nhờ vậy, nhiều thợ ươm tơ, dệt vải trong xã có thêm động lực bám trụ với nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, kể từ khi tham gia Chương trình OCOP của thành phố, thị trường tiêu thụ sản phẩm của xã không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Lụa Phùng Xá đã có mặt tại các quốc gia như Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông, …

Đến nay, nghề dệt không chỉ xây dựng được thương hiệu cho Phùng Xá mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình. Toàn xã hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tơ tằm. Nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã.

Phùng Xá

Các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa phương rất tích cực tham gia vào Chương trình OCOP của TP. Hà Nội nhằm xây dựng thương hiệu, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm.

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do bà Thuận làm “thuyền trưởng” cũng đang là nơi gắn bó của hàng chục lao động. Vào dịp hè, bà Thuận cũng tổ chức thêm các lớp học nghề cho con em trong vùng, giúp thế hệ tương lai hiểu về nghề của cha ông, tiếp nối văn hoá truyền thống cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Phùng Xá

Sau nhiều năm yêu nghề, nuôi nghề và truyền nghề, bà Phan Thị Thuận đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" vào năm 2016. Bà cũng được nhận bằng khen của UBND TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, … 

Năm 2020, bà Thuận là một trong 10 cá nhân được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng tôn vinh những đại diện tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ, hàng trăm nghìn tập thể nữ tận tụy lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo đã và đang ngày đêm đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. 

Phùng Xá

Tấm chăn tơ tằm quý được dệt bởi những người “học trò” đặc biệt của bà cũng đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận đạt 5 sao vào đầu năm 2023.

Những chương trình thiết thực như OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương như khuyến khích và thúc đẩy hoạt động sản xuất tơ tằm tại Phùng Xá. Nhưng xuất phát từ bên trong, có lẽ tình yêu quê hương đất nước mới là điều quan trọng nhất giữ bà Thuận và những người thợ dệt Phùng Xá gắn bó với nghề.

Phùng Xá

 

⠀⠀"Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,

Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.

⠀⠀Yêu con sông mặt sóng xao,

Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.

⠀⠀Yêu hàng ớt đã ra hoa

Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.

⠀⠀Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,

Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm”

⠀⠀Ta yêu quê ta, tác giả Lê Xuân Anh

 

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí